Trao đổi với báo giới, ông Phùng Huy Cẩn - Vụ trưởng Vụ Thi đua khen thưởng (Bộ VH-TT&DL) cho biết Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã ký quyết định số 602 ký ngày 30/3/2017, chính thức tặng giải thưởng Hồ Chí Minh cho cố nhà thơ Xuân Quỳnh. Trước đó, một số vấn đề liên quan đến việc nhà thơ Xuân Quỳnh không được Giải thưởng Hồ Chí Minh đã thu hút sự quan tâm và chú ý của dư luận. Vì trước đó, Bộ VHTT&DL đã đề nghị xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật với 2 tập thơ Lời ru mặt đất và Bầu trời trong quả trứng của nữ sĩ Xuân Quỳnh.
Vợ chồng cố thi sĩ - nhà viết kịch Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh
Tháng 4/2016, hồ sơ của nhà thơ Xuân Quỳnh đã vượt qua 3 vòng xét duyệt và có tên trong danh sách các hồ sơ đủ điều kiện mà Bộ VH-TT&DL trình Hội đồng cấp Nhà nước xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật năm 2016. Tuy nhiên, cố nhà thơ Xuân Quỳnh lại không có tên trong danh sách các tác giả được trao tặng giải thưởng Hồ Chí Minh năm 2016 vì thiếu giấy xác nhận của Hội Nhà văn Việt Nam về tập thơ thiếu nhi Bầu trời trong quả trứng đã được giải thưởng năm 1982-1983.
Sau đó, để kịp thời hoàn thiện hồ sơ, đảm bảo các giấy tờ theo quy định, Hội Nhà văn Việt Nam đã bổ sung giấy xác nhận giải thưởng. Đồng thời, Bộ VH-TT&DL tiếp tục trình Thủ tướng xét tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh và giải thưởng Nhà nước về VHNT năm 2017 với nhà thơ Xuân Quỳnh và nhiều tác giả khác. Đến nay, nhà thơ Xuân Quỳnh đã chính thức được Chủ tịch nước tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật cho 2 tập thơ là Lời ru mặt đất và Bầu trời trong quả trứng.
Bầu trời trong quả trứng - một trong những tập thơ nổi bật và được bạn đọc nhiều thế hệ yêu mến
Theo từ điển Bách khoa điện tử mở (Wikipedia), Xuân Quỳnh sinh ra ở tỉnh Hà Tây (nay là quận Hà Đông, Hà Nội), trong một gia đình công chức, mẹ mất sớm, bố thường xuyên công tác xa gia đình, bà được bà nội nuôi dạy từ nhỏ đến khi trưởng thành. Tháng 2 năm 1955, Xuân Quỳnh được tuyển vào Đoàn Văn công nhân dân Trung ương và được đào tạo thành diễn viên múa.
Bà đã nhiều lần đi biểu diễn ở nước ngoài và dự Đại hội thanh niên sinh viên thế giới năm 1959 tại Viena (Áo). Từ năm 1962 đến 1964, Xuân Quỳnh học Trường bồi dưỡng những người viết văn trẻ (khoá I) của Hội Nhà văn Việt Nam. Sau khi học xong, làm việc tại báo Văn nghệ, báo Phụ nữ Việt Nam. Xuân Quỳnh là hội viên từ năm 1967, ủy viên Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam khoá III. Năm 1973, Xuân Quỳnh kết hôn với nhà viết kịch, nhà thơ Lưu Quang Vũ. Từ năm 1978 Xuân Quỳnh làm biên tập viên Nhà xuất bản Tác phẩm mới. Bà mất ngày 29/8/1988 trong một tai nạn giao thông tại tỉnh Hải Dương, cùng với chồng Lưu Quang Vũ và con trai Lưu Quỳnh Thơ mới 13 tuổi.
Trong khoảng thời gian cầm bút, Xuân Quỳnh là nữ thi sĩ nổi tiếng với nhiều bài thơ được nhiều người biết đến như Thuyền và Biển, Sóng, Thơ tình cuối mùa thu, Tiếng gà trưa, Bầu trời trong quả trứng, Tự hát, Sân ga chiều em đi, Lời ru trên mặt đất... Thơ Xuân Quỳnh giàu cảm xúc với những cung bậc khác nhau như chính tính cách luôn hết mình của nữ thi sĩ. Những bài thơ khi hạnh phúc đắm say, lúc đau khổ, suy tư của nhà thơ luôn gần gũi vì được viết với sự đằm thắm của một người phụ nữ vừa làm thơ vừa làm vợ, làm mẹ. Nhiều sáng tác thơ của Xuân Quỳnh đã được phổ nhạc và trở thành những nhạc phẩm nổi tiếng, trong đó phải kể tới ca khúc Thuyền và biển, Thơ tình cuối mùa thu do nhạc sĩ Phan Huỳnh Điểu phổ nhạc.