Nhà thơ Phan Vũ qua đời ở tuổi 93.
Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên đăng tải trên facebook sự hụt hẫng khi hay tin nhà thơ Phan Vũ qua đời. Nhiều bạn bè văn giới cũng nhanh chóng chia sẻ thông tin này trên mạng xã hội. Nhà văn Trung Trung Đỉnh cũng viết: Kính cẩn nghiêng mình tiễn biệt ông anh vong niên.
Những tháng năm cuối, Phan Vũ phải chống chọi với bệnh tật và đau yếu. Ông hôn mê sâu trước khi trút hơi thở cuối cùng. Dù tuổi cao nhưng Phan Vũ là người ưa gặp gỡ bạn bè, tính tình cởi mở hồn nhiên, thường xuyên trao đổi thông tin qua facebook.
Phan Vũ tên thật Trần Hồng Hải, sinh năm 1926 tại Hải Phòng. Ông đi bộ đội khi 20 tuổi, sau đó ở lại miền Nam sinh sống và công tác. Năm 1954 ông ra Bắc, làm việc tại Xưởng phim truyện Việt Nam và làm báo.
Ông là nhà thơ, nhà viết kịch, được nhiều người biết đến nhất với "Em ơi Hà Nội phố" - được nhạc sĩ Phú Quang phổ nhạc. "Em ơi! Hà Nội phố" là trường ca viết năm 1972, 13 năm sau Phú Quang mới chọn một đoạn trong đó phổ nhạc. Sau này ông làm việc tại Đài Truyền hình TPHCM.
Từ khi nghỉ hưu ông chuyển qua vẽ tranh và sống trọn với đam mê này, ông mở xưởng vẽ riêng tại TPHCM. Năm ngoái, ông còn mở triển lãm riêng “Em ơi! Hà Nội phố” tại TPHCM như sự hoài niệm về Hà Nội.
Nhà thơ Phan Vũ được nhiều bạn bè văn giới yêu mến. Ảnh: Nguyễn Đình Toán
Năm 2018, Phan Vũ ra Hà Nội ra mắt tập "Ta còn em". Trong năm 2018, BTC giải thưởng Bùi Xuân Phái trao Giải tác phẩm cho tập thơ "Ta còn em" của Phan Vũ. Phan Vũ thường được nhắc tới là người cuối cùng còn lại của Nhân văn giai phẩm.
Bên cạnh thơ, Phan Vũ cũng có một số tác phẩm như kịch bản "Lửa cháy lên rồi" đạt giải Nhì Hội Văn nghệ Việt Nam năm 1955, "Bà mẹ và thanh gươm", "Dòng song âm vang", "Ngọn lửa thành đồng". Ông từng đạo diễn phim "Bí mật thành phố cấm", "Như một huyền thoại".