Người cựu binh nặng nghĩa tri ân

(Baohatinh.vn) - Gần 30 năm trong quân ngũ, chiến đấu khắp các chiến trường từ Nam ra Bắc, 3 lần bị trọng thương, năm 1990, Đại tá, thương binh Nguyễn Đình Lộc (ở tổ dân phố 4, thị trấn Cẩm Xuyên,Hà Tĩnh)) trở về quê hương và bắt đầu hành trình mới trên mặt trận không tiếng súng: tri ân đồng đội.

69 năm ngày thương binh - liệt sỹ 27/7 (1947-2016):

Khúc quân hành rực lửa

Theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, năm 1962, người thanh niên Nguyễn Đình Lộc khoác lên mình màu xanh áo lính, chấm dứt những tháng ngày cơ cực làm thuê, làm mướn để nuôi chí học hành. Hình ảnh đọng mãi trong ký ức ông là ngọn lửa đỏ rực khi ông cùng bạn bè đốt bỏ hết những bộ quần áo rách nát của cuộc đời ở đợ. Ông gọi đó là sự kết thúc của quãng đời đau khổ và cũng là lời tuyên thệ quyết tử cho Tổ quốc quyết sinh.

CCB Nguyễn Đình Lộc ôn lại những kỷ niệm trên chặng đường tri ân đồng đội

Từ năm 1965, sau khi học sỹ quan, ông đã cùng với đơn vị Trung đoàn 270, Sư đoàn 341 rồi Sư đoàn 2, Quân khu 5 trực tiếp tham gia chiến đấu tại các chiến trường Đà Nẵng, Quảng Nam, Quảng Ngãi, Kon Tum... Những trận chiến trên những vùng đất lửa đã rèn luyện cho người quân nhân tinh thần thép trước bom đạn quân thù. Nhưng, trái tim ông vẫn luôn nhức nhối nỗi đau khi nhìn đồng đội lần lượt ngã xuống. Đó là ký ức bi hùng về những trận đánh vào sân bay Đà Nẵng mùa xuân 1965; trận đánh ở Cẩm Khê – Tam Kỳ để nghi binh cho Sư đoàn giải phóng, hay trận qua cầu Hội An – Bà Ré sang Đà Nẵng… Bản thân ông cũng 3 lần bị thương nguy kịch.

Sau khi tham gia chỉ huy chiến đấu ở biên giới Tây Nam, ông được điều động công tác tại các đơn vị pháo binh. Giữa năm 1990, do sức khỏe yếu vì vết thương tái phát, Đại tá, thương binh Nguyễn Đình Lộc trở về với quê hương sau gần 30 năm sống đời quân ngũ trên khắp các mặt trận từ Nam ra Bắc.

Sum vầy với cuộc sống hạnh phúc gia đình nhưng trong từng giấc ngủ, hình ảnh những người đã ngã xuống hay nhiều di chứng khủng khiếp của chất độc da cam (CĐDC) trên cơ thể cháu con của đồng đội luôn khiến ông day dứt khôn nguôi. Làm thế nào để tri ân đồng đội, để góp phần xoa dịu nỗi đau da cam luôn là câu hỏi thôi thúc, tiếp sức cho ông trên mặt trận mới.

Nặng nghĩa tri ân

Từ năm 2002-2003, những mẩu chuyện về Chủ tịch Hội CCB huyện Cẩm Xuyên Nguyễn Đình Lộc trong việc thế chấp nhà cửa, tài sản để huy động hàng tỷ đồng giúp hội viên vay vốn phát triển sản xuất đã khiến tôi vô cùng khâm phục ông. Mãi đến sau này - khi ông làm Chủ tịch Hội Nạn nhân CĐDC huyện Cẩm Xuyên, tôi mới có dịp tiếp xúc nhiều với ông trong những chuyến thăm hỏi, tặng quà cho các đối tượng. Mái tóc hoa râm, với vóc dáng cao gầy, cùng nụ cười ấm áp ấy dường như đã trở thành chỗ dựa cho những nạn nhân CĐDC trên địa bàn Cẩm Xuyên.

Ông cho biết: “Từ năm 2008-2012, tôi đã đến 2.162 gia đình nạn nhân CĐDC tại 320 thôn xóm của huyện để tìm hiểu từng hoàn cảnh với suy nghĩ làm sao để giúp đỡ họ bớt khó khăn, vơi đi nỗi đau thời hậu chiến”. Sau khi rà soát hồ sơ, thủ tục giấy tờ, nghiên cứu các văn bản, ông thấy có rất nhiều hoàn cảnh thiệt thòi bởi họ chưa thể hoàn tất thủ tục để được hưởng chế độ.

Hành trình hoàn tất hồ sơ cho các đối tượng đã được ông bắt đầu bằng việc bỏ tiền lương thuê thợ chụp ảnh đến từng gia đình, ghi lại những di chứng tàn khốc của CĐDC. Thế nhưng, điều đó cũng không dễ. Điển hình như trường hợp bà Xuân ở Cẩm Dương, vì nhiễm CĐDC nên sinh được 6 người con thì chỉ nuôi được 1, nhưng cũng bị dị tật và ốm đau thường xuyên. Nỗi đau quá lớn khiến người mẹ mất cả bình tĩnh nên mỗi lần có ai đến chơi, nói chuyện làm chế độ là bà lại chửi mắng. Cảm thông với nỗi lòng người mẹ, sau nhiều lần thăm hỏi, bằng nhiều cách, cuối cùng, ông Lộc cũng lấy được chữ ký của bà Xuân để hoàn tất hồ sơ.

Hay trường hợp em Nguyễn Thị Oanh (xóm 1, xã Cẩm Vịnh), với khối u khổng lồ bao trùm gần hết khuôn mặt. Ông đã tìm đến các tờ báo, trang mạng nhờ đăng tải tin tức, hình ảnh kêu gọi giúp đỡ. Cuối cùng, có 2 bác sĩ người Hàn Quốc bất ngờ liên lạc, tìm tới gia đình hỗ trợ phẫu thuật miễn phí gần 200 triệu đồng, cắt bỏ khối u, trả lại khuôn mặt gần như bình thường cho cháu… Cứ như thế, sự kiên trì bền bỉ của ông đã góp phần hoàn thiện thêm 700 hồ sơ, thêm 700 gia đình với biết bao nạn nhân CĐDC được hưởng chính sách, được trợ giúp kịp thời.

Ông tâm sự: “Là người lính Cụ Hồ, tôi luôn tâm niệm lời dạy của Người: Cái gì làm lợi được cho dân, cho nước thì làm. Đó cũng là lý tưởng sống của tôi”. Lý tưởng ấy là nguồn sức mạnh cho người thương binh trên hành trình vào Nam - ra Bắc để kêu gọi những tấm lòng hảo tâm chung tay hỗ trợ nạn nhân CĐDC.

Từ những tấm lòng, với nguồn kinh phí 7 tỷ đồng do ông kêu gọi, Trung tâm Nuôi dưỡng, phục hồi chức năng và dạy nghề nạn nhân CĐDC tỉnh đã hình thành dáng vóc với cơ sở vật chất, trang thiết bị khang trang. Nhiều nạn nhân đã từng đến đây luôn trìu mến gọi tên là Trung tâm Nguyễn Đình Lộc.

Ở tuổi gần 80, bệnh tim và những vết thương vẫn luôn đe dọa đến tính mạng, nhưng tấm lòng và những nghĩa cử của ông vẫn dạt dào như dòng suối mát, xoa dịu nỗi đau của những nạn nhân CĐDC.

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói