Tại hội diễn nghệ thuật quần chúng “Tiếng hát Làng Sen” toàn quốc vừa diễn ra nhân kỷ niệm 135 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025), đoàn Hà Tĩnh đã xuất sắc giành 1 HCV và 2 HCB. Những gương mặt trẻ thuộc CLB Dân ca ví, giặm trẻ Hà Tĩnh đã góp phần quan trọng vào thành tích đó.

Ra đời tháng 3/2025, CLB Dân ca ví, giặm trẻ Hà Tĩnh trực thuộc Hội LHTN Việt Nam tỉnh, quy tụ 34 thành viên là ĐVTN có năng khiếu, đam mê với dân ca ví, giặm. Trong số họ không ít người từng tốt nghiệp thanh nhạc từ các trường nghệ thuật, có khả năng phát triển ở dòng nhạc hiện đại tại các thành phố lớn, nhưng đã chọn trở về quê hương, tiếp tục nối mạch di sản “điệu ví, giặm” quê nhà.
Tiêu biểu trong đó có anh Lê Hữu Trường (SN 2001, ở xã Cẩm Mỹ, Cẩm Xuyên), nghệ danh Xuân Trường. Tốt nghiệp Khoa Thanh nhạc - Trường Cao đẳng Nghệ thuật Hà Nội năm 2023, anh được Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam nhận vào làm việc. Tuy nhiên, sau một lần về quê tham gia biểu diễn dân ca tại một chương trình văn nghệ địa phương, Trường quyết định ở lại. “Được cất lên câu hò, điệu ví trên chính mảnh đất quê hương mang lại cho tôi cảm giác trọn vẹn. Tôi nghĩ, là người trẻ có đam mê, mình càng cần có trách nhiệm giữ gìn di sản. Hiện nay, rất ít bạn trẻ, đặc biệt là các bạn nam, theo đuổi dòng nghệ thuật truyền thống này” - Xuân Trường chia sẻ.

Bắt đầu từ một thành viên CLB Dân ca ví, giặm xã Cẩm Mỹ, Xuân Trường nhanh chóng được các đơn vị nghệ thuật chú ý. Anh cộng tác với Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Xúc tiến du lịch tỉnh, Nhà hát Nghệ thuật truyền thống Hà Tĩnh trong nhiều chương trình lớn như: lễ kỷ niệm 110 năm Ngày sinh đồng chí Lý Tự Trọng, 120 năm Ngày sinh đồng chí Tổng Bí thư Trần Phú, 300 năm Ngày sinh La Sơn phu tử Nguyễn Thiếp…
Đặc biệt, tại Festival “Về miền ví, giặm - Kết nối tinh hoa di sản” tổ chức cuối năm 2024, Xuân Trường là giọng hát chính trong nhiều tiết mục. Mới đây, tại hội diễn “Tiếng hát Làng Sen”, anh tiếp tục góp mặt trong tiết mục đoạt HCV với bài “Vui hội Làng Sen thêm nhớ ơn Người”. Ngoài biểu diễn trực tiếp, Xuân Trường còn tự sản xuất các MV dân ca trên kênh YouTube để lan tỏa di sản đến khán giả cả nước.

Không riêng Xuân Trường, các thành viên còn lại của CLB Dân ca ví, giặm trẻ Hà Tĩnh cũng là những người trẻ đầy đam mê với di sản. Trong đó, anh Trần Văn Sang - Phó Giám đốc Trung tâm Văn hóa, Điện ảnh và Xúc tiến du lịch tỉnh là Chủ nhiệm CLB; chị Trần Thị Hoài Thu (cán bộ phường Tân Giang - TP Hà Tĩnh), chị Lê Thị Thương (diễn viên Nhà hát Nghệ thuật truyền thống tỉnh), sinh viên Lê Thị An Ly, Nguyễn Nhật Trà My (Trường Cao đẳng Y tế Hà Tĩnh), Lê Trung Kiên (xã Tân Lâm Hương, TP Hà Tĩnh)… đều đang cùng nhau “giữ lửa” cho dân ca ví, giặm bằng tình yêu nghệ thuật truyền thống.
Nghệ nhân Trần Văn Sang - Chủ nhiệm CLB bày tỏ: “CLB ra đời nhằm tạo sân chơi và môi trường học hỏi cho các bạn trẻ yêu dân ca ví, giặm. Với tần suất sinh hoạt 2 lần/tháng, CLB vừa đào tạo kỹ năng biểu diễn, vừa dàn dựng chương trình phục vụ các sự kiện văn hóa. Qua đó, góp phần giúp các bạn trẻ vừa rèn luyện vừa lan tỏa giá trị di sản trong đời sống hiện đại”.

Không chỉ ở TP Hà Tĩnh, tại huyện Nghi Xuân - một trong những cái nôi của dân ca ví, giặm - cũng đang có những nghệ nhân trẻ bền bỉ giữ gìn câu hát truyền thống. Có thể kể đến: Phan Thị Thùy Diễm, Nguyễn Thị Thu Hà, Nguyễn Thị Nọong, Nguyễn Văn Thái… Dù mỗi người làm việc ở các ngành nghề khác nhau như: giáo viên, công chức, lao động tự do… họ đều có điểm chung là say mê hát ví, giặm và sẵn sàng biểu diễn trong các sự kiện văn hóa địa phương.
Chị Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1988) ở xã Đan Trường cho biết: “Tôi gắn bó với dân ca ví, giặm hơn 10 năm nay. Dù từng được mời hát nhiều dòng nhạc khác nhau, tôi vẫn chọn gắn bó với âm nhạc truyền thống. Bởi, bằng tất cả tình yêu với câu hò, điệu ví, tôi mong được truyền tải vẻ đẹp của di sản đến nhiều người hơn, nhất là thế hệ trẻ”.

Bằng tâm huyết, sự kiên trì và tình yêu sâu nặng với quê hương, những người trẻ Hà Tĩnh đang làm nên điều đặc biệt: tiếp nối mạch nguồn dân ca ví, giặm trong đời sống hiện đại, để những câu hò, điệu ví không chỉ “sống” trong ký ức, mà còn vang lên giữa cuộc sống hôm nay và mai sau.
Chúng tôi rất vui khi ngày càng có nhiều người trẻ tham gia bảo tồn và phát huy dân ca ví, giặm. Trong bối cảnh các thế hệ nghệ nhân lớn tuổi dần vắng bóng, lớp trẻ chính là lực lượng kế cận quý giá. Chúng tôi luôn sẵn sàng truyền dạy kinh nghiệm và tạo điều kiện để các bạn được biểu diễn, góp phần giữ lửa đam mê cho di sản.