Chơi đàn đáy với nghệ nhân dân gian Trần Văn Đài không đơn thuần chỉ là niềm đam mê mà còn là lẽ sống (Ảnh: Huy Tùng)
Đàn đáy – một loại nhạc cụ thuần Việt, trông qua cứ ngỡ là đơn điệu và dễ chơi. Ấy thế nhưng để điều khiển được 3 dây đàn gỗ ấy đi theo những cung phách của ca trù, tương hợp với tiếng hát, tâm trạng của đào nương, người nghệ nhân phải trải qua quá trình rèn luyện công phu. Chính tư chất nghệ sỹ và quá trình khổ luyện đã mang đến chỗ đứng cho nhạc công trên chiếu ca trù. Thậm chí, nhiều người đã tạo được dấu ấn đặc biệt bởi những “ngón đàn” điêu luyện, hào hoa mà vẫn giữ được sự chân phương, đứng đắn.
Dù ở ngoài đời thực...
Bén duyên với nghệ thuật ca trù từ năm 1995, hơn 20 năm gắn bó với cây đàn đáy đã khiến nghệ nhân Trần Văn Đài trở thành một trong những nhạc công đàn đáy hay nhất trên miền đất hát Nghi Xuân. Đã lâu rồi nhưng những nghệ nhân ca trù vẫn còn truyền nhau câu chuyện về con đường đến với ca trù của nghệ nhân Trần Văn Đài. Ấy là xuất phát từ tình yêu với người vợ hiền – nghệ nhân dân gian Dương Thị Xanh.
Thuở ấy, tối nào chị Xanh cũng đến nhà các cố nghệ nhân Phan Thị Mơn, Phan Thị Xanh, Phan Thị Nga… để học hát ca trù nhằm thực hiện chủ trương khôi phục ca trù Cổ Đạm của ngành văn hoá. Nhưng ca trù có khôi phục và phát huy giá trị trong đời sống hay không thì không thể chỉ trông chờ vào ca nương. Thuận theo lời thuyết phục của vợ, anh Đài đã đồng ý theo vợ đến các lớp học hát và nhờ các nghệ nhân truyền cho các “ngón” đàn đáy.
... hay trên sân khấu, nghệ nhân Trần Văn Đài luôn giữ được vẻ điềm tĩnh của người đã nắm giữ được cảm xúc lẫn kỹ thuật chơi đàn. (Ảnh: Đình Nhất)
Anh Đài cho biết: “Càng học tôi càng mê say nghệ thuật ca trù. Buổi đầu, chưa có đàn, tôi phải học bằng sự xướng âm của các cụ. Sau đó, tôi lấy tiền dành dụm được sắm một cây đàn và khăn gói ra thủ đô “tầm sư học đạo”. Từ chỗ bập bõm, chỉ chơi được vài ba thể cách, tôi đã được truyền thụ thêm rất nhiều kiến thức để có thể đệm cho nhiều thể cách. Để có thể điều khiển những dây đàn ấy biến hoá theo tiếng lia, tiếng vẫy, tiếng mượn… của cung đàn”.
Đã hơn 10 năm quen biết với anh Trần Văn Đài nhưng lần nào cảm nhận của tôi về anh vẫn vậy. Dù lúc anh là nông dân hay lúc anh là nghệ nhân, dù trên sân khấu hay ở dưới khán đài, anh cũng luôn trong dáng vẻ điềm tĩnh. Từ gương mặt, ánh mắt, đến dáng dấp, thần thái đều tất cả đều trong tầm kiểm soát của anh khiến người đối diện cảm thấy an tâm. Cũng giống như tiếng đàn của anh, dù chân phương hay bay bổng đều trong tầm kiểm soát khiến những ca nương hát cùng anh luôn cảm thấy an toàn.
Sau hơn 20 năm gắn bó với nghệ thuật ca trù, anh Trần Văn Đài đã trở thành một kép đàn điêu luyện trong nhiều thể cách ca trù (Ảnh: Huy Tùng)
Trở thành nhạc công đàn đáy rồi được công nhận là nghệ nhân dân gian và phong tặng nghệ nhân ưu tú, kép đàn Trần Văn Đài đã biểu diễn trên nhiều sân khấu lớn nhỏ. Với anh, mỗi một chương trình, mỗi một chuyến đi đều là cơ hội học hỏi.
Anh cho biết: “Tôi học đàn đáy cơ bản ở câu lạc bộ ca trù Thái Hà (Hà Nội) nhưng các kỳ liên hoan ca trù toàn quốc mới là lớp học quý giá đối với tôi. Ở đó, tôi được tiếp xúc với nhiều kép đàn thuộc các vùng ca trù khác nhau. Từ đó tôi mới mở rộng được kiến thức của mình, làm phong phú thêm những “ngón đàn”, học thêm được nhiều tuyệt chiêu để có thể tạo được dấu ấn từ “vai phụ” trên chiếu ca trù bằng những sáng tạo, bay bướm, tình tứ từ nội tâm của mình”.
Anh Trần Văn Đài cùng người bạn hát của mình - nghệ nhân Đặng Thị Thuỳ Vân tại đền thờ họ Phan làng Cổ Đạm, nơi sinh ra những đào nương nổi tiếng một thời của giáo phường Phú Lạp (Cổ Đạm). (Ảnh: Huy Tùng)
Ca trù Cổ Đạm từ buổi bắt đầu khôi phục (1995) đến nay cũng trải qua nhiều thăng trầm, lúc sôi nổi, lúc trầm lắng. Nhiều thế hệ ca nương đã gắn bó rồi rời xa, ngay cả người vợ của anh cũng từ giã chiếu hát để phát triển kinh tế, riêng anh Trần Văn Đài vẫn lặng lẽ, bền bĩ nuôi giữ niềm đam mê của mình với nghệ thuật ca trù truyền thống.
Hiện nay, ngoài việc đều đặn tham gia biểu diễn cùng các nghệ nhân câu lạc bộ ca trù Nguyễn Công Trứ tại đền thờ Uy viễn tướng công, anh Trần Văn Đài vẫn duy trì các lớp học ca trù miễn phí của mình ở Cổ Đạm. Có khi anh dạy tại nhà, có khi là mở chiếu hát ở nhà văn hoá xã hoặc lặn lội đến tận nhà học viên để trao truyền.
Anh Đài chia sẻ: “Ca trù với tôi không còn là niềm đam mê nữa mà đã trở thành lẽ sống. Có những lúc tôi cảm thấy, việc gìn giữ ngọn lửa ca trù cho làng Cổ Đạm là sứ mệnh mà tiền nhân đã trao cho tôi. Bởi thế, bất kỳ lúc nào, khi ca trù vẫn còn cần đến thì tiếng lòng tôi sẽ vẫn còn quyện tiếng tơ rung mà ngân lên những khúc cầm phổ…”