Vốn tín dụng chính sách “giục giã” bà con Kỳ Anh phát triển kinh tế

(Baohatinh.vn) - Nguồn vốn Ngân hàng Chính sách - xã hội huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tạo lực đẩy quan trọng để người dân địa phương thoát nghèo. Nếu vùng thượng phát triển mạnh chè công nghiệp, chăn nuôi, trồng rừng thì các xã miền biển lại đầu tư đánh bắt, chế biến thủy hải sản.

Vốn tín dụng chính sách “giục giã” bà con Kỳ Anh phát triển kinh tế

Lãnh đạo Ngân hàng Chính sách - xã hội huyện Kỳ Anh kiểm tra mô hình chè công nghiệp của gia đình ông Nguyễn Đình Quyền (xã Kỳ Tây)...

Vùng thượng phát triển chăn nuôi, chè công nghiệp

0,8 ha chè liên kết của gia đình ông Nguyễn Đình Quyền (thôn Đông Xuân – xã Kỳ Tây) đang vào độ thu hoạch và cho thu trung bình 15 triệu đồng/tháng. Với người nông dân như ông Quyền thì đây là nguồn thu lớn và để có được “tài sản” đó là nhờ sự tiếp sức của Ngân hàng Chính sách - xã hội.

Được biết, gia đình ông Quyền gắn bó với vốn chính sách từ lâu. Hiện, ông đang vay chương trình hộ gia đình sản xuất, kinh doanh tại vùng khó khăn 50 triệu đồng. Từ đây, ông mạnh dạn đầu tư mở rộng diện tích trồng chè công nghiệp để tăng nguồn thu.

Vốn tín dụng chính sách “giục giã” bà con Kỳ Anh phát triển kinh tế

... và kiểm tra việc sử dụng vốn vay của gia đình anh Trần Quốc Phương (xã Kỳ Tây)

Gia đình anh Trần Quốc Phương (thôn Đông Xuân – xã Kỳ Tây) cũng khấm khá nhờ sự tiếp sức của Ngân hàng Chính sách - xã hội.

Anh Phương chia sẻ: “Tôi đã vay vốn ngân hàng chính sách hàng chục năm nay. Vừa trả xong 30 triệu đồng, tôi lại vay thêm 50 triệu đồng để mua bò. Từ 2 con bò ban đầu, đến nay, gia đình đã có 22 con bò sinh sản. Ngoài ra, gia đình còn đầu tư trồng 15 ha tràm, mỗi năm thu lãi trên 200 triệu đồng. Từ hoàn cảnh khó khăn, nay gia đình đã có của ăn của để, nuôi con cái học hành”.

Vốn tín dụng chính sách “giục giã” bà con Kỳ Anh phát triển kinh tế

Năm 2019, xã Kỳ Tây chuyển đổi 6 ha cây tràm sang chè công nghiệp và 320 ha cây tràm sang cây sắn

Ông Nguyễn Thanh Đương - Chủ tịch UBND xã Kỳ Tây phấn khởi: “Là địa phương khó khăn về kinh tế, tự nhiên và xã hội nên sự tiếp vốn của ngân hàng chính sách là động lực quan trọng để người dân đầu tư các mô hình, thoát nghèo bền vững.

Dư nợ ngân hàng chính sách tại địa phương hiện đạt 55,5 tỷ đồng. Nguồn vốn đã tiếp sức để chính quyền và nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Năm 2018, xã đã chuyển đổi 10,7 ha cây tràm sang chè công nghiệp và năm 2019 tiếp tục chuyển đổi 6 ha tràm sang chè, 320 ha tràm sang cây sắn.

Địa phương cũng khuyến khích phát triển chăn nuôi trâu, bò sinh sản, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Vì thế, tỷ lệ hộ nghèo những năm trước gần 30% nay đã giảm còn 14,6%”.

Vốn tín dụng chính sách “giục giã” bà con Kỳ Anh phát triển kinh tế

Vốn chính sách tiếp sức để vùng thượng huyện Kỳ Anh phát triển mạnh trồng rừng, trồng chè, chăn nuôi trâu bò

Không riêng Kỳ Tây, mà cuộc sống của người dân vùng thượng huyện Kỳ Anh như: Kỳ Thượng, Kỳ Lạc, Kỳ Sơn… nay đã đổi thay nhiều. Ông Nguyễn Anh Ngọc – Chủ tịch UBND xã Kỳ Sơn cho biết: “Có vốn chính sách, nhân dân mạnh dạn thay đổi tư duy làm ăn, phát huy tiềm năng, thế mạnh vùng miền.

Nhiều trang trại chăn nuôi quy mô lớn, mô hình trồng chè công nghiệp, trồng sắn liên kết, trồng keo, tràm xuất hiện và nhiều người dân nhanh chóng giàu lên. Đến nay, xã có 62 mô hình kinh tế cho doanh thu trên 100 triệu đồng/năm”.

Các xã miền biển đầu tư đánh bắt, chế biến thủy hải sản

Chị Lê Thị Khương – Giám đốc HTX Phú Khương (xã Kỳ Xuân) là khách hàng quen thuộc của Ngân hàng Chính sách - xã hội huyện Kỳ Anh.

Chị Khương kể: “Vốn chính sách gắn bó với gia đình tôi từ ngày mới bước vào nghề thu mua, chế biến thủy hải sản cho đến bây giờ khi đã là chủ của một mô hình kinh tế lớn. Nhiều thành viên của HTX đều có điểm tựa là ngân hàng chính sách. Để rồi HTX bước qua lối sản xuất manh mún, vươn lên đầu tư hạ tầng, công nghệ hiện đại, phát triển theo hướng hàng hóa và xây dựng nên thương hiệu nước mắm Phú Khương với doanh thu hàng tỷ đồng”.

Vốn tín dụng chính sách “giục giã” bà con Kỳ Anh phát triển kinh tế

Vốn chính sách đồng hành cùng sự phát triển của HTX Phú Khương (xã Kỳ Xuân)

Người dân miền biển huyện Kỳ Anh còn được ngân hàng chính sách tiếp sức bám biển. Hàng nghìn ngư dân các xã Kỳ Phú, Kỳ Xuân, Kỳ Khang… đã có điều kiện mua sắm ngư cụ đánh bắt hiện đại, tạo nguồn thu lớn mỗi năm.

Anh Nguyễn Xuân Thương (xóm Phú Lợi - xã Kỳ Phú) cho biết: “Tháng 3/2018, gia đình vay 50 triệu đồng diện hộ cận nghèo. Có vốn tôi đầu tư sửa chữa tàu thuyền, mua lưới mới và một số dụng cụ đánh bắt khác. Nhờ vậy, mỗi ngày tôi đi biển 1-2 lần, nguồn thu từ đánh bắt thủy hải sản trung bình trên 22 triệu đồng/tháng. Điều mừng là chúng tôi được tiếp cận vốn ưu đãi nên cũng bớt lo lắng về lãi suất”.

Vốn tín dụng chính sách “giục giã” bà con Kỳ Anh phát triển kinh tế

Các HTX đầu tư hạ tầng hiện đại, chế biến thủy hải sản từ vốn chính sách

Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng Chính sách - xã hội huyện Kỳ Anh Phạm Anh Đức cho biết: “Dư nợ của đơn vị hiện đạt trên 523,4 tỷ đồng với trên 17 nghìn khách hàng vay vốn. Nhiều chương trình dư nợ cao như: Vay ưu đãi hộ nghèo trên 79,2 tỷ đồng; vay hộ cận nghèo 149 tỷ đồng; vay hộ gia đình SXKD vùng khó khăn 95,6 tỷ đồng …

Sự phối hợp chặt chẽ giữa ngân hàng và chính quyền địa phương đã tạo ra nhiều mô hình kinh tế tiềm năng, nguồn vốn sử dụng đúng mục đích, phát huy hiệu quả cao. Dư nợ lớn nhất tỉnh, song đơn vị không phát sinh nợ xấu”.

Chủ đề Tài Chính - Ngân Hàng

Đọc thêm

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Rộn ràng mua sắm tại lễ hội cam Hà Tĩnh

Với đa dạng sản phẩm đặc sản của tỉnh được trưng bày, Lễ hội Cam và các sản phẩm Hà Tĩnh năm 2024 được đông đảo người dân đến tham quan, mua sắm, tạo không khí nhộn nhịp.
Bám biển mùa "gió chướng"

Bám biển mùa "gió chướng"

Dù thời tiết không thuận nhưng những ngư dân yêu lao động ở xã Thịnh Lộc (Lộc Hà, Hà Tĩnh) vẫn kiên trì bám biển, chăm chỉ mưu sinh.
Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Cẩm Xuyên thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao

Huyện Cẩm Xuyên (Hà Tĩnh) đang thí điểm mô hình chăn nuôi hươu sao để phát triển ngành nghề mới, góp phần tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2020-2025.
Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Dư nợ ngành nông – lâm – thủy sản tăng 6%

Ngành Ngân hàng Hà Tĩnh tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, người dân tiếp cận vốn đầu tư phát triển các mô hình nông – lâm – thủy sản với tổng dư nợ đạt gần 13.000 tỷ đồng.