Nguy hiểm khi qua cầu không có lan can

(Baohatinh.vn) - Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh) hiện đã hư hỏng và không có lan can, khiến nhiều người di chuyển qua đây bị rơi xuống sông.

Cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc thuộc địa phận thôn Hà Phúc Đồng, xã Nam Phúc Thăng (Cẩm Xuyên) được xây dựng cách đây khoảng 30 năm.

Đây là 2 cây cầu độc đạo để 168 hộ dân của thôn Hà Phúc Đồng lưu thông sang cánh đồng N6 (cánh đồng rộng hơn 34 ha). Không chỉ phục vụ sản xuất nông nghiệp, 2 cây cầu này còn có nhiệm vụ kết nối giao thông giữa thôn Hà Phúc Đồng với các thôn: Tân Trường, Hưng Lộc, Phúc Tiến, Phúc Trung của xã Nam Phúc Thăng.

bqbht_br_5621.jpg
Cầu số 2 bắc qua sông Sóc được xây dựng cách đây khoảng 30 năm, hiện đã xuống cấp.

Theo quan sát, 2 cây cầu được ghép bằng những tấm bê tông cũ kỹ. Dầm dọc và dầm ngang của cầu được làm bằng sắt nhưng do trải qua thời gian dài sử dụng nên đã hư hỏng, gỉ sét, một số đoạn đã bị gãy.

Đặc biệt, cả 2 cây cầu đều không có lan can bảo vệ nên rất nguy hiểm cho người dân khi lưu thông qua đây.

bqbht_br_5639.jpg
Cầu số 3 bắc qua sông Sóc xuống cấp, khung sắt gỉ sét, dầm cầu phải kê đá để giữ thăng bằng.

Bà Nguyễn Thị Vương – người dân thôn Hà Phúc Đồng chia sẻ: “Vào mùa thu hoạch, người dân phải chở lúa, chở rơm qua 2 cây cầu này. Nhiều người đã bị rơi cả xe xuống sông. Gia đình tôi sống gần cầu, mỗi khi phát hiện có người bị rơi xuống thì lại kêu bà con ra kéo lên. Nguy hiểm là thế nhưng nếu đi đường vòng khác thì xa hơn rất nhiều nên người dân trong thôn chúng tôi vẫn phải “bấm bụng” qua cầu. Tôi cũng từng bị rơi ở cầu số 3 mấy lần”.

bqbht_br_5603.jpg
Đầu cầu số 2 bị sụt lún, người dân phải đắp đất để có thể lưu thông.

Ông Đặng Quốc Câu – Trưởng thôn Hà Phúc Đồng cho biết: “Sau trận lũ lịch sử năm 2020, 2 cây cầu này xuống cấp nghiêm trọng nên thôn đã huy động đóng góp của Nhân dân để sửa lại cầu. Tổng kinh phí sửa chữa hết 80 triệu đồng, trong đó ngân sách xã hỗ trợ 20 triệu đồng, còn lại là người dân đóng góp. Đến năm 2024, chính quyền địa phương triển khai dự án nạo vét sông Sóc thì dòng chảy tiếp tục được mở rộng. Bởi vậy, cầu đã hư hỏng lại càng mất an toàn, nhất là khi mùa mưa bão về”.

bqbht_br_5657.jpg
Mặt cầu được ghép bằng những tấm bê tông đã xuống cấp.

Từ khi sông Sóc được nạo vét để phục vụ tiêu thoát lũ, lưu lượng nước chảy ngày một lớn hơn. Vào mùa mưa, nước sông chảy xiết gây xói lở bờ tả của con sông. Đặc biệt, tình trạng sạt lở đã lấn sâu vào con đường bê tông sát bên sông Sóc, gây nên những vết nứt dài và hàm ếch rỗng dưới chân đường. Về lâu dài, nếu không có giải pháp khắc phục thì sạt lở nguy cơ sẽ còn ăn sâu vào tuyến đường dân sinh này.

Trước hiện trạng xuống cấp của 2 cây cầu và sạt lở hai bên bờ sông Sóc qua địa bàn thôn Hà Phúc Đồng, UBND xã Nam Phúc Thăng đã nhiều lần làm văn bản kiến nghị UBND huyện Cẩm Xuyên và các sở, ngành liên quan để sớm có giải pháp khắc phục.

bqbht_br_5684.jpg
Dòng chảy sông Sóc ngày càng lớn đã ăn sâu vào đường dân sinh, gây sạt lở và sụt lún đường.

Ông Hoàng Kim Túy – Chủ tịch UBND xã Nam Phúc Thăng cho hay: “Cầu số 2 và cầu số 3 qua sông Sóc xuống cấp vừa gây nguy hiểm cho người dân khi tham gia giao thông, vừa ảnh hưởng đến sản xuất của địa phương và gây khó khăn cho công tác phòng, chống thiên tai trên địa bàn.

Qua nhiều cuộc tiếp xúc cử tri với đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp, người dân đã nhiều lần phản ánh. UBND xã cũng đã làm văn bản đề nghị các cấp, ngành quan tâm hỗ trợ xây dựng lại 2 cây cầu bắc qua sông Sóc, xây dựng tuyến kè chống sạt lở để đảm bảo an toàn cho Nhân dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội cho địa phương”.

Video: Hiện trạng xuống cấp của cầu số 2 và cầu số 3 bắc qua sông Sóc.

Chủ đề Bạn đọc viết

Đọc thêm

Vỡ cửa cống, nhiều diện tích ruộng lúa nhiễm mặn

Vỡ cửa cống, nhiều diện tích ruộng lúa nhiễm mặn

Cống Đập Xạ nằm trên tuyến đê Hữu Nghèn thuộc địa phận TDP 8, thị trấn Thạch Hà (huyện Thạch Hà, Hà Tĩnh) bị vỡ khiến nhiều diện tích ruộng bị xâm nhập mặn, ảnh hưởng đến lúa vụ xuân của người dân.
"Ẩn họa" khi đánh bắt cá trong nước lũ

"Ẩn họa" khi đánh bắt cá trong nước lũ

Mưa lớn những ngày qua đã khiến nhiều địa phương trên địa bàn Hà Tĩnh ngập lụt. Dù nước dâng cao nhưng nhiều người dân vẫn bất chấp hiểm nguy, lội ra những cánh đồng mênh mông nước để thả lưới bắt cá.
 “Thót tim” khi qua cầu trên quốc lộ 8C

“Thót tim” khi qua cầu trên quốc lộ 8C

Sau nhiều năm sử dụng, cầu tràn Lâm Lĩnh nối xã Sơn Lĩnh và xã Sơn Lâm (Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã xuống cấp, gây bất an cho người dân khi tham gia giao thông qua đây.
Nhếch nhác 2 cây cầu sắt trên tuyến kênh thoát lũ

Nhếch nhác 2 cây cầu sắt trên tuyến kênh thoát lũ

Nhiều năm nay, trên tuyến kênh thoát lũ ở địa bàn phường Kỳ Thịnh, thị xã Kỳ Anh (Hà Tĩnh) tồn tại 2 cầu sắt không còn chức năng sử dụng, hư hỏng, xuống cấp nghiêm trọng. Dù tiềm ẩn nhiều mối nguy hiểm rình rập cho người và gia súc, cản trở dòng chảy nhưng cầu vẫn chưa được tháo dỡ xử lý.
Âu thuyền xuống cấp, ngư dân bất an

Âu thuyền xuống cấp, ngư dân bất an

Âu thuyền ở thôn Đại Đồng, xã Cương Gián (Nghi Xuân, Hà Tĩnh) đang bị bồi lắng, xuống cấp ảnh hưởng đến việc neo đậu tàu thuyền và tránh trú bão của bà con ngư dân.