Nguyễn Huy Thiệp - một dòng sông chảy mãi đến vô cùng

(Baohatinh.vn) - Bạn văn và độc giả từng ví von Nguyễn Huy Thiệp với nhiều hình ảnh. Hôm nay, giữa nỗi buồn sinh tử, tôi muốn gọi Nguyễn Huy Thiệp là “dòng sông”. Đã thực sự khép lại rồi những “giày vò”, "đớn đau”, dòng sông ấy đã bình thản, hiền hoà trôi về chốn vô cùng...

Nguyễn Huy Thiệp và những phát biểu về nghề đầy day dứt. Ảnh: internet

Đến bây giờ tôi vẫn còn giữ những thói quen từ thời còn bé là hay nghe đọc truyện đêm khuya. Bởi những lúc như thế mình chẳng phải làm gì, cứ pha một tách café thật thơm, thật nồng, ngồi trên chiếc ghế lười nơi góc hoa dẻ thơm nồng nàn và cứ thế nằm yên như một con mèo để nghe giọng đọc rù rì phát ra từ chiếc radio cũ. Sẽ chẳng còn gì thú vị hơn, khi vừa nằm nhìn trời đêm vừa nghe truyện.

Một trong những câu chuyện mà tôi thích nhất là Chảy đi sông ơi của Nguyễn Huy Thiệp: “Đoạn sông chảy qua bến Cốc lia một vòng cung đẩy những doi cát bên bồi về mãi phía Tây. Bến đò ở ngay gốc gạo đơn độc đầu xóm. Con sông, bến nước mơ màng và buồn cô liêu, nửa như chờ đợi, nửa như hờn dỗi…” cứ thế ru tôi hết một đêm dài.

Bây giờ đang cuối mùa xuân, đợt rét cuối mùa dậy lên những cơn gió ngái buốt khiến tôi bần thần, chắc sẽ không có buổi nào như chiều 20/3, tin buồn đến với nền văn học nước nhà khi “vua truyện ngắn” Nguyễn Huy Thiệp qua đời sau thời gian bị tai biến khiến giới văn chương như chịu một cơn dư chấn tiếc thương không dứt.

Nguyễn Huy Thiệp ra đi để lại một khoảng trống trên văn đàn. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Ở đâu người ta cũng kể về ông, người hồi tưởng, người nuối tiếc nhưng tựu trung lại đều mang nặng một nỗi niềm: Văn học Việt Nam hiện đại bây giờ đã khuyết một chỗ trống khó lòng khỏa lấp nổi.

Đã đành sinh tử là chuyện ở đời, nhưng những tác phẩm mà Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp để lại ấn tượng cho người đọc thì còn lại mãi mãi. Người ta nhớ về ông, so sánh ông với những tác giả cùng thời để rồi nhận ra, chính sự xuất hiện khá muộn trên văn đàn của ông (với vài truyện ngắn được đăng trên báo Văn nghệ năm 1986) ông đã một mình đi trên một con đường khác, thổi vào không khí văn chương bằng một cá tính sáng tạo độc đáo.

Nguyễn Huy Thiệp đã làm một cuộc cách mạng trong tư duy nghệ thuật, những tác phẩm của ông mang lại cho người đọc một cảm giác vừa thân quen, vừa lạ lẫm, vừa truyền thống, vừa hiện đại. Ta có thể vừa đọc, vừa nhận ra một Nguyễn Huy Thiệp vừa cá tính, vừa phóng khoáng trong những truyện ngắn đọc rất tự nhiên của ông.

Tôi đã từng đọc những tác phẩm của ông, từ Tướng về hưu, Những người thợ xẻ, Con gái Thủy thần, Chảy đi sông ơi đến Kiếm sắc…cuốn sách nào của ông cũng mang lại cho tôi những trăn trở suy nghĩ khi đặt bút viết. Làm thế nào để nghề viết không phải là sự sáo mòn, làm thế nào để có những cách nhìn mới mẻ về những vấn đề đã cũ, làm thế nào để khai phá những vấn đề của đời sống xã hội bằng con mắt chân thực và bản lĩnh của người cầm bút mà không phải sợ hãi hay dè dặt.

Hơn ai hết, Nguyễn Huy Thiệp đã làm được điều đó. Có những ý kiến cho rằng, một mình ông không làm nên được diện mạo của nền văn học Việt Nan sau 1975 đến nay, nhưng những tác phẩm của ông đã như ngọn cờ tiên phong trên hành trình đổi mới sáng tác, từ đó, đưa Văn học Việt Nam sau 1975 đi xa hơn, vững vàng hơn trên hành trình đổi mới văn học dân tộc, hòa nhập vào văn học hiện đại của thế giới.

Chung quy lại, đó là một chữ LẠ - Một chữ LẠ mà càng gần gũi với ông, chữ LẠ đó lại càng nổi lên rất rõ nét. Nguyễn Huy Thiệp lạ ở tư duy sắc sảo, phá cách. Lạ ở sự dấn thân để vượt qua những bằng phẳng, cũ kĩ để nói lên tiếng nói của mình, quan điểm của mình trong sáng tác.

Những phân cảnh trong bộ phim “Tướng về hưu” của đạo diễn Nguyễn Khắc Lợi dựa trên truyện ngắn “Tướng về hưu” của Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: internet

Còn nhớ trong một bài phỏng vấn Nhà văn Nguyễn Huy Thiệp đã từng nói rằng: “Nghề văn là một nghề thổ tả! Để viết chân thực anh phải giày vò, anh phải đớn đau…” hay “Viết văn là đạo, đó là một con đường khốc liệt. Để được thì phải mất. Điều kinh khủng là nhiều khi cái giá phải trả ấy lại không rơi vào mình mà người hứng chịu là người thân của mình. Có những thứ không thể nói được nhưng quá đắng cay”...

Nguyễn Huy Thiệp đã như con tằm rút ruột mình để nói lên những câu nói đầy đau đớn nhưng ngạo nghễ của nghề viết, đã làm nên một “vua truyện ngắn” của nền Văn học Việt Nam hiện đại.

Giờ thì khép lại nỗi đau đời của một con người. Những tháng ngày trên giường bệnh, Nguyễn Huy Thiệp dường như cũng đã cảm nhận đủ được tấm chân tình của bạn bè văn chương dành cho ông, nên đã chọn một ngày tháng ba gây nhiều luyến tiếc để ra đi.

“Thể xác tan rồi. Như sương khói trong đôi mắt ông kia. Nhưng văn chương của ông, Nguyễn Huy Thiệp tạo ra vẫn đổ bóng dài, thử thách mãi các nhà văn đương đại” (Nhà văn Nguyễn Văn Thọ).

Và đêm nay, trong cơn lạnh tái tê người của đợt rét cuối cùng này, tôi lại nằm nghe Chảy đi sông ơi như một lời từ biệt:

Chảy đi sông ơi

Băn khoăn làm gì

Rồi sông đãi hết

Anh hùng còn chi?

Chủ đề Sáng tác Văn học Nghệ thuật

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói