Về Hà Tĩnh

anh-cover-pc-5125.jpg

Thương binh Nguyễn Xuân Đàn (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) không chỉ hiến dâng một phần cơ thể để bảo vệ độc lập dân tộc mà còn cống hiến sức mình xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, văn minh.

Unit Đỏ.png

THƯƠNG BINH "TÀN NHƯNG KHÔNG PHẾ"

Ngôi nhà nhỏ của thương binh Nguyễn Xuân Đàn (SN 1949) nằm sâu trong con ngõ của thôn Thọ Sơn, xã Cẩm Quang (Cẩm Xuyên). Nơi đây ngập tràn những gốc bưởi trĩu quả do một tay ông Đàn cần mẫn chăm chút. Biết có đoàn ghé thăm, ông Đàn bổ sẵn những múi bưởi hồng ngọt lịm đãi khách.

img-0321-m-5410.jpg
Thương binh Nguyễn Xuân Đàn sống chung với cánh tay cụt đã hơn 50 năm.

“Hơn 50 năm sống chung với cánh tay cụt, giờ cũng quen rồi. Để có thể sử dụng cánh tay còn lại như một người bình thường là điều không thể nhưng trong “cái khó ló cái khôn”, những việc như gọt hoa quả tôi vẫn xoay xở được. Tôi luôn khắc ghi lời Bác dạy: "thương binh tàn nhưng không phế!” – ông Đàn trải lòng.

img-0303-m-7521.jpg
Cánh tay trái của ông Đàn bị mảnh bom văng vào trong một trận đánh năm 1972.

Như bao trai tráng trong làng, năm 18 tuổi, ông Nguyễn Xuân Đàn hăng hái lên đường nhập ngũ. Ông gia nhập đơn vị C19 thuộc Bộ Tư lệnh B5, chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị. Nhập ngũ không lâu, ông Đàn vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng (năm 1971), trở thành một trong những lính công binh xuất sắc, nhiều lần được Bộ Tư lệnh B5 tặng thưởng danh hiệu chiến sỹ thi đua toàn miền. Ngày 26/6/1972, đơn vị của ông Đàn bị quân địch tập kích tại thôn Triệu La, xã Triệu Tài, huyện Triệu Phong (Quảng Trị). Ông không may bị mảnh bom văng vào, cắt gãy xương tay trái.

Ông Nguyễn Xuân Đàn kể: “Lúc ấy vào khoảng 12h đêm, tôi chỉ kịp kêu lên đau đớn rồi ngất lịm. Sau đó, tôi được đồng đội cáng ra bệnh viện huyện Triệu Phong. Điều trị ở đây một ngày, một đêm thì tôi được chuyển ra Bắc. Qua 2 chặng, phải một tháng rưỡi sau tôi mới ra được Bệnh viện Quân y 105 (Hà Nội) để thực hiện phẫu thuật cắt bỏ tay. Lúc đó, vết thương gần như đã liền sẹo nên việc phẫu thuật càng đau đớn”.

img-0330-m-7974.jpg
Bị cụt tay nhưng ông Đàn vẫn duy trì được mọi sinh hoạt hằng ngày như người bình thường.

Lần phẫu thuật đó, ông Đàn phải cắt bỏ hoàn toàn cánh tay trái với tỷ lệ thương tật 57% (thương binh ¾). Ông phải nằm viện điều trị hơn một năm tại Bệnh viện Quân y 105 và Đoàn an điều dưỡng 40 của Quân khu 4 (Nghệ An). Năm 1974, ông Nguyễn Xuân Đàn được phục viên về địa phương với một cơ thể không còn lành lặn, một cánh tay cụt tới khớp vai. Với phẩm chất của người lính Cụ Hồ, ông đã gượng dậy, vững tin viết tiếp bản hùng ca giữa đời thường.

"Tua chậm" những “thước phim” của cuộc đời, ông Nguyễn Xuân Đàn vui vẻ đùa: “Cũng may trước khi bị cụt tay, trong một lần đi công tác ra Bắc hồi tháng 12/1971, tôi ghé về thăm nhà và đã kịp cưới vợ. Hồi đó cưới vợ qua mai mối, xong đám cưới hai ngày thì tôi phải đi. Khi trở về, dù không còn lành lặn nhưng vợ tôi vẫn không chê mà cùng tôi vun đắp, xây dựng tổ ấm như bây giờ”.

img-0361-7427.jpg
Vợ chồng ông Đàn xây dựng vườn mẫu với cây bưởi cho hiệu quả kinh tế cao.

Sau khi phục viên, ông Nguyễn Xuân Đàn tích cực tham gia các hoạt động, phong trào của địa phương. Năm 1975, ông phụ trách công tác đoàn, được bầu làm Bí thư Đoàn xã Cẩm Quang. Năm 1979, sau khi hoàn thành khóa học 6 tháng lớp quản lý kinh tế nông nghiệp ở TP Hà Tĩnh, ông Đàn được bầu làm Chủ nhiệm HTX Quang Sơn của xã Cẩm Quang. Từ năm 1983 - 1989, khi Hội Nông dân xã được tái lập, ông được bầu làm Chủ tịch hội. Từ năm 1990 – 1992, ông tiếp tục làm Bí thư Đảng ủy kiêm Chủ nhiệm HTX Quang Sơn. Năm 1994 - 1999, ông Đàn được bầu làm Phó Chủ tịch HĐND xã Cẩm Quang. Sau đó, ông nghỉ hưu theo chế độ.

Sau khi trở về địa phương, thương binh Nguyễn Xuân Đàn lại chung tay, góp sức làm đẹp quê hương.

Sau khi trở về địa phương, thương binh Nguyễn Xuân Đàn lại chung tay, góp sức làm đẹp quê hương.

Thời gian công tác tại địa phương, ký ức về những năm tháng chiến đấu ác liệt, nguy hiểm nơi chiến trường Quảng Trị khói lửa là động lực để ông Đàn vượt lên khó khăn, lãnh đạo tập thể đi đến thành công. Ông bộc bạch, là người lính, mình phải sống sao cho xứng đáng với những đồng đội đã ngã xuống, không được may mắn trở về như mình. Ở tuổi 75, đáng lẽ ra ông Đàn có thể thảnh thơi an hưởng tuổi già nhưng người thương binh này vẫn hăng say tham gia công tác ở thôn xóm.

Ông Trần Công Hán – Bí thư Chi bộ thôn Thọ Sơn, xã Cẩm Quang cho biết: “Bản thân là thương binh hạng nặng, còn có trọng trách thờ phụng liệt sỹ và mẹ Việt Nam anh hùng trong gia đình nhưng bác Nguyễn Xuân Đàn không khi nào lấy đó làm lý do để chối việc mà luôn đi đầu gương mẫu trong các phong trào. Tại Đại hội Chi bộ thôn Thọ Sơn hồi tháng 4/2022, bác Đàn được Nhân dân tín nhiệm bầu vào cấp ủy, giữ chức chi ủy viên. Mặc dù không có phụ cấp, làm công việc “vác tù và hàng tổng” nhưng bác Đàn vẫn rất nhiệt tình, hăng hái trong mọi việc của tập thể, nhất là trong phong trào xây dựng NTM”.

Video: Bí thư Chi bộ thôn Thọ Sơn Trần Công Hán nhận xét về thương binh Nguyễn Xuân Đàn.

TIÊN PHONG XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI

Còn nhớ, cách đây một năm, khi nghị quyết của chi bộ đưa vào chủ trương xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, cấp ủy và chính quyền xác định đây là nhiệm vụ cực kỳ khó khăn. Thời buổi "tấc đất tấc vàng", ai cũng e ngại né tránh và có tư tưởng bằng lòng với các tuyến đường hiện tại. Thậm chí, nhiều người nghĩ đấy là việc của Nhà nước, Nhà nước muốn mở đường thì phải đền bù đất cho dân.

img-9971-7357.jpg
Thương binh Nguyễn Xuân Đàn hiến gần 100 m2 đất ở để mở rộng đường đạt chuẩn NTM.

"TRONG CHIẾN TRANH, TÔI VÀ NHIỀU NGƯỜI KHÔNG TIẾC XƯƠNG MÁU ĐỂ GIÀNH ĐỘC LẬP CHO DÂN TỘC. VẬY THÌ HÀ CỚ GÌ MÌNH LẠI ĐI GIỮ VÀI BA THƯỚC ĐẤT MÀ KHÔNG HIẾN ĐỂ MỞ RỘNG ĐƯỜNG TO HƠN, ĐẸP HƠN".
...............................................................
Thương binh Nguyễn Xuân Đàn

Bởi vậy, các cuộc họp lấy ý kiến người dân được tổ chức nhưng kết quả gần như rơi vào bế tắc. Giữa lúc đó, thương binh Nguyễn Xuân Đàn đứng lên phát biểu khiến ai nấy đều tâm phục, khẩu phục: "Trong chiến tranh, tôi và nhiều người không tiếc xương máu để giành độc lập cho dân tộc. Vậy thì hà cớ gì mình lại đi giữ vài ba thước đất mà không hiến để mở rộng đường to hơn, đẹp hơn. Đời chúng ta đã khổ vì đường chật chội nhiều rồi. Không thể để đời con, đời cháu cũng khổ theo. Đường chật hẹp, ô tô không vào được thì giữ đất cũng được gì. Tôi tiên phong tự nguyện hiến đất ở cả 3 mặt đường của gia đình".

Nói là làm, ngay hôm sau, ông Đàn thuê máy về phá bỏ hàng rào và cổng; tự nguyện hiến hơn 100m chiều dài và 1m chiều rộng. Gia đình ông Đàn đã hiến hơn 100 m2 đất ở. Tính theo giá cả thị trường lên đến hàng trăm triệu đồng, chưa kể cổng và tường rào ông phá bỏ. Sự tiên phong của ông Đàn như ngọn cờ đầu soi đường để nhiều hộ dân trên tuyến đường cùng tham gia hiến đất làm đường giao thông.

Thương binh Nguyễn Xuân Đàn (thứ 2 từ trái sang) luôn hăng hái trong phong trào xây dựng NTM.

Thương binh Nguyễn Xuân Đàn (thứ 2 từ trái sang) luôn hăng hái trong phong trào xây dựng NTM.

Anh Nguyễn Văn Cầm (thôn Thọ Sơn, xã Cẩm Quang) chia sẻ: “Bác Đàn không chỉ hiến phần đất trước cửa ngõ vào nhà bác mà còn hiến hơn 45 m2 phía sau vườn để giúp gia đình tôi mở rộng cửa ngõ, dù đoạn đường này chỉ có mình gia đình tôi sử dụng. Khi thôn triển khai làm phần đường cho gia đình tôi, bác Đàn còn hỗ trợ tôi một số tiền để mua xi măng xây dựng tường rào. Nhờ có phần đất hiến tặng mà con đường vào nhà tôi nay rộng rãi, đẹp hẳn lên, tôi rất biết ơn bác Đàn”.

img-0412-9826.jpg
Con đường vào nhà anh Nguyễn Văn Cầm chỉ có gia đình anh sử dụng nhưng được ông Đàn hiến hơn 45 m2 để mở rộng to đẹp hơn.

Sau khi đã có người "đi đầu, bước trước", công cuộc hiến đất mở đường trên địa bàn thôn Thọ Sơn, xã Cẩm Quang được triển khai thuận lợi hơn. Dù vậy, vẫn có nhiều hộ không đồng tình. Với vai trò chi ủy viên, ông Nguyễn Xuân Đàn đã cùng cấp ủy tích cực tuyên truyền vận động.

"SAU KHI ĐƯỢC TUYÊN TRUYỀN, GIẢI THÍCH CẶN KẼ, AI NẤY ĐỀU HIỂU XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI LÀ CƠ HỘI ĐỂ GIÚP ĐỊA PHƯƠNG PHÁT TRIỂN HƠN CHỨ KHÔNG PHẢI LÀ RÀO CẢN NÊN MỌI NGƯỜI ĐỒNG TÌNH ỦNG HỘ".
................................................................
Thương binh Nguyễn Xuân Đàn

"Đời sống của bà con còn nhiều khó khăn nên khi đưa ra khoản đóng góp lên đến tiền triệu mỗi hộ, nhiều người nản lòng và lấy lý do gây khó khăn. Để vận động những hộ này, chúng tôi phải đi rất nhiều chuyến, thậm chí nhờ người thân, hàng xóm láng giềng của các hộ cùng tham gia vận động. Sau khi được tuyên truyền, giải thích cặn kẽ, ai nấy đều hiểu xây dựng NTM là cơ hội để giúp địa phương phát triển hơn chứ không phải là rào cản nên mọi người đồng tình ủng hộ" - ông Nguyễn Xuân Đàn cho hay.

img-0278-7666.jpg
img-0266-5154.jpg
img-0192-7566.jpg
img-0300-4625.jpg
Xây dựng NTM trở thành phong trào thường xuyên, rộng khắp trên địa bàn thôn Thọ Sơn, qua đó, giúp người dân nâng cao đời sống vật chất và tinh thần.

Qua hơn một năm triển khai xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, thôn Thọ Sơn đã vận động hơn 30 hộ dân hiến hơn 5.000 m2 đất ở, phá dỡ 12 cột cổng, 5 mái che, hàng chục hàng rào, hàng trăm cây xanh... Toàn thôn mở rộng được 524m đường giao thông, 218m kênh mương. Nhà văn hóa thôn Thọ Sơn được nâng cấp, chỉnh trang với hệ thống tivi, internet phủ sóng... Trên khắp các tuyến đường, người dân trồng hàng chục cây bóng mát và hơn 1.500m hàng rào xanh. Đến thời điểm này, thôn Thọ Sơn cơ bản đã hoàn thành 95% khối lượng công việc để "về đích" khu dân cư NTM kiểu mẫu vào cuối năm 2024.

Những ngày này, khắp nơi trên địa bàn thôn Thọ Sơn, người dân đang ra sức thi đua triển khai các công trình, phần việc cuối cùng để đón đoàn cấp trên về thẩm tra, đánh giá các tiêu chí NTM. Hòa trong tốp người tham gia xây dựng, ông Đàn với dáng người nhỏ bé, chỉ còn một tay nhưng vẫn thoăn thoắt cầm bai lề láng mặt đường bóng mịn.

img-0003-4562.jpg
Một góc NTM đẹp trước nhà ông Nguyễn Xuân Đàn.

Ông Nguyễn Xuân Đàn chia sẻ: “Mình là người lính Cụ Hồ nên luôn phải gương mẫu, đi đầu trên các mặt trận. Kêu gọi người dân cùng chung sức tham gia xây dựng NTM thì trước tiên mình phải xắn tay vào làm, khi đó dân mới nghe. Năm 2018, khi thôn phát động xây dựng vườn mẫu, gia đình tôi đã tiên phong xóa bỏ vườn tạp để trồng cây ăn quả, mỗi năm cho thu nhập hàng chục triệu đồng. Từ vườn bưởi của gia đình tôi, nhiều hộ khác cũng lấy giống về trồng và cho hiệu quả kinh tế cao”.

Bức tranh NTM thôn Thọ Sơn đang ngày càng "thay da đổi thịt". Trên những tuyến đường khang trang rộng mở, những tòa nhà cao tầng "mọc lên" sừng sững càng điểm tô vẻ đẹp trù phú của một miền quê đáng sống. Trong muôn vàn đổi thay ấy có sự đóng góp rất lớn của thương binh Nguyễn Xuân Đàn.

0029-9636.jpg
Thương binh Nguyễn Xuân Đàn cùng nhiều cá nhân tiêu biểu được vinh danh tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 – 2024 của huyện Cẩm Xuyên.

Với nhiều đóng góp cho phong trào của địa phương, tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện “Đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh” giai đoạn 2021 – 2024, ông Nguyễn Xuân Đàn đã được UBND huyện Cẩm Xuyên tặng giấy khen. Ông Đàn thật sự là tấm gương sáng về người thương binh “tàn nhưng không phế”, là hạt nhân truyền cảm hứng để người dân học tập và noi theo.

Video: Thương binh Nguyễn Xuân Đàn chia sẻ về việc đóng góp tự nguyện của bản thân.

BÀI, ẢNH: PHAN TRÂM - HỒNG PHƯỢNG

THIẾT KẾ: KỲ ANH

Chủ đề Hoa đẹp núi hồng

Đọc thêm

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Tỏa sáng di sản y học cổ truyền Hải Thượng Lãn Ông

Kế thừa, phát huy giá trị di sản y học cổ truyền của Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác, các bệnh viện, Hội Đông y Hà Tĩnh và cả nước ngày càng nâng cao hiệu quả hoạt động, khẳng định vai trò trong công tác chữa bệnh cứu người.
“Tấm căn cước” quý giá

“Tấm căn cước” quý giá

Nơi ấy, trên bản đồ hình chữ S của nước Việt ngàn năm là dải đất nhỏ hẹp, “đòn gánh gánh hai đầu đất nước”. Nơi ấy, bên dòng sông Lam trong xanh và núi Hồng sừng sững, những cư dân nhiều đời đã làm nên bao huyền thoại, tạo dựng một vùng văn hóa giàu bản sắc: văn hóa Hồng Lam. Đó là “tấm căn cước” quý giá, riêng có của Hà Tĩnh.
Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Dấu ấn cố hương trong “Thượng Kinh ký sự”

Tác phẩm “Thượng kinh ký sự” của Đại danh y Lê Hữu Trác bên cạnh trường đoạn nói về nỗi nhớ nơi ẩn cư ở quê mẹ ở Hương Sơn (Hà Tĩnh) là trường đoạn nói về nỗi nhớ cố hương da diết với rất nhiều hoài niệm.
Cuộc “gặp gỡ” giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác

Cuộc “gặp gỡ” giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác

Cuộc “gặp gỡ” giữa Albert Sallet và Lê Hữu Trác là sự kết nối của Đông và Tây, của các phương pháp cổ truyền và khoa học tiến bộ, của cây cỏ và máy móc, là sự tương đồng và tấm lòng của những bậc lương y, là niềm say mê và trách nhiệm đối với khoa học của những nhà bác học.
Noel ấm áp, an lành

Noel ấm áp, an lành

Những ngày này, nhiều làng quê Hà Tĩnh lại rộn ràng không khí chờ đón lễ Noel. Dẫu không phải người xứ đạo nhưng tôi đã thấy mùa Giáng sinh ấm áp đang lan tỏa trong mình.
“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

“Hành giả” Stêphannô Nguyễn Khắc Dương

Trong cộng đồng Thiên Chúa giáo Việt Nam hiện nay, Stêphannô Nguyễn Khắc Dương, quê ở xã An Hòa Thịnh (Hương Sơn, Hà Tĩnh) là một tu sĩ được rất nhiều giám mục, linh mục, chức sắc tôn giáo, đồng bào có đạo biết đến và rất kính trọng.
Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Đoàn kết lương giáo - tô điểm quê hương

Với tinh thần “Sống tốt đời, đẹp đạo”, đồng bào công giáo Hà Tĩnh đã tích cực gắn kết lương giáo, chung sức xây dựng, điểm tô cho bức tranh quê hương ngày càng giàu đẹp, văn minh.
Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Thành Sen - thành phố bên bờ biển

Một chiều như mọi chiều, tôi lại chạy xe chầm chậm trên những con phố cổ xưa của Thành Sen để ngắm nhìn những sắc màu mới đan xen màu ký ức. Xuôi về phía biển, một cảm giác vừa lạ lẫm, vừa hân hoan dào lên trong tôi - thành phố Hà Tĩnh đã mở rộng về bốn phía, làm dậy lên bao xúc cảm.