Ông Nguyễn Khắt (SN 1959) là công dân nước Cộng hòa DCND Lào nhưng lại mang họ “Nguyễn” rất thuần Việt bởi có ông nội là người gốc từ thôn Làng Chè, xã Sơn Kim 2, huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) di cư sang đây hơn 70 năm. Hiện có 5 thế hệ với khoảng 50 nóc nhà, gần 300 nhân khẩu đang sinh sống tại các bản giáp biên của huyện Khăm Cợt, tỉnh Bolikhămxay nước bạn.
Ông Nguyễn Khắt từng có 14 năm sát cánh cùng bộ đội Việt Nam đánh Mỹ, đánh phỉ, lập nhiều chiến công, được 2 đảng, 2 nhà nước Việt Nam và Lào tặng nhiều huân, huy chương. Ông cũng là người có cảm tình đặc biệt với Bộ đội Biên phòng Việt Nam và là người rất có trách nhiệm trong công cuộc bảo vệ tuyến biên giới chung giữa hai nước.
Tết này, ông Khắt được cán bộ, chiến sỹ Bộ đội Biên phòng Việt Nam đang công tác ở Trạm xá Quân dân y kết hợp Thọong Pẹ tặng một cành đào đẹp nhất trong khuôn viên trạm y tế. Món quà này khiến ông rất vui và tạm dừng công việc nhà để cùng những người khách quý cắm vào nơi đẹp nhất, trang trọng nhất trong nhà.
Là người luôn nhớ về nguồn cội, ông Nguyễn Khắt năm nào cũng tổ chức đón tết Việt. Ông gọi con cháu về sớm để mổ lợn, rửa lá dong, gói bánh chưng, tổ chức đón giao thừa, vui đón xuân... và kể cho chúng nghe những trang “sử thi” của dòng họ Nguyễn trên đất Lào, về cố hương Việt Nam. Ông mong muốn những nét đẹp từ cội nguồn, từ bản sắc sẽ dần thấm đẫm vào tâm hồn, cốt cách của các thế hệ sau trong dòng họ.
Đón tết năm nay, ngoài con cháu gần nhà sang làm cùng, những người lính quân hàm xanh Việt Nam đang làm nhiệm vụ đặc biệt trên đất nước bạn cũng thu xếp thời gian đến nhà thăm hỏi, động viên, giúp gia đình gói bánh chưng... Tiếng nói cười rộn rã khiến căn nhà nhỏ ngập tràn trong không khí đoàn viên, thắm tình đoàn kết Việt - Lào, ấm đậm tình quân dân.
Cùng với những chiếc bánh chưng xanh mang đậm hồn cốt cố hương, ông Nguyễn Khắt cũng chuẩn bị hương đèn, dọn dẹp bàn thờ tổ tiên để chào đón năm mới.
Sau 14 năm rong ruỗi trên khắp các chiến trường, trở về đời thường tham gia hàng chục năm dân quân kiêm công an bản nên chân mỏi, gối chồn buộc ông Khắt phải về nhà bán tạp hóa, rửa xe, sửa chữa ô tô và máy móc nông nông cụ mưu sinh. Để đón tết Việt, từ ngày 26 tháng Chạp, ông đã nghỉ kinh doanh, buôn bán, làm việc để dọn dẹp nhà cửa.
Ông cùng cô cháu nội Nguyễn Păn gấp gọn chăn nệm, cất dọn đồ dùng sinh hoạt và lựa chọn những bộ đồ đẹp nhất cho các thành viên trong gia đình để mặc trong những ngày tết. Ông cũng không quên nhắc cô cháu gái tuổi đương thì, diện đồ đẹp chơi xuân là một trong những tập tục, nét đẹp văn hóa của người Việt mỗi khi tết đến xuân về.
Chung tay cùng ông cháu, bà U Còn cũng không kém phần hăng hái vì bà đã hiểu những phần việc cần làm trong các dịp lễ tết như thế này. Bà đôn đáo thu dọn nhà cửa, ghép dọn quầy tạp hóa, di chuyển đàn gà, hái rau, chợ búa, nội trợ... như một nàng dâu đảm đang người Việt.
Khi việc dọn dẹp đã cơ bản sạch sẽ, gọn gàng, vợ chồng ông Khắt lại dắt nhau ra khu chợ gần nhà để mua sắm thêm các loại nhu yếu phẩm cần thiết (hành củ về muối, dưa chuột làm nộm, riềng kho thịt, bánh mỳ ăn canh...) đủ để dùng cho việc tiếp khách và con cháu ăn trong 4 ngày tết.
Ông Khắt cũng không quên lựa chọn một số thức uống (nước ngọt, bia, rượu) để chuẩn bị sẵn cho con cháu đón giao thừa và sang năm mới mời người thân, xóm giềng, các vị chức sắc trong cộng đồng, Bộ đội Biên phòng Việt Nam... đến chung vui, chúc tụng. Đặc biệt, đây cũng là dịp để con cháu trong đại gia đình được thỏa sức vui vầy.
Cùng với làm gà, làm vịt và những món ăn mang tính thuần Việt trong ngày tết, các miếng thịt mỡ gác bếp được ông Khắt cất bấy lâu cũng được vệ sinh sạch sẽ, mang xuống để chế biến đãi khách trong những ngày sắp tới.
Khi nồi bánh chưng bắt đầu nổi lửa cũng là lúc hai ông bà cùng nhau nhẩm lại những việc lớn mà gia đình đã làm được trong năm qua, những công việc trọng đại cần làm trong năm tới. Họ cũng dự định cùng một số thành viên trong gia đình về thăm thân ở Việt Nam trước rằm tháng Giêng vì 2 năm qua họ không về thăm quê do dịch bệnh.
Khi mọi việc đã cơ bản xong, ông Khắt vui mừng gọi điện báo tin cho người thân, con cháu ở xã Sơn Kim 2 (huyện Hương Sơn) về tình hình chuẩn bị đón tết ở Lào, thông báo kế hoạch sắp về cố hương thăm thân và hỏi han việc tết nhất ở bên nhà. Tuy ngày tết khá bận rộn, vất vả nhưng ông Khắt vẫn giành thời gian trao đổi với những người lính Bộ đội Biê phòng Việt Nam đang làm nhiệm vụ đặc biệt bên nước bạn về tình hình ngoại biên, những vấn đề đáng lo lắng ở khu vực biên giới, tâm tư của những người Lào gốc Việt khi tết đến xuân về.