Nghi thức cúng rằm tháng Giêng

Rằm tháng Giêng có một số tên gọi khác như Tết Thượng nguyên, Tết treo đèn, Tết Nguyên tịch, Tết Nguyên tiêu, gắn với sự ra đời của lịch tiết khí và âm lịch.

Một số tư liệu cổ cho thấy ngày tết này ra đời vào thời Hán Văn đế (180-157 trước công nguyên). Mỗi năm vào dịp Nguyên tiêu, vua quan và thứ dân ăn mặc như nhau, không phân biệt sang hèn, cùng vui đón tết. Điều này thể hiện tinh thần bình đẳng, không khí lễ hội chan hòa vui vẻ giữa trời và đất, giữa các vị thần và con người. Trang trọng nhưng không nặng nề về vật chất, không cầu kỳ về hình thức.

Truyền thống thắp đèn trong đêm Nguyên tiêu có nguồn gốc từ thuyết Tam nguyên của Đạo giáo. Đạo giáo cho rằng rằm tháng Giêng là tiết Thượng nguyên, Rằm tháng Bảy là tiết Trung nguyên và rằm tháng Mười là tiết Hạ nguyên. Các vị chủ quản ba tiết này lần lượt là Thiên Quan đại đế, Địa Quan đại đế và Thủy Quan đại đế. Thiên Quan là người tính tình vui vẻ, thường ban phước lành cho nhân gian nên còn gọi là Thiên Quan tứ phúc. Vào ngày 15 tháng Giêng - ngày sinh của Thiên Quan, nhân dân khắp nơi treo đèn kết hoa, làm lễ cúng tế, chúc mừng, cầu phúc.

Lại có thuyết cho rằng tục lệ thắp đèn trong đêm Nguyên tiêu xuất hiện vào thời vua Minh đế nhà Hán. Hán Minh đế là người tin sùng Phật pháp, nghe nói ngày rằm tháng Giêng chúng tăng thường chiêm ngưỡng xá lợi, thắp đèn nến cúng dường chư phật nên ra lệnh toàn hoàng cung thắp đèn thâu đêm cúng dường chư phật. Dân gian theo đó lưu truyền nghi thức cúng tế, lễ phật cầu an trong ngày Rằm tháng Giêng.

Một gia đình ở Hải Phòng cúng Rằm tháng giêng năm 2023. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Dân gian thường nói “Cúng quanh năm không bằng rằm tháng Giêng”. Lễ cúng rằm tháng Giêng có lẽ xuất phát từ tục cúng tế Thiên Quan đại đế của Đạo giáo. Trong hai bản sớ cúng rằm tháng Giêng tiêu biểu (hiện được dùng phổ biến trong dân gian và các chùa) đều nêu rõ ngày này là “Thiên Quan tứ phúc” (tức là ngài Thiên Quan ban phúc) và ca ngợi công đức, thần uy của Thiên Quan.

Rằm tháng Giêng năm Giáp Thìn 2024 nhằm ngày thứ Bảy, 24/2 dương lịch. Theo lịch can chi là ngày Mậu Ngọ, tháng Bính Dần, ngũ hành Thiên thượng hỏa, sao Vị, trực Chấp, xung tuổi Tý, sát hướng Bắc. Ngày này chỉ kỵ động thổ, lợp nhà, làm bếp, gieo hạt và khai quang đồ pháp khí. Giờ tốt gồm các khung giờ Tý (23-1h), Sửu (1-3h), Mão (5-7h), Ngọ (11-13h), Thân (15-17h) và giờ Dậu (17-19h).

Rằm tháng Giêng cũng như ngày rằm, mùng một trong các tháng khác, nên cúng đúng ngày và không cần chọn giờ.

Về lễ vật, các gia đình có thể chuẩn bị tùy theo điều kiện của mình. Tuy nhiên, dân gian cho rằng Thiên Quan đại đế là người vui vẻ, hảo ngọt, thích đèn nến. Vì vậy nên trưng bày, sắm sửa lễ cúng có nhiều hoa quả, bánh ngọt (như bánh trôi, bánh chay, bánh mật), thắp thêm đèn nến.

Về nghi thức, các gia đình nên trang hoàng nhà cửa, ban thờ trang nghiêm, đẹp đẽ. Gia chủ ăn mặc gọn gàng sạch sẽ, quần áo đẹp càng tốt. Mọi người cần giữ thái độ vui vẻ hòa nhã, không tranh cãi hoặc nói năng bừa bãi trong thời gian cúng lễ.

Văn cúng Rằm tháng Giêng có thể vận dụng sớ văn do ngài Thích Nguyên Tâm giới thiệu.

Nội dung:

Cung kính dâng lễ thỉnh mời ngài “Thượng nguyên tứ phúc Thiên Quan Nhất phẩm Tử Vi đại đế” chứng giám. Thiên Quan đại đế quyền thông ba cõi, thần uy nghiêm lắng, mắt thánh chiếu soi. Thượng nguyên ban phúc khắp vô cùng, trần gian ngưỡng cầu ơn mưa móc.

Hôm nay gặp dịp Tết Nguyên tiêu, Thiên Quan ban phúc muôn nơi, tiến chủ là:.., ngụ tại:... thành tâm quét dọn nhà cửa, sửa biện hương hoa, đèn nhang, lễ vật... dâng cúng trước án. Cầu thần tiêu trừ quá khứ oan khiên, tăng trưởng phúc lợi, mọi người đều được bình an hạnh phúc.

Đồng thời thỉnh mời các vị bản gia thần linh, thần hoàng bản thổ, Đông trù tư mệnh Táo phủ thần quân, bản gia chấp sự chư vị tôn thần, Ngũ phương ngũ thổ Phúc đức chính thần, Ngũ phương ngũ lộ Long mạch tài thần và hội đồng gia tiên dòng họ:..cùng chứng giám. Cẩn cáo. Thượng hưởng! (Lễ ba vái).

Theo Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải/ VNE

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói