“Đói” nguyên liệu sản xuất, Nhà máy tinh bột sắn Hà Tĩnh lao đao

(Baohatinh.vn) - Có công suất sản xuất trên 400 tấn/ngày tuy nhiên, nguyên liệu sản xuất chỉ đáp ứng được 1/4 công suất hoạt động khiến cho Nhà máy Chế biến tinh bột sắn Hà Tĩnh (xã Kỳ Sơn, huyện Kỳ Anh) rơi vào cảnh lao đao.

Vùng nguyên liệu chỉ được ¼ công suất

Tháng 4/2017, Công ty TNHH Thương mại - Dịch vụ Thành Mỹ Phát mua lại Nhà máy chế biến tinh bột sắn từ Công ty CP Hữu hạn Vedan Việt Nam.

“Đói” nguyên liệu sản xuất, Nhà máy tinh bột sắn Hà Tĩnh lao đao

Do thiếu nguyên liệu nên dây chuyền sản xuất luôn trong tình trạng nằm chờ

Theo ông Nguyễn Quang Thành - Giám đốc nhà máy, sau khi tiếp quản từ Công ty Vedan, đơn vị đã tiến hành đầu tư trên 190 tỷ đồng để nâng cấp dây chuyền sản xuất, thay đổi công nghệ mới đáp ứng chất lượng sản phẩm và đảm bảo công tác bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, từ khi tiến hành sản xuất (2018) cho đến nay, nhà máy luôn trong tình trạng thiếu nguyên liệu trầm trọng.

Theo đó, công suất của nhà máy hiện nay khoảng trên 400 tấn sắn/ngày, để có đủ nguyên liệu sản xuất, nhà máy cần một vùng nguyên liệu trên 8.000 ha. Tuy nhiên, thực tế hiện nay nguyên liệu trong tỉnh chỉ mới đạt gần 2.000 ha.

“Nhà máy chế biến tinh bột ít nhất mỗi năm phải có thời gian sản xuất được khoảng 5-6 tháng. Tuy nhiên, với vùng nguyên liệu như hiện nay, nhà máy chỉ sản xuất được 60 ngày là đóng cửa. Công suất một ngày 3 ca nhưng không có nguyên liệu nên mỗi ngày chỉ chạy ca rưỡi. Nếu cứ kéo dài tình trạng này thì nhà máy sẽ phải ngừng hoạt động” - Giám đốc Nguyễn Quang Thành lo lắng.

“Đói” nguyên liệu sản xuất, Nhà máy tinh bột sắn Hà Tĩnh lao đao

Nhà máy buộc phải mua sắn từ Lào về khiến cho giá thành sản xuất tăng cao.

Được biết, trước tình cảnh thiếu nguyên liệu trầm trọng, nhà máy tinh bột buộc phải mua sắn từ các địa phương khác như: Quảng Bình, Nghệ An, thậm chí là sang đến tận Lào. Do quãng đường vận chuyển quá dài nên vừa bị động nguồn nguyên liệu, vừa phải chịu chi phí đầu vào cao.

Theo ông Lê Văn Trọng – Trưởng phòng NN&PTNT huyện Kỳ Anh: Để đáp ứng nguyên liệu sắn cho Nhà máy tinh bột, thời gian qua, huyện cùng công ty đã phối hợp, thành lập các tổ, đội sản xuất, hỗ trợ người dân mở rộng diện tích trồng sắn. Đến nay, diện tích trồng sắn của toàn huyện đạt khoảng 1.500 ha, đây là diện tích lớn nhất từ trước đến nay. Nếu mở rộng thêm, tối đa Kỳ Anh cũng chỉ được thêm khoảng 500 ha nữa.

Tuy nhiên, do thời gian gần đây người trồng sắn chịu thiệt hại nặng từ bệnh khảm lá sắn nên ít nhiều ảnh hưởng đến tâm lý sản xuất. Để bà con tiếp tục mở rộng sản xuất, quan trọng nhất là cần có một giống sắn đảm bảo chất lượng, đủ sức chống chịu sâu bệnh.

Doanh nghiệp mong được liên kết trồng nguyên liệu, đa dạng sản xuất

Tình cảnh thiếu nguyên liệu, sản xuất cầm chừng không chỉ làm cho nhà máy rơi vào cảnh lao đao mà còn khiến cho việc làm và thu nhập của công nhân bị ảnh hưởng. Theo đó, nhà máy giải quyết việc làm thường xuyên cho 50 người và khoảng 60 người thời vụ, nhưng do không đủ nguyên liệu sản xuất nên thu nhập của công nhân bị giảm sút.

“Đói” nguyên liệu sản xuất, Nhà máy tinh bột sắn Hà Tĩnh lao đao

Liên kết mở rộng vùng nguyên liệu mới là giải pháp giúp nhà máy thoát khỏi khó khăn

Ông Nguyễn Quang Thành cho biết: “Qua khảo sát thực tế, hiện nay trên địa bàn các xã Kỳ Lạc, Kỳ Lâm, Kỳ Tây, Kỳ Sơn có khoảng trên 2.000 ha diện tích trồng cao su không hiệu quả. Công ty rất mong tỉnh chấp thuận cho nhà máy liên doanh, liên kết với Công ty Cao su Hà Tĩnh chuyển đổi diện tích cao su không hiệu quả này sang trồng sắn. Đây là giải pháp tối ưu để giúp nhà máy có vùng nguyên liệu bền vững, vượt qua khó khăn”.

Ngoài ra, để tạo việc làm ổn định cho công nhân, nhất là ngay cả khi hết nguyên liệu sản xuất thì việc đa dạng ngành nghề sản xuất đang được nhà máy tính đến.

“Đói” nguyên liệu sản xuất, Nhà máy tinh bột sắn Hà Tĩnh lao đao

Nhà máy đang có kế hoạch đa dạng sản xuất để tạo việc làm ổn định cho công nhân.

“Để tận dụng triệt để nguồn bã sắn, hạn chế gây ô nhiễm môi trường, công ty đang lên kế hoạch việc mở một xưởng chế biến phân vi sinh và xưởng cồn. Trong đó, sản phẩm phân vi sinh sẽ được bán lại cho bà con trồng sắn với giá phù hợp nhất, vừa hạn chế được phân hóa học, vừa giảm chi phí sản xuất cho bà con. Nhà máy rất mong tỉnh ủng hộ, tạo điều kiện” – ông Thành chia sẻ.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Hành tăm Vượng Lộc được mùa, "rớt" giá

Hành tăm Vượng Lộc được mùa, "rớt" giá

Thời tiết thuận lợi, vựa hành tăm tại xã Vượng Lộc (huyện Can Lộc, Hà Tĩnh) cho năng suất cao, song giá bán chỉ bằng 1/2 so với năm ngoái, dao động từ 30.000 - 33.000 đồng/kg.
Tất bật "hồi sinh" đào sau Tết

Tất bật "hồi sinh" đào sau Tết

Những ngày này, các nhà vườn ở Hà Tĩnh đang dồn hết tâm sức vào việc chăm sóc những gốc đào với hy vọng cây sẽ bung nở vào đúng dịp tết Nguyên đán năm sau.
Cao điểm tỉa dặm, chăm bón lúa xuân ở Hà Tĩnh

Cao điểm tỉa dặm, chăm bón lúa xuân ở Hà Tĩnh

Thời điểm này, bà con nông dân Hà Tĩnh bắt đầu tập trung lấy nước vào ruộng, tỉa dặm, chú trọng phòng trừ sâu bệnh ngay từ đầu vụ để đảm sự sinh trưởng, phát triển của lúa xuân.
Hợp tác xã Đoàn viên lan tỏa các giá trị

Hợp tác xã Đoàn viên lan tỏa các giá trị

Hơn 1 thập kỷ hình thành và phát triển, HTX Đoàn viên (Cẩm Xuyên - Hà Tĩnh) đã phát triển đa ngành nghề để tạo ra các giá trị kinh tế và đóng góp vì cộng đồng xã hội.
Ngọt thơm cam bù Hương Sơn

Ngọt thơm cam bù Hương Sơn

Trong những ngày áp Tết, từ các triền đồi, ngả đường đến các phiên chợ ở huyện Hương Sơn (Hà Tĩnh) đều mọng đỏ màu cam bù - loại quả đặc sản, đậm dấu phong thổ địa phương…
Hà Tĩnh - nông nghiệp hữu cơ chuyển mình

Hà Tĩnh - nông nghiệp hữu cơ chuyển mình

Nông nghiệp hữu cơ thích ứng với biến đổi khí hậu gắn với tăng trưởng xanh đang mang đến những giá trị mới, mở ra tiềm năng lớn cho nền sản xuất hiện đại ở Hà Tĩnh.