Người Hà Tĩnh và ký ức phiên chợ Tết...

(Baohatinh.vn) - Chợ tết, trong ký ức nhiều người, hẳn rằng đó không chỉ là nơi giao thương buôn bán, mà đó còn là nơi chứa đựng những nét văn hóa truyền thống của quê hương, là cả một trời kỷ niệm thiêng liêng. Với nhiều người dân Hà Tĩnh, đi chợ tết luôn là một sự kiện đặc biệt dịp cuối năm.

Người Hà Tĩnh và ký ức phiên chợ Tết...

Khung cảnh chợ tết năm 1990 . Ảnh: Internet.

Làng tôi nằm dưới chân núi Hồng Lĩnh. Những năm đầu 90 của thế kỷ trước, gia đình tôi còn nghèo lắm. Chúng tôi đi chợ tết để ngắm hàng quán là chủ yếu. Những bán mua nếu có cũng chỉ là những thứ thật cần thiết. Ấy thế mà, ai cũng háo hức đi chợ tết.

Tôi nhớ, buổi chiều trước phiên chợ cuối năm sẽ là khoảng thời gian mà các thành viên trong gia đình tôi cảm thấy chộn rộn nhất. Bên sân sau, mẹ sẽ dùng cái đòn gánh xâu vào đỉnh chiếc bu gà rồi nhử đàn gà vào lòng bu, chọn những con lớn nhất mẹ đem nhốt chuồng riêng để ngày mai bán trong phiên chợ tết.

Cha ngồi vót lạt giang nhẩm tính gói mấy cặp bánh chưng, mấy con giò để bảo mẹ mua lá dong, gia vị cho đủ. Còn các chị gái tôi sẽ kiểm lại số tiền bán chè, bán sắn, bán củi… trong suốt cả năm để sắm sửa áo quần cho mình và các em.

Người Hà Tĩnh và ký ức phiên chợ Tết...

Đối với trẻ thơ, được cùng mẹ, cùng chị đi chợ tết là niềm vui lớn

Bao giờ cũng thế, phiên chợ cuối năm, tôi sẽ được mẹ hoặc các chị cho đi cùng. Chợ tết quê tôi thuở ấy có sức hấp dẫn trẻ em một cách kỳ lạ. Ở đó có rất nhiều thứ hàng hóa ngày thường không có.

Cho đến tận bây giờ tôi cũng không sao quên được những gương mặt rạng rỡ khi chọn mua được những món hàng vừa ý. Tôi chưa bao giờ quên nỗi khát thèm đối với những món quà, tấm bánh mà mẹ và chị chỉ cho tôi xem chứ không mua. Đặc biệt là mùi đất ẩm, mùi nồng nồng của trầm hương pha lẫn mùi trầu, mùi chuối, rau thơm, mùi quần áo mới… Tất cả tạo nên một mùi đặc trưng mà tôi vẫn thường gọi là mùi tết.

Người Hà Tĩnh và ký ức phiên chợ Tết...

Lá dong dùng để gói bánh chưng là thứ hàng hóa chỉ trong chợ tết ngày xưa

Đi chợ tết, niềm vui cuối cùng và lớn lao nhất là được mẹ, được chị dẫn đến trước hàng quần áo và lựa chọn cho mình một manh áo mới. Hàng quần áo nằm sâu trong chợ. Sau này, nhớ lại quãng thời gian đó, tôi thường nghĩ, đó là nơi niềm hân hoan lắng đọng.

Có thể chị đã vui hoặc không vui, tôi cũng thế, khi không đủ tiền mua cho mình những tấm áo mơ ước nhưng chúng tôi đều đã biết đủ, biết hài lòng với hoàn cảnh của mình. Chúng tôi cũng biết khao khát để lấy đó làm động lực phấn đấu trong học tập và lao động.

Chợ tết bây giờ đã thay đổi rất nhiều. Bao nhiêu món hàng đã biến mất cùng sự phát triển của đời sống. Dẫu vậy, tôi vẫn còn nhớ như in những xúc cảm của mình khi đứng trước gian hàng tranh tết, khi ngắm những tờ họa báo sặc sỡ, những câu đối đỏ thắm hay khi đưa tay lần giở những cuộn giấy màu, chọn những màu sắc rực rỡ nhất để cùng chị làm hoa, làm sợi dây xúc xích trang hoàng nhà cửa. Bây giờ, hình ảnh ấy vẫn rõ mồn một trong ký ức…

Người Hà Tĩnh và ký ức phiên chợ Tết...

Hình ảnh tết xưa luôn ấm áp và thiêng liêng trong ký ức nhiều người. Ảnh: Internet

Chợ tết, trong khi chúng tôi rạo rực mua bán thì mẹ cũng đã kịp bán con gà lấy tiền mua những thực phẩm thiết yếu cho ngày tết. Đồ mẹ mua không nhiều nhưng món nào cũng được mẹ nâng niu, trân trọng. Trước ngày ra chợ, mẹ đã chùi rửa sạch sẽ một chiếc thúng to. Mẹ nói, hôm nay sẽ mua đồ cúng tổ tiên nên phải sửa soạn thật chu đáo. Trong chiếc thúng ấy sẽ có cây đèn dầu mới, một nải chuối, dăm lọn trầu, vài gói bánh, dăm búp hương trầm… Tất cả được mẹ xếp đặt cẩn thận và dùng một chiếc mẹt đậy lên rồi bỏ phía trước để gánh về.

Bây giờ, không ai đi chợ tết như xưa nữa nhưng mỗi dịp cuối năm, khi chợ quê tấp nập mua bán, tôi vẫn mang tâm trạng bồi hồi. Tôi muốn đi chợ tết để được ngắm nhìn khung cảnh đông vui, cảm nhận nhịp sống hối hả ngày cuối năm; để được hoài niệm về những ngày tháng cũ và tha thiết với mùa xuân mới sắp sang trên quê hương mình.

Chủ đề NGƯỜI HÀ TĨNH

Đọc thêm

Truyện cười: Vé số

Truyện cười: Vé số

Một bà vợ hay ngoại tình, mỗi lần như vậy bà ta nói với chồng: “Em trúng xổ số nên hôm nay nhà mình ăn tươi”. 
Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Lionel Messi: Nước mắt thằng hề

Khi Lionel Messi đăng đàn phản ứng với phát biểu của Eric Abidal, thành viên BLĐ Barcelona, đó như giọt nước mắt của một thằng hề.