Năm 2013, ông Đề quyết định đấu thầu 40 ha đất của Công ty Cao su Hà Tĩnh để đầu tư phát triển kinh tế vườn đồi, trang trại tổng hợp. Vùng đất này lúc đó còn bỏ hoang, gần như không có bóng người, vốn liếng lại không lớn nên việc khai hoang gặp rất nhiều khó khăn. “Tâm huyết, công sức bỏ ra mình không thiếu, nhưng khó khăn lớn nhất là nguồn vốn, bởi phải khai phá một vùng đất rộng” - ông Để chia sẻ.
Trang trại của ông Đinh Văn Đề nay đã có 4.000 gốc cây ăn quả có múi
Với tinh thần “đánh là phải thắng, làm phải tới cùng”, ông Đề thế chấp đất vay vốn ngân hàng và được sự giúp đỡ từ gia đình, người thân, huy động được 4 tỷ đồng làm trang trại tổng hợp. Có vốn, ông dựng lán, lều, bắt điện, thuê máy móc đào đất mở đường, chở vật liệu, làm mặt bằng… bắt đầu công cuộc khai phá đồi hoang, phát triển kinh tế.
Sau những ngày tháng lao động bền bỉ, trang trại của ông dần hình thành với những gốc cam, chanh, bưởi, kết hợp chăn nuôi, trồng rau màu, phát triển đàn ong. Ông Đề cho biết: “Nuôi ong lấy mật vốn là nghề truyền thống của gia đình, tuy nhiên, trước đây chỉ dừng lại ở mức nhỏ lẻ. Trong thời gian làm thợ mộc, làm nông, tôi cũng tranh thủ học hỏi thêm kinh nghiệm, rồi được Trung tâm Khuyến nông tỉnh đưa đi đào tạo nên bản thân cũng tích lũy được không ít kiến thức về kỹ thuật nuôi ong”.
Đàn ong cho gia đình ông Đề cho thu nhập ổn định từ 150-200 triệu đồng/năm
Ông Đề cũng cho hay, hiện trang trại có 80 đàn ong, chỉ riêng mật đã cho thu nhập ổn định lên tới 150 - 200 triệu đồng/năm. Sản phẩm chủ lực thứ 2 của trang trại là cây ăn quả có múi. Xuất phát với 1.000 gốc cam, chanh, bưởi, sau 5 năm, ông đã có 4.000 gốc các loại cây này, trong đó, hơn 2.500 gốc cho thu hoạch đều. Ông còn kết hợp chăn nuôi trâu bò, thả gà đồi, lợn rừng; tổng doanh thu hàng năm từ trang trại đạt 700 - 800 triệu đồng, tạo việc làm cho 7 - 9 lao động.
Đầu năm 2018, ông Đề tiếp tục tiên phong đầu tư gần 500 triệu đồng thử nghiệm mô hình nuôi 10 lồng cá chép giòn theo công nghệ Australia. Đây là loại cá đang rất được ưa chuộng, thịt tươi ngon và đậm đà, săn chắc. Với giá bán gần 200 nghìn đồng/kg, ước tính mỗi lồng mang về cho cựu chiến binh Đinh Văn Đề từ 100 - 140 triệu đồng.
Ông Đinh Văn Đề (bên trái) đi đầu trong thử nghiệm mô hình nuôi cá chép giòn công nghệ Australia
Không chỉ làm giàu cho mình, ông Đề còn tích cực chia sẻ kinh nghiệm làm kinh tế cho hội viên cựu chiến binh và bà con nhân dân. Mới đây, ông đã đăng ký tham gia Hội doanh nhân Cựu chiến binh với mong muốn tiếp tục phát huy phẩm chất truyền thống Bộ đội Cụ Hồ, cùng những người đồng đội đẩy mạnh SXKD, góp phần xây dựng quê hương giàu mạnh.