Lần đầu tiên tôi đi gặp nhân vật của mình trong tâm thế ấy - tâm thế của một người đã quá đỗi quen thân. Ấy vậy mà khi ông mở chiếc tủ “sự nghiệp” để giới thiệu, tôi mới rõ, hiểu biết của mình về Nghệ sỹ nhiếp ảnh (NSNA) Sỹ Ngọ còn quá ít.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Sỹ Ngọ bây giờ đã là một tên tuổi nổi tiếng, có vị trí trong giới nhiếp ảnh Hà Tĩnh lẫn Việt Nam. Nhiều người Thành Sen cùng thời với ông chắc hẳn sẽ không bao giờ quên hiệu ảnh Sỹ Ngọ trên đường Nguyễn Công Trứ. Tôi cũng đã nhiều lần nhìn thấy bức ảnh đen trắng chụp lại cửa hiệu lúc bấy giờ, chắc hẳn, ai cũng đinh ninh rằng, đó là “cần câu cơm” của một cựu chiến binh. Ít ai biết được, trước đó, thời gian còn trong quân ngũ, khi đang là trợ lý Ban Tuyên huấn Trung đoàn 32 - Sư đoàn 324 (Quân khu IV), ông Ngô Sỹ Ngọ đã từng được trang bị máy ảnh để ghi lại những khoảnh khắc trên chiến trường, phục vụ công tác tuyên truyền. Cũng từ đó, ông trở thành cộng tác viên của Báo Quân khu IV, Báo Quân đội nhân dân… Niềm yêu thích nghệ thuật nhiếp ảnh cũng từ đó “nẩy mầm” trong ông.
Chính ông cũng không ngờ rằng, chiếc máy ảnh và những kiến thức ông tích lũy được đã trở thành “cần câu cơm” để ông cùng vợ chèo chống nuôi 6 đứa con trong thời bao cấp. Năm 1977, hiệu ảnh Sỹ Ngọ ra đời tại căn nhà của ông ở Đông Hải (đường Hải Thượng Lãn Ông ngày nay) nhưng khách hàng không nhiều, chủ yếu là học sinh 10+3 ở các huyện vào thị xã học trung cấp sư phạm. Cuộc sống ngày càng khó khăn, không thể cứ ngồi chờ khách đến, ông đã cùng chiếc máy ảnh Zen-nít rong ruổi khắp các làng quê Hà Tĩnh để chụp ảnh thuê. Thời gian này, ông cũng đã được lực lượng Công an tỉnh tạo điều kiện cho đi chụp ảnh chứng minh thư nhân dân. Cuộc sống cả nhà hầu như nhờ hết vào đó.
Hiệu ảnh Sỹ Ngọ năm 1986. Ảnh tư liệu của Sỹ Ngọ
Ông Sỹ Ngọ chia sẻ: “Luôn canh cánh bên lòng về việc sẽ học thêm nghệ thuật nhiếp ảnh để ngoài việc lo sinh kế, tôi vẫn có thể sáng tác ảnh nhưng khó khăn của cuộc sống đẩy tôi xa rời ước mơ, khát vọng của mình. Mãi cho đến năm 1986, khi chuyển nhà ra phố Nguyễn Công Trứ, mở hiệu ảnh kèm thâu băng, tôi mới không còn phải rong ruổi đi chụp ảnh dạo nữa và có điều kiện để sống với nghệ thuật nhiếp ảnh”.
Nguyên Chủ tịch Quốc hội Lê Quang Đạo (ảnh 1), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười (ảnh 2) thăm thị xã Hà Tĩnh năm 1988. Ảnh tư liệu của Sỹ Ngọ.
Khi hiệu ảnh bắt đầu “ăn nên làm ra”, ông dành thời gian cho nhiếp ảnh nghệ thuật. Ông có thêm nhiều chuyến đi nhưng không phải để kiếm tiền mà là để phát hiện và ghi lại những khoảnh khắc đẹp của cuộc sống. Ông dành nhiều thời gian hơn để có thể săn được những bức ảnh quý. “Có lần để chụp một bức ảnh cảng Vũng Áng, tôi đã phải chờ đợi suốt 17 ngày trời và tốn 5 cuộn phim. Những trải nghiệm trong công việc đã khiến tôi hiểu rằng, với nhiếp ảnh phải kiên trì và phải biết chớp thời cơ. Những khoảnh khắc đó nhiều khi chỉ đến có một lần, chớp được hay không còn là ở sự tổng hợp của nhiều yếu tố. Và, may mắn là trong sự nghiệp của mình, tôi đã chớp được khá nhiều khoảnh khắc quan trọng, trở thành những tác phẩm khẳng định tên tuổi cho mình” - ông chia sẻ.
Di tích núi Nài năm 1976 (ảnh 1). Ngã ba đường quốc lộ 1A và đường Phan Đình Phùng năm 1985 (ảnh 2). Đường Phan Đình Phùng TX Hà Tĩnh năm 1993 (ảnh 3). Chợ TX Hà Tĩnh năm 1984 (ảnh 4). Nhân dân TX Hà Tĩnh dự Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam tại Nhà hát Nhân dân năm 1984 (ảnh 5). Cầu Vồng - Sông Cụt năm 1984 (ảnh 6). Quang cảnh TX Hà Tĩnh năm 1984 (ảnh 7). |
Di tích núi Nài năm 1976 (ảnh 1). Cầu Vồng - Sông Cụt năm 1984 (ảnh 2). Quang cảnh TX Hà Tĩnh năm 1984 (ảnh 3). Đường Phan Đình Phùng TX Hà Tĩnh năm 1993 (ảnh 4). Ngã ba đường quốc lộ 1A và đường Phan Đình Phùng năm 1985 (ảnh 5). Chợ TX Hà Tĩnh năm 1984 (ảnh 6). Nhân dân TX Hà Tĩnh dự Lễ kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Công đoàn Việt Nam tại Nhà hát Nhân dân năm 1984 (ảnh 7). |
Những năm ấy và mãi sau này, Sỹ Ngọ đã trở thành tên tuổi mà nhiều tờ báo tìm kiếm, ông cũng trở thành cộng tác viên đặc biệt của Báo Hà Tĩnh. Nguyên Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh Nguyễn Khắc Hiển từng nhận xét: “Nếu ví nhiếp ảnh là nhà viết sử bằng hình ảnh thì Ngô Sỹ Ngọ là một trường hợp rất quý hiếm của Thành Sen nói riêng, Hà Tĩnh nói chung (…). Tờ Nghệ Tĩnh chủ nhật của chúng tôi có hẳn một chuyên trang “Nghệ Tĩnh - đất và người” dành cho thể loại ảnh nghệ thuật này. Song cả Hà Tĩnh hồi bấy giờ, chỉ có Sỹ Ngọ là cộng tác viên ảnh thường xuyên. Cũng nhờ thế mà tờ báo Nghệ Tĩnh mới có ảnh về Hà Tĩnh, tránh được sự “lệch pha” trong tuyên truyền”.
Sự chăm chỉ, kiên trì, ý thức học tập không ngừng và đặc biệt tâm hồn mẫn cảm với cái đẹp đã giúp Sỹ Ngọ ngày càng có nhiều bức ảnh đẹp, tham gia nhiều triển lãm và đoạt nhiều giải thưởng lớn, nhỏ. Trong đó, nổi bật như: Vàng đen, Thợ trẻ, Trên công trường mỏ sắt Thạch Khê, Mẹ làng chài, Ngày hè… Ông lần lượt trở thành hội viên Hội Liên hiệp VHNT Nghệ Tĩnh, Hà Tĩnh; hội viên AVFA Hội Nghệ sỹ nhiếp ảnh Việt Nam; hội viên Liên đoàn nghệ thuật nhiếp ảnh quốc tế FIAP; hội viên Hội Nhà báo Việt Nam…
.....
Tại nhà riêng ở số 40 Phan Đình Giót, NSNA Sỹ Ngọ có một chiếc tủ lưu giữ những kỷ niệm trong suốt chặng đường gắn bó với nhiếp ảnh của ông. Năm 1965, ông bắt đầu làm quen với máy ảnh và phải đến 1975, sau khi rời quân ngũ, ông mới thực sự bắt đầu hành trình khám phá nghệ thuật nhiếp ảnh của mình. Từ đó đến nay, ông đã trải nghiệm hàng chục chiếc máy ảnh thuộc nhiều thương hiệu, nhiều dòng với những tính năng khác biệt.
Ông chia sẻ: “Cái hay là ở mỗi dòng máy, mỗi chiếc máy đều có những ưu điểm và tôi đều có thể khai thác được những hiệu quả tuyệt vời của nó. Tất cả những chiếc máy tôi từng sử dụng đều có những dấu ấn, những kỷ niệm sâu sắc với nghề. Bởi thế, tôi lưu giữ và luôn trân trọng chúng”.
Ảnh tư liệu của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Sỹ Ngọ
Sỹ Ngọ bây giờ đã trở thành cái tên được tìm kiếm nhiều nhất mỗi khi một cơ quan, địa phương nào đó cần ảnh tư liệu, đặc biệt là Báo Hà Tĩnh. Kho ảnh đồ sộ mà chính ông cũng không nhớ có bao nhiêu tác phẩm ấy luôn có những khoảnh khắc quý giá của lịch sử. Có khi là một góc phố, một bến đò, một gương mặt, có khi là không khí sản xuất ở một HTX nào đó... nhưng ngồn ngộn tư liệu trong những giai đoạn khác nhau.
“Tôi không đặt ra cho mình một đề tài nào duy nhất, tôi chọn phản ánh nhiều góc độ của cuộc sống bởi ở đâu tôi cũng nhìn thấy cái đẹp, ở đâu cũng có những điều cần lưu giữ. Nhờ vậy mà kho ảnh của tôi rất phong phú, ai cần ảnh gì, thời điểm nào hầu như tôi đều có” - NSNA Sỹ Ngọ cho biết.
Nói là vậy nhưng trong sự nghiệp của mình, NSNA Sỹ Ngọ cũng đã dành tâm huyết để tập trung thực hiện các đề tài ảnh mà ông tâm huyết. Nổi bật nhất là những chuyến đi liên tục, lặn lội từ huyện này sang huyện khác, từ đồng bằng đến miền núi để thực hiện tập sách ảnh Bà Mẹ Việt Nam anh hùng Hà Tĩnh (xuất bản năm 2001).
“Đây là tập sách ảnh đầu tiên của Hà Tĩnh về đề tài này, cũng là động lực để tôi thực hiện 2 cuộc triển lãm cá nhân về đề tài chung trên quê hương và lũ quét ở Hương Sơn; xuất bản thêm 6 tập sách ảnh về Thành Sen, về quê hương Hà Tĩnh. Trong đó, cuốn “Nhớ về Hà Tĩnh” đã được Trung tâm lưu trữ và Triển lãm ảnh nghệ thuật Việt Nam xin phép lưu trữ lâu dài để phục vụ cho giới nhiếp ảnh và học sinh, sinh viên chuyên ngành tham khảo, học tập. Hơn 40 năm cầm máy, tôi thấy mình còn nặng nợ với đất, với người nhiều lắm. Xứ Thanh quê nội, Xứ Nghệ quê ngoại (Tiên Điền), rồi chiến trường Bình Trị Thiên, Hạ Lào… có quá nhiều kỷ niệm đẹp mà tôi không thể nào ghi lại hết được những gì mình chứng kiến. Tôi sẽ còn cầm máy chừng nào chân còn vững, trí tuệ còn mẫn tiệp” - NSNA Sỹ Ngọ bộc bạch.
Ảnh tư liệu của Nghệ sỹ nhiếp ảnh Sỹ Ngọ
Suốt chặng đường gắn bó với nghệ thuật nhiếp ảnh, NSNA Ngô Sỹ Ngọ luôn chú ý hài hòa giữa tính nghệ thuật và tính thời sự. Thông qua sự tinh nhạy trong sử dụng các thủ pháp cắt cúp, xử lý ánh sáng, chọn góc độ viễn, cận hợp lý, ông đã khai thác tối đa những vẻ đẹp của cuộc sống. Và với gia tài ảnh của mình, ông chính là một người viết sử Hà Tĩnh bằng hình ảnh.
Nghệ sỹ nhiếp ảnh Sỹ Ngọ sinh năm 1937 tại Quảng Xương (Thanh Hóa). 15 tuổi, ông gia nhập quân đội. Năm 1964, ông kết hôn với cô gái Hà Tĩnh Trần Thị Lĩnh khi đang đóng quân ở Thạch Hà, kể từ đó ông gắn bó với quê hương Hà Tĩnh.Ông từng được tặng Huy hiệu “Kỷ niệm kháng chiến”; Huân chương Kháng chiến hạng Nhì; Huân chương Chiến sỹ vẻ vang hạng Ba, hạng Nhì, hạng Nhất; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ cứu nước hạng Nhì…
Ảnh: Anh Hoài & ảnh tư liệu của nsna sỹ ngọ
thiết kế: huy tùng