Emagazine

Anh cover PC m.jpg

Đã sang tuổi 86 nhưng khi kể về kỷ niệm được gặp Bác Hồ, thương binh Nguyễn Trọng Châu (SN 1938, thôn Tân Dinh, xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) vẫn nhớ như in từng chi tiết. Đó luôn là niềm tự hào để ông giáo dục con cháu nỗ lực học tập, lao động, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp.

Unit Đỏ.png
Title Page.jpg

Qua giới thiệu của Ban Tuyên giáo Huyện ủy Cẩm Xuyên, tôi tìm về thôn Tân Dinh (xã Cẩm Nhượng, Cẩm Xuyên) để gặp cựu chiến binh Nguyễn Trọng Châu - người từng vinh dự được gặp Bác Hồ tại Quảng Ninh. Trong căn nhà nhỏ đơn sơ, ông Châu cùng người vợ tào khang là bà Nguyễn Thị Hoè (84 tuổi) đón tôi với nụ cười hồn hậu, chất phác.

Trở về sau chiến tranh với những vết thương trên cơ thể (ông là bệnh binh có tỷ lệ tổn thương cơ thể 60%), nhưng cựu binh Nguyễn Trọng Châu vẫn luôn sống lạc quan, tình cảm và tích cực tham gia phát triển quê hương. Kỷ niệm được gặp Bác Hồ luôn là điều thiêng liêng để ông giáo dục con cháu với lòng tự hào vô tận. Mỗi lần các con, cháu hay hàng xóm hỏi chuyện về ký ức chiến tranh, nhất là lần may mắn gặp được Bác Hồ, đôi mắt ông Châu lại đỏ hoe vì xúc động.

1.jpg

"AI SỐNG TRONG THỜI ẤY ĐỀU ANH DŨNG, KIÊN CƯỜNG, SẴN SÀNG RA TRẬN, SẴN SÀNG HY SINH VÌ TỔ QUỐC VÀ MỘT LÒNG THEO ĐẢNG".

Ông Châu chậm rãi kể cho chúng tôi nghe về những năm tháng chiến tranh gian khổ nhưng cũng đầy oai hùng. “Chiến tranh mất mát và nhiều đau thương lắm, nhưng ai sống trong thời ấy đều anh dũng, kiên cường, sẵn sàng ra trận, sẵn sàng hy sinh vì Tổ quốc và một lòng theo Đảng, theo Bác Hồ. Riêng cá nhân tôi may mắn hơn đồng đội khi được gặp Bác. Hình ảnh, tấm lòng và những lời căn dặn ân tình, sâu sắc của Bác khiến cả đời tôi khắc cốt, ghi tâm” - ông Châu tâm sự.

Năm 23 tuổi, chàng trai trẻ Nguyễn Trọng Châu xung phong lên đường nhập ngũ (tháng 2/1961) và được phân về Quân chủng Hải quân (đóng ở Hải Phòng). Không lâu sau đó, ông được cử đi học nghề điện ở Quảng Ninh nhằm phục vụ cho công cuộc chiến đấu.

Đến đầu năm 1962, người thanh niên trẻ Nguyễn Trọng Châu vinh dự được gặp Bác Hồ trong một lần Bác về thăm và làm việc với TX Hòn Gai (Quảng Ninh). “Đó là một ngày vào cuối tháng 1/1962, chúng tôi nhận được tin ra đón phái đoàn Chính phủ về thăm TX Hòn Gai. Lúc đó, tôi không nghĩ sẽ có cơ hội được gặp Bác. Chỉ đến lúc tàu cập bến, thấy Bác đứng đầu mũi tàu, tôi và những đồng chí khác mới vỡ oà niềm xúc động”, ông Châu nhớ lại.

IMG_9771 copy.jpg
IMG_9766 copy.jpg
Ông Châu được Nhà nước trao tặng Huân chương Chiến công hạng Ba và Huân chương Kháng chiến hạng Nhì.

DÙ ĐƯỢC GẶP BÁC HỒ CHỈ TRONG VÒNG HƠN 10 PHÚT NHƯNG HÌNH ẢNH VỀ NGƯỜI TRONG TRÍ NHỚ ÔNG NGUYỄN TRỌNG CHÂU ĐẾN GIỜ VẪN CÒN NGUYÊN VẸN.

Ông Châu kể thêm: “Vào bờ, Bác ân cần hỏi thăm, động viên cán bộ, Nhân dân TX Hòn Gai. Bác bế các cháu nhỏ rồi lấy từ túi áo ra nhiều loại kẹo chia cho các cháu. Với chúng tôi, Bác dặn dò: “Các cháu phải luôn hết lòng phụng sự cho Tổ quốc, không được chùn bước trước khó khăn, quyết tâm bảo vệ hoà bình, độc lập cho dân tộc” và tặng mỗi chiến sĩ một điếu thuốc lá. Điếu thuốc ấy tôi xem như là kỷ vật, cất giữ vào ví cẩn thận. Nhưng đến năm 1970, trong một lần tham gia chiến đấu chống giặc Pol Pot ở Campuchia, tôi đã không may làm rơi kỉ vật ấy…”.

Dù được gặp Bác Hồ chỉ trong vòng hơn 10 phút nhưng hình ảnh về Người trong trí nhớ ông Nguyễn Trọng Châu đến giờ vẫn còn nguyên vẹn. Ông luôn khắc ghi và thực hành lời dặn dò của Bác cả trong quân ngũ lẫn cuộc sống đời thường.

Title Page (1).jpg

Năm 1963, ông Nguyễn Trọng Châu được điều về làm thợ máy trưởng của tàu HQ187, thuộc Phân đội 7, Khu tuần phòng 2 (nay là Lữ đoàn 171, Vùng 2 Hải quân). Tại đây, ông cùng đồng đội trực tiếp tham gia chiến đấu chống Mỹ.

“Trưa ngày 5/8/1964, tàu HQ187 thực hiện nhiệm vụ tại đảo Hòn Ngư (Nghệ An) và thuyền trưởng lúc đó là anh Lê Văn Tiếu (người Thanh Hóa). Khoảng hơn 12 giờ, chúng tôi đang nghỉ trưa thì bỗng nghe còi liên thanh báo động. Mọi người bật dậy, lao nhanh về vị trí sẵn sàng chiến đấu. Một chiếc, hai chiếc rồi hàng chục máy bay Mỹ ầm ầm lao tới như muốn xé nát cả bầu trời Hòn Ngư. Tàu HQ187 nhanh chóng di chuyển ra khỏi vị trí neo đậu để chiến đấu chống trả. Lúc đó, bom Mỹ dội xuống mặt biển như mưa trút, nhưng thuyền trưởng Lê Văn Tiếu vẫn điều khiển con tàu vững chắc và cùng anh em chiến đấu đến hơi thở cuối cùng. Theo sự chỉ huy của anh Tiếu, tôi và đồng đội quyết liệt chống trả và đã bắn hạ được một máy bay địch. Những chiếc khác thấy vậy đã hoảng loạn, vội vã trút bom rồi tháo chạy ra biển. Dẫu vậy, thiệt hại sau trận chiến ấy vô cùng lớn” - ông Châu nghẹn lòng.

Nén nước mắt, ông Châu nhớ lại: “Gần 3 tiếng chiến đấu với giặc Mỹ, tàu HQ187 bị hư hỏng nặng, thân tàu bị bom tàn phá khiến nước tràn vào, mọi người phải dùng áo, vải thừa để bịt lại. Thuyền trưởng Lê Văn Tiếu bị thương rất nặng, cánh tay phải bị dập nát phải dùng băng treo lên trước ngực, tay trái vẫn điều khiển tàu luồn lách, tránh bom địch và đưa anh em vào bờ. Trận đánh kết thúc, tàu chúng tôi có 3 chiến sỹ ngã xuống. Máu của các anh đã thấm đẫm, hòa quyện vào biển cả thiêng liêng của Tổ quốc. 19 đồng chí khác đều bị thương khá nặng, trong đó có tôi. Mất mát, đau thương vô cùng lớn, nhưng chúng tôi không sợ hãi, luôn làm theo lời căn dặn của Bác Hồ”.

2.jpg

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những ký ức, kỷ niệm của ông Châu cùng đồng đội, đồng chí nơi chiến trường xưa vẫn còn vọng mãi, in sâu trong tâm trí.

"ĐƯỢC ĐỨNG VÀO HÀNG NGŨ CỦA ĐẢNG, VỚI TÔI LÚC ĐÓ KHÔNG CÓ ĐIỀU GÌ TỰ HÀO HƠN NỮA. BẢN THÂN TÔI TỰ HỨA SẼ LUÔN SẴN SÀNG HY SINH CHO HOÀ BÌNH VÀ ĐỘC LẬP DÂN TỘC”.

Sau trận đánh ấy, ông Châu được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba và kết nạp vào hàng ngũ của Đảng (ngày 13/10/1964). “Được đứng vào hàng ngũ của Đảng, với tôi lúc đó không có điều gì tự hào hơn nữa. Bản thân tôi tự hứa sẽ luôn sẵn sàng hy sinh cho hoà bình và độc lập dân tộc” - ông Châu xúc động.

Đầu năm 1965, ông Nguyễn Trọng Châu tiếp tục tham gia kháng chiến chống Mỹ ở Hải Phòng. Đầu năm 1970, ông tiếp tục sang Campuchia giúp nước bạn đánh giặc Pol Pot. Đến năm 1975, được Bộ Chính trị gọi, ông cùng đồng đội trở về Sài Gòn tham gia giải phóng Sài Gòn - Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Sau khi chiến dịch toàn thắng, ông phục viên trở về quê hương, cùng vợ xây dựng cuộc sống mới.

Trở về địa phương, phát huy phẩm chất người lính Cụ Hồ, ông Châu tiếp tục đảm nhận nhiều vị trí quan trọng như: Trưởng ban Kiểm soát HTX Hải Bắc (Cẩm Nhượng), Bí thư Chi bộ thôn Tân Dinh (xã Cẩm Nhượng) nhiều nhiệm kỳ liền… Dù ở môi trường nào, ông cũng luôn gương mẫu, tận tụy, được Nhân dân và cấp trên quý trọng, tin tưởng.

Title Page (2).jpg

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những ký ức, kỷ niệm của ông Châu cùng đồng đội, đồng chí nơi chiến trường xưa vẫn còn vọng mãi. Những đóng góp to lớn của ông Châu đối với sự nghiệp đấu tranh, bảo vệ Tổ quốc đã được Đảng, Nhà nước vinh danh, sau Huân chương Chiến công hạng Ba là Huân chương Kháng chiến hạng Nhì… Nhưng với ông, được nhìn thấy đất nước hoà bình, không ngừng phát triển là niềm hạnh phúc vô bờ.

3.jpg

Ông Nguyễn Trọng Châu và vợ là bà Nguyễn Thị Hoè luôn sống bình dị cùng con cháu và bà con lối xóm.

Năm nay đã 86 tuổi đời, 60 năm tuổi Đảng, ông Nguyễn Trọng Châu luôn giáo dục con cháu học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Noi gương và làm theo lời dặn của ông, các con, cháu đều thành đạt ở nhiều lĩnh vực khác nhau. Hiện ông có 19 người con, cháu, chắt; trong đó có 6 người là đảng viên, nhiều cháu đạt thành tích cao trong học tập như: cháu Nguyễn Trọng Minh - sinh viên Học viện Kỹ thuật Quân sự; cháu Nguyễn Bảo Như - sinh viên Trường Đại học Kinh tế Quốc dân; cháu Phạm Duy Khánh đạt giải nhì Olympic Tin học Miền Trung - Tây Nguyên, IELTS 7.5, được tuyển thẳng vào nhiều trường đại học tốp đầu của cả nước; cháu Nguyễn Bảo Ngọc đạt giải ba môn Toán trong Kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 12…

4.jpg

Ông Châu, bà Hoè luôn là tấm gương mẫu mực để con cháu noi theo.

5.jpg

Em Nguyễn Trọng Minh (cháu nội ông Châu) hiện là sinh viên năm thứ 2 Trường Học viện Kỹ thuật Quân sự.

Em Nguyễn Trọng Minh (cháu nội ông Châu, đang là sinh viên năm thứ 2 Học viện Kỹ thuật Quân sự) chia sẻ: “Từ nhỏ đến nay, em vẫn luôn được nghe ông kể về những tháng ngày tham gia kháng chiến, được gặp Bác Hồ với một niềm tự hào, xúc động khó tả. Ông kể không chỉ để cho các cháu biết về cội nguồn lịch sử mà còn khuyên bảo, định hướng các cháu chăm ngoan, làm những điều hay lẽ phải, xứng đáng với những gì mà các thế hệ cha ông đã ngã xuống cho nền hoà bình, độc lập hôm nay. Chính điều đó đã thôi thúc em nỗ lực hơn nữa trong học tập để trở thành người có ích cho xã hội”.

“Nhìn thấy các con, cháu trưởng thành, sống có ích cho xã hội, tôi rất mừng. Thế hệ trẻ ngày nay là những mầm xanh của đất nước, là nền móng cho sự phát triển của nước nhà. Tôi luôn hy vọng các con, cháu gìn giữ những giá trị truyền thống của ông cha ta, từ đó thêm trân trọng và phát huy truyền thống, chung sức dựng xây gia đình, quê hương ngày càng giàu đẹp” - ông Châu bày tỏ.

Khi nói đến người cựu chiến binh Nguyễn Trọng Châu, ông Nguyễn Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nhượng bày tỏ: “Mặc dù đã trở về với cuộc sống đời thường, nhưng phẩm chất của người lính Bộ đội Cụ Hồ vẫn tỏa rạng, rực sáng trong ý nghĩ và hành động của ông Châu. Ông luôn là tấm gương mẫu mực cho cán bộ, Nhân dân địa phương học tập, noi theo. Ở tuổi 86 nhưng hiện nay, ông Châu vẫn luôn là điểm tựa tinh thần đoàn kết của gia đình, của người dân Cẩm Nhượng chúng tôi”.

Video: Ông Nguyễn Trọng Châu chia sẻ về lần gặp Bác Hồ ở Quảng Ninh.

BÀI, ẢNH: VĂN CHUNG

THIẾT KẾ: HUY TÙNG

Chủ đề Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh

Đọc thêm

Trên những vùng quê cách mạng ở Hà Tĩnh

Trên những vùng quê cách mạng ở Hà Tĩnh

Mỗi độ tháng Tám về, lòng người Hà Tĩnh thường nghĩ đến những ngày đầu làm cách mạng của cha ông. Trong dòng hồi tưởng ấy, chúng tôi có dịp về thăm một số vùng quê cách mạng nổi tiếng năm xưa.
Thêm 14 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh Hà Tĩnh

Thêm 14 di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh Hà Tĩnh

Việc được xếp hạng di tích lịch sử, văn hóa cấp tỉnh sẽ là cơ sở để các địa phương sở hữu di tích trên địa bàn Hà Tĩnh tăng cường công tác bảo tồn và phát huy các giá trị di sản.
Hương sắc mùa thu

Hương sắc mùa thu

Khi chuỗi ngày nắng gắt kết thúc và những cơn mưa bất chợt ùa về làm hồi sinh màu xanh những rừng cây, cánh đồng… cũng là lúc mùa thu bắt đầu gõ cửa trên mỗi miền quê Hà Tĩnh.
Thanh bình xóm đạo miền núi Vũ Quang

Thanh bình xóm đạo miền núi Vũ Quang

Đoàn kết, chung sức đồng lòng cùng các cấp, người dân thôn giáo toàn tòng (thôn 7, xã Quang Thọ, Vũ Quang, Hà Tĩnh) đã cùng nhau xây dựng một miền quê thanh bình, đáng sống.
Để ngàn sau còn vang câu ví, giặm...

Để ngàn sau còn vang câu ví, giặm...

Là nơi tập hợp, nuôi dưỡng tài năng văn nghệ dân gian, mô hình CLB dân ca ví, giặm ở Hà Tĩnh ngày càng góp sức lan tỏa di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại trong đời sống.
Bút hiệu của danh họa Nguyễn Phan Chánh là gì?

Bút hiệu của danh họa Nguyễn Phan Chánh là gì?

Danh họa Nguyễn Phan Chánh quê ở phường Tân Giang, TP Hà Tĩnh. Ông được coi là người đặt nền tảng cho tranh lụa Việt Nam hiện đại. Lần đầu tiên công chúng Pháp biết đến tranh lụa Việt Nam là qua bút pháp của Nguyễn Phan Chánh.
Ngắm cây đa cổ thụ xanh tốt ở Cẩm Xuyên

Ngắm cây đa cổ thụ xanh tốt ở Cẩm Xuyên

Gắn bó với người dân xã Cẩm Thịnh (huyện Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) từ cuối thế kỷ XIX đến nay, cây đa cổ thụ không chỉ tỏa bóng mát xum xuê mà còn mang ý nghĩa về lịch sử, văn hoá.