Một vụ sắn thất thu đối với người dân vùng thượng Kỳ Anh
Vụ sắn năm nay, gia đình bà Nguyễn Thị Loan (thôn Phúc Sơn, xã Kỳ Thượng) trồng gần 1 ha sắn nguyên liệu với 2 loại giống gồm KM 94 (đọt đỏ - giống cũ) và KM 140 (đọt trắng - giống mới). Trong đó, gần 10 sào sắn giống KM 140 bị nhiễm dịch khảm lá (một loại bệnh mới xuất hiện tại địa bàn Hà Tĩnh) vào đầu vụ.
Sau nhiều công sức đối phó với dịch bệnh, các diện tích sắn lại tiếp tục chống chọi với một đợt nắng hạn kéo dài hàng tháng trời, khiến cây bị còi cọc, củ nhỏ và ít.
Bà Nguyễn Thị Loan cho rằng chưa có năm nào sản xuất cây sắn gặp nhiều khó khăn như năm nay
Bà Loan chia sẻ: Nếu như những năm trước, mỗi ha sắn của đạt năng suất bình quân trên 30 tấn thì năm nay chỉ được trên dưới 20 tấn, đặc biệt hàm lượng tinh bột cũng giảm. Sản phẩm sắn củ chỉ được Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh thu mua 1-1,1 triệu đồng/tấn. Số tiền thu từ cây sắn của gia đình chỉ đạt xấp xỉ 50% và bị lỗ nặng.
Trong 2 giống sắn đang được người dân Kỳ Anh trồng (KM 94 - đọt đỏ và KM 140 - đọt trắng) thì chỉ có giống KM 140 là bị bệnh khảm lá
Theo ông Nguyễn Xuân Mến - Chủ tịch Hội Nông dân xã Kỳ Thượng, năm nay, đón đầu hoạt động của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh, xã Kỳ Thượng cơ cấu diện tích trồng sắn nguyên liệu khá lớn với trên 300 ha thì có hơn 100 ha bị nhiễm bệnh khảm lá.
Do phát hiện bệnh trong giai đoạn cây sắn đã trồng được từ 1 - 2 tháng, không đủ thời gian để trồng lại nên bà con chỉ cố gắng phòng trừ và chăm sóc nhằm duy trì diện tích. Vì vậy, thiệt hại về năng suất, sản lượng cũng như giá trị của cây sắn là rất lớn.
Hiện tại còn khoảng 30 - 40% diện tích, do giá bán quá thấp, người dân Kỳ Thượng đã cơ bản tạm dừng thu hoạch, chờ cải thiện phần nào về giá mới tiến hành nhổ tiếp nhằm giảm bớt thua lỗ.
Do dịch khảm lá và hạn hán kéo dài, củ sắn vừa nhỏ vừa phát triển không đều và hàm lượng tinh bột giảm
Là địa bàn đứng chân của Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh, Kỳ Sơn là một trong những xã vùng thượng có diện tích trồng sắn nguyên liệu lớn nhất huyện.
Mặc dù diện tích trồng sắn đã bị thu hẹp hàng trăm ha do người dân bỏ sắn trồng keo tràm, nhưng hiện toàn xã vẫn còn 350 ha. Không nằm ngoài cuộc, người dân Kỳ Sơn cũng bị thiệt hại nặng nề do dịch khảm lá sắn và hạn hán gây ra.
Bệnh khảm lá sắn cùng với thời tiết khắc nghiệt trong năm đã làm thất thu hàng trăm tấn sắn nguyên liệu của người dân xã Kỳ Sơn
Gia đình ông Nguyễn Văn Đoàn (thôn Sơn Bình 2, xã Kỳ Sơn) sản xuất trên 1 ha sắn nguyên liệu có ký hợp đồng với Nhà máy Chế biến tinh bột sắn thì hầu hết diện tích bị bệnh khảm lá với tỷ lệ từ 30 đến 70%.
Theo ông Đoàn, sau một thời gian trồng, cây sắn bắt đầu phát triển thì có hiện tượng bị xoăn và bạc lá, thân bị lùn và lây lan nhanh ra các cây khác. Mặc dù đã tốn nhiều công sức và tiền bạc để mua thuốc bảo vệ thực vật về cứu chữa nhưng khi cây sắn đã bị nhiễm bệnh thì rất khó phục hồi. “Trước đây cứ nghĩ trồng sắn là đơn giản, không lo rủi ro về sâu bệnh nhưng sau vụ sắn này tôi thực sự lo lắng. Cây sắn là cây có thời gian sinh trưởng và phát triển khá dài (tròn 1 năm), nếu tiếp tục gặp dịch bệnh như năm nay thì bà con sẽ rất khó sản xuất” - Ông Đoàn bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Đoàn trao đổi với lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh về hiện tượng bệnh khảm lá trên sắn từ đầu vụ
Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn Nguyễn Anh Ngọc cho biết: “2019 là năm đầu tiên phục hồi sản xuất sắn nguyên liệu trên địa bàn, người dân đầu tư khá nhiều công sức và tiền của nhưng bị thua lỗ do dịch bệnh và thiên tai. Đây là rào cản rất lớn cho địa phương trong chỉ đạo duy trì và mở rộng diện tích sắn nguyên liệu trên địa bàn theo nhu cầu chế biến của Nhà máy”.
Vốn đã "đói" nguyên liệu, với thực trạng thất thu vụ sắn năm nay, hoạt động của Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh (xã Kỳ Sơn) lại càng khó khăn hơn (Ảnh: Phúc Quang)
Ông Ngọc cũng cho biết, trong 2 giống sắn đang được người dân Kỳ Sơn cũng như các địa phương khác trên toàn huyện (KM 94 - đọt đỏ và KM 140 - đọt trắng) thì chỉ có giống KM 140 là bị bệnh.
Trước thực trạng trên, ngành nông nghiệp huyện cũng như chính quyền các cấp cần quan tâm nghiên cứu trong quá trình lựa chọn giống để ổn định sản xuất sắn nguyên liệu trong thời gian tới.