Gần 100 cây bưởi Phúc Trạch của anh Hải (người ngoài cùng bên trái) bắt đầu cho lứa quả đầu tiên
Sau nhiều năm rời quê hương làm ăn xa và hiện đang là một ông chủ doanh nghiệp nhỏ tại thị xã Kỳ Anh, nhưng tiềm năng đất đai và cơ chế rộng mở đã thu hút anh Thân Trung Hải ở thôn Đông Sơn (xã Kỳ Trung) trở về quê hương để lập vườn phát triển kinh tế gia đình.
Được xã tạo điều kiện cho đấu thầu trên 7 ha đất rừng tại thôn Đông Sơn, chỉ mới gần 3 năm tiến hành đầu tư khoanh vùng cải tạo và quy hoạch, hiện khu vườn rừng của anh Hải đã được hình thành với đa dạng các loại cây ăn quả có giá trị cao như bưởi Phúc Trạch, cam chanh, mít, ổi... Trong đó, trên 100 cây bưởi Phúc Trạch đã bắt đầu cho quả.
Một góc khu vườn rừng theo hướng nông lâm kết hợp của gia đình anh Thân Trung Hải ở thôn Đông Sơn (Kỳ Trung)
Anh Hải còn nuôi hàng chục tổ ong lấy mật, vừa tận dụng được nguồn hoa nguyên liệu của khu vườn và cây rừng tự nhiên, vừa có tác dụng rất lớn trong việc thụ phấn cho cây trồng. Theo anh Thân Trung Hải, mặc dù mới hình thành nhưng khu vườn của anh đã cho tổng thu nhập hàng chục triệu đồng/năm.
Lợn rừng - một trong những nguồn thu từ phát triển kinh tế vườn mẫu của gia đình ông Trần Mạnh Hùng ở thôn Đông Sơn (Kỳ Trung)
Cũng tại thôn Đông Sơn, mặc dù quy mô không lớn như khu vườn anh Thân Trung Hải nhưng vườn mẫu của ông Trần Mạnh Hùng (65 tuổi) cũng được coi là một trong những mô hình kinh tế khá điển hình trong xây dựng NTM của xã Kỳ Trung. Cùng với các loại rau màu xanh tốt 4 mùa nhờ được áp dụng công nghệ chăm sóc hiện đại, ông Hùng còn dành diện tích đất bám sát triền suối chạy dọc theo khu vườn của mình (khoanh nuôi cây tự nhiên) để nuôi hàng chục con lợn rừng. Mỗi năm, tổng thu nhập của gia đình từ vườn đạt trên dưới 100 triệu đồng.
Nhờ cần cù, sáng tạo, biết vận dụng KHKT vào sản xuất trên cơ sở kết hợp cây trồng và vật nuôi, đặc biệt có sự động viên và hỗ trợ kịp thời của cấp ủy, chính quyền xã, mô hình kinh tế vườn của ông Hùng luôn phát huy được hiệu quả, có thu nhập quanh năm, trở thành điểm nhấn về cảnh quan trong bức tranh NTM của xã.
Ngoài 10 sào chè ở vùng tập trung, gia đình anh Hà Văn Phen (thôn Đất Đỏ) còn trồng gần 5 sào chè trong vườn nhà cho thu nhập cao.
Điểm nhấn trong phát triển kinh tế từ vườn rừng ở Kỳ Trung, không thể không kể đến các mô hình nông lâm kết hợp, trong đó, sản phẩm chủ lực là các vườn chè công nghiệp. Bên cạnh các diện tích chè tập trung, những năm gần đây, cây chè đang từng bước được người dân mở rộng diện tích tại các mô hình vườn rừng, vườn hộ.
Điển hình như vườn mẫu của gia đình anh chị Võ Công Sơn - Trần Thị Hương Giang (thôn Đất Đỏ) với 1 ha chè; anh Hà Văn Phen (thôn Đất Đỏ) gần 5 sào chè… Theo ước tính, hiện tại, toàn xã Kỳ Trung đã có trên 100 vườn hộ trồng chè với diện tích từ 2 sào trở lên.
Vườn mẫu của gia đình anh chị Võ Công Sơn - Trần Thị Hương Giang (thôn Đất Đỏ) có diện tích trên 10 ha với cơ cấu: cây lâm nghiệp, cây chè, cây ăn quả và chăn nuôi, cho thu nhập hàng năm trên 300 triệu đồng.
Ông Lê Đình Dũng - Phó Chủ tịch UBND xã Kỳ Trung cho biết, đến thời điểm này, đã có trên 80% vườn tạp trên toàn xã được cải tạo. Toàn xã có khoảng 300 mô hình cho thu nhập từ 50 triệu đồng/năm trở lên; thu nhập từ kinh tế vườn rừng chiếm hơn 70% tổng nguồn thu của địa phương.
Thời gian tới, xã sẽ tiếp tục rà soát quỹ đất cũng như tình hình cơ cấu cây trồng, vật nuôi trên địa bàn để triển khai quy hoạch về không gian và cơ cấu cây trồng, vật nuôi phù hợp.
Kinh tế vườn vẫn là hướng đi chủ lực trong thời gian tới, đang được xã Kỳ Trung chỉ đạo phát triển
Cùng với đó, xã tuyên truyền, vận động và có cơ chế, chính sách để thu hút người dân tập trung phát triển kinh tế vườn trên cơ sở phát triển sản phẩm chủ lực có hiệu quả kinh tế cao. Bên cạnh hỗ trợ về chính sách, tập huấn về KHKT trong sản xuất, địa phương chú trọng chỉ đạo phát triển sản xuất theo chuỗi liên kết, sản xuất bền vững nhằm tận dụng tối đa tiềm năng, thế mạnh của địa phương để nâng cao đời sống nhân dân.