Tuy chỉ nằm khiêm tốn trên bản đồ đất nước, lại có khí hậu hết sức khắc nghiệt nhưng các thế hệ cư dân Hà Tĩnh đã cùng nhau tạo nên hệ thống di sản văn hóa vật thể và phi vật thể vô cùng độc đáo và phong phú.

Ngày nay, những giá trị đó đang hiện diện trong mọi mặt đời sống. Và với báo chí, văn hóa là “tài nguyên” quý giá, là đề tài tạo nên chiều sâu, bản sắc và sự khác biệt trong mỗi tác phẩm. Nhiều cơ quan báo chí ở Hà Tĩnh đã lựa chọn và xây dựng chủ đề về văn hóa thành một “màu sắc” riêng với nhiều chuyên đề, chuyên mục, ấn phẩm độc đáo, phản ánh đa chiều những giá trị văn hóa quê hương. Trong đó, Báo Hà Tĩnh (trước đây là Báo Hà Tĩnh và Đài PT&TH tỉnh), Tạp chí Hồng Lĩnh… là những cơ quan báo chí chủ chốt, có nhiều đóng góp trong nhiệm vụ bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa quê hương.
Thời gian qua, đội ngũ phóng viên, biên tập viên của các cơ quan báo chí ở Hà Tĩnh đã dành nhiều tâm huyết cho các tác phẩm về văn hóa. Từ những chuyên đề dài hơi đến các phóng sự dung dị đời thường đều được thực hiện công phu. Các tác phẩm không chỉ giới thiệu mà còn thể hiện vai trò định hướng trong việc giữ gìn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống. Nhiều tác phẩm đã gây được tiếng vang lớn, để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng độc giả, được ghi nhận ở những giải báo chí Trung ương và địa phương.
Trong đó, tác phẩm “Nhân lên sức mạnh mềm văn hóa, khơi dậy khát vọng con người Hà Tĩnh” của Báo Hà Tĩnh đã xuất sắc đoạt giải C - Giải Báo chí quốc gia năm 2022. Loạt bài 5 kỳ đi sâu vào vai trò của văn hóa Hà Tĩnh trong xây dựng con người, khơi dậy nội lực phát triển, lan tỏa tinh thần đổi mới từ gốc rễ bản sắc được ghi nhận tại “sân chơi” quốc gia đã khẳng định sự cần thiết của đề tài văn hóa trong đời sống. Đây cũng là tín hiệu đáng mừng trong bối cảnh văn hóa đang đứng trước nhiều nguy cơ mai một, biến tướng khi thiếu vắng sự quan tâm đúng mực của truyền thông.

Trong vòng xoáy của thời đại số, báo chí cũng có nhiều biến động với sự thay đổi của đề tài và thể loại. Tuy nhiên, với đội ngũ làm báo tại Hà Tĩnh, văn hóa luôn là “tài nguyên vô tận”. Có những cây bút đã chọn văn hóa như một hướng đi bền vững, vừa để thỏa mãn niềm say mê nghiên cứu văn hóa quê hương vừa để thực hiện khát vọng lan tỏa, phát huy các giá trị của cha ông.
Nhà báo Bùi Minh Huệ - nguyên Phó Tổng Biên tập Báo Hà Tĩnh chia sẻ: “Viết về văn hóa không dễ. Nó đòi hỏi người cầm bút phải đi sâu, sống chậm, có trái tim rung cảm trước một làn điệu dân ca, một ngôi đền cổ, một con người trao truyền nghề truyền thống, một vùng quê đang giữ gìn nếp xưa… Nó cũng đòi hỏi tác giả phải có thế giới quan rộng lớn để có khả năng thẩm định, đánh giá, trân trọng những biểu hiện nhỏ nhưng ẩn chứa câu chuyện của ngàn đời cha ông”.
Niềm tin vào giá trị văn hóa quê hương cũng là động lực để những người làm báo nơi đây tiếp tục “sứ mệnh” lan tỏa.

Nhà báo Đặng Thắm - phóng viên Phòng Văn nghệ, giải trí và sự kiện (Báo Hà Tĩnh) chia sẻ: “Tôi luôn xem việc khai thác đề tài văn hóa là một hành trình vừa nhiều thử thách vừa đầy cảm hứng. Đặc biệt, khi thực hiện các chương trình về dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh, tôi luôn cảm nhận rõ trách nhiệm lớn lao - đó là đưa những làn điệu mộc mạc, thấm đẫm hồn quê đến gần hơn với công chúng, nhất là thế hệ trẻ. Tôi tin rằng, khi mỗi tác phẩm được tạo nên bằng kiến thức, trách nhiệm và sự rung cảm thì sẽ trở thành cầu nối sống động giữa quá khứ và hiện tại, giữa con người và văn hóa quê hương”.
Văn hóa Hà Tĩnh với những tầng vỉa dày dặn và giàu bản sắc còn là mảnh đất dồi dào để các cơ quan báo chí Trung ương khai thác. Nhiều cây bút của Báo Nhân dân, Thông tấn xã Việt Nam, Tuổi trẻ, Vnexpress… đã có những bài viết sâu về văn hóa Hồng Lam. Qua đó, lan tỏa rộng rãi nhiều di sản văn hóa của Hà Tĩnh. Nhà báo Hoàng Ngà - phóng viên Thông tấn xã Việt Nam (Phân xã Hà Tĩnh) cho biết: “Khi viết về văn hóa Hà Tĩnh, tôi không chỉ coi đó là đề tài báo chí mà còn là cách giữ gìn các giá trị của dân tộc. Mỗi tác phẩm, mỗi câu chuyện dù nhỏ nhưng sẽ góp phần tô đậm bản sắc và phát huy, nâng tầm giá trị văn hóa của vùng đất này”.

Trong bối cảnh phát triển kinh tế gắn với phát triển con người trở thành yêu cầu then chốt thì văn hóa chính là yếu tố cốt lõi để định hình nhân cách, khơi dậy khát vọng và kiến tạo bản sắc. Và với báo chí, văn hóa mãi mãi là “tài nguyên” quý giá trong hành trình thực hiện sứ mệnh của mình.