Người dân Hà Tĩnh thành kính chuẩn bị lễ giỗ Vua Mai

(Baohatinh.vn) - Bao giờ cũng vậy, lễ giỗ Vua Mai (13/1 âm lịch) luôn được chính quyền và nhân dân xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà (Hà Tĩnh) chuẩn bị khá sớm và tỉ mẩn để tỏ lòng thành kính tới vị vua đã lãnh đạo cuộc khởi nghĩa Hoan Châu, chống lại quân xâm lược nhà Đường vào đầu thế kỷ thứ VIII.

Người dân Hà Tĩnh thành kính chuẩn bị lễ giỗ Vua Mai

Đền thờ vua Mai Hắc Đế

Theo thông lệ, khoảng gần 1 tháng trước khi lễ giỗ diễn ra, người dân trong thôn Mai Lâm (nơi đặt đền thờ Vua Mai) và một số thôn lân cận tập trung thực hiện công tác vệ sinh, chỉnh trang cảnh quan trong khu vực đền thờ.

Việc chọn lễ vật cũng như lựa chọn và phân công những cá nhân tham gia vào công tác lễ nghi trong lễ giỗ cũng được tiến hành một cách kỹ càng. Đặc biệt, quy định để chọn những người đọc văn tế rất chặt chẽ. Người được chọn ngoài giọng đọc truyền cảm, trong gia thất, dòng họ phải không có tang khó, gia đình phải song toàn.

Người dân Hà Tĩnh thành kính chuẩn bị lễ giỗ Vua Mai

Người dân thôn Mai Lâm vệ sinh, dọn dẹp đền Vua Mai để chuẩn bị cho lễ giỗ

Năm nay, ông Phạm Văn Hiếu - người đã trông coi đền Vua Mai và lo việc hương áng, quét dọn trong đền từ năm 2012 đến nay được phân công đọc văn tế giỗ tại buổi lễ. Để giữ được chất giọng đọc hay, đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ tại lễ giỗ, những người đọc văn tế như ông phải duy trì chế độ sinh hoạt phù hợp. “Ngày trước tôi có hút thuốc, nhưng giờ đã bỏ. Rượu bia cũng hạn chế bớt đi” - ông Hiếu chia sẻ.

Người dân Hà Tĩnh thành kính chuẩn bị lễ giỗ Vua Mai

Ông Phạm Văn Hiếu, người được phân công đọc văn tế giỗ Vua Mai

Những ngày này, bà con nhân dân các thôn cũng đang tích cực chuẩn bị nguyên liệu, dụng cụ để tổ chức gói bánh chưng cung tiến tại lễ giỗ Vua Mai. Thường việc gói bánh sẽ diễn ra trước lễ giỗ khoảng 2 ngày. Tùy vào số hộ gia đình trong thôn mà mỗi thôn được phân công số lượng bánh khác nhau, thôn gói nhiều nhất có khoảng 300 chiếc.

Ngoài bánh chưng, lễ vật cúng giỗ Vua Mai còn có hương, hoa, xôi, gà… Trong số những lễ vật này, việc lựa chọn gà cúng được thực hiện kỹ càng.

Chủ nhân của con gà cúng giỗ vua năm nay là anh Lê Xuân Hùng - một người nuôi gà lâu năm ở địa phương. Theo anh Hùng, gà sử dụng trong lễ giỗ phải đáp ứng được nhiều tiêu chí: Gà trống có thế đứng đẹp, cựa dài, chân cao, mào gà to, cân nặng phải từ 3,5 - 4kg trở lên. Bên cạnh đó, gà phải nuôi trong chuồng khoảng 15 ngày đến 1 tháng, không được để gà rời khỏi chuồng cho đến khi sử dụng phục vụ lễ giỗ và phải nuôi tách biệt so với các con khác. Ngoài ra, người cung cấp gà cho lễ giỗ phải là người không có tang khó trong gia đình, dòng họ.

Người dân Hà Tĩnh thành kính chuẩn bị lễ giỗ Vua Mai

Con gà trống được anh Lê Xuân Hùng nuôi để làm cỗ cúng Vua Mai

Khi công tác chuẩn bị đã cơ bản hoàn tất, chiều ngày 12/1 âm lịch, người dân trong xã sẽ tổ chức lễ giỗ thiết linh cho vua. Lễ giỗ chính được diễn ra một ngày sau đó (13/1 âm lịch).

Lễ giỗ Vua Mai hằng năm là dịp để người dân xã Mai Phụ bày tỏ lòng thành kính đối với Mai Hắc Đế, vị anh hùng dân tộc. Lễ giỗ năm nay còn diễn ra đúng vào thời điểm xã Mai Phụ vừa đón nhận danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, đồng thời xã vừa được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Vì thế, chính quyền và nhân dân xã Mai Phụ đang náo nức hướng về lễ giỗ Vua Mai với tấm lòng thành kính, biết ơn và niềm tự hào, phấn khởi.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast