Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời ngày 24/7, ở tuổi 86, sau khi vợ ông - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ mất hồi đầu tháng.

Hoàng Dạ Thư - con gái cả nhà thơ - cho biết: “Bố tôi khỏe, minh mẫn cho đến khi bị tai biến lần hai hồi tháng 3. Ông ra đi tự nhiên, thanh thản”. Gia đình sẽ tổ chức lễ tưởng nhớ ông vào ngày 30 và 31/7 tại Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế (phường Vĩnh Ninh, thành phố Huế).

12 năm nay, ông cùng vợ - nhà thơ Lâm Thị Mỹ Dạ - chuyển từ Huế vào TP HCM sống cùng con gái. Ông bị tai biến năm 1989, từ đó liệt nửa người phải ngồi xe lăn. Dù sinh hoạt bất tiện, ông vẫn giữ tinh thần tốt, viết nhiều bút ký, các bài nghiên cứu trên tạp chí. Vợ ông qua đời hôm 6/7, thọ 74 tuổi.

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường qua đời

Nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường. Ảnh: Hội Văn học nghệ thuật Thừa Thiên - Huế

Nhà văn Hồ Đăng Thanh Ngọc, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thừa Thiên Huế, cho biết hài cốt nhà văn và vợ sẽ được đưa về Huế vào ngày 30/7. Tối 30/7, đồng nghiệp tổ chức đêm thơ để tưởng nhớ vợ chồng văn sĩ. Hoàng Phủ Ngọc Tường và vợ ông được chôn cất tại Nghĩa trang phía Bắc thuộc phường Hương Hồ, thành phố Huế - khu vực cách sông Hương khoảng 2 km, gần đồi Vọng Cảnh.

Hoàng Phủ Ngọc Tường sinh năm 1937 ở Huế, quê gốc ở Quảng Trị. Ông tốt nghiệp Đại học Sư phạm Sài Gòn, sau đó học thêm bằng cử nhân triết ở Đại học Văn khoa Huế. Ông dạy ở trường chuyên Quốc học Huế giai đoạn 1960-1966. Nhà văn tham gia hoạt động văn hóa, văn nghệ trong kháng chiến chống Mỹ. Năm 1978, ông được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam.

Ông từng là Tổng thư ký Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên - Huế, Chủ tịch Hội Văn học nghệ thuật Bình Trị Thiên, Tổng biên tập tạp chí Cửa Việt . Năm 2007, ông được trao Giải thưởng Nhà nước về văn học nghệ thuật.

Nhà văn thành công với thể loại bút ký. Nhà thơ Ngô Minh từng nói: “Hoàng Phủ Ngọc Tường là một trong số rất ít nhà văn viết bút ký nổi tiếng ở nước ta vài chục năm nay. Bút ký Hoàng Phủ Ngọc Tường hấp dẫn người đọc ở tấm lòng nhân văn sâu sắc, trí tuệ uyên bác và chất Huế thơ huyền hoặc, quyến rũ. Đó là những trang viết tài hoa, tài tử, tài tình”.

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sử nhận định: “Bút ký của Hoàng Phủ Ngọc Tường là một cuộc đi tìm cội nguồn, một sự phát hiện bề dày văn hóa và lịch sử của các điều kiện đời sống. Văn anh giàu những tư liệu lấy từ sử sách tri thức khoa học và huyền thoại kí ức cá nhân lóe lên những ánh sáng bất ngờ. Cái mới của Hoàng Phủ Ngọc Tường là khám phá bình diện văn hóa với tư liệu lịch sử phong phú và một tâm hồn Huế nồng nàn”.

Tác phẩm nổi tiếng nhất của ông là Ai đã đặt tên cho dòng sông , viết ở Huế năm 1981, từng được đưa vào giảng dạy trong chương trình ngữ văn phổ thông. Bài bút ký thể hiện phong cách tài hoa, uyên bác, lối viết giàu chất thơ của Hoàng Phủ Ngọc Tường, được đưa vào đề thi tốt nghiệp năm 2019.

Sinh thời, Hoàng Phủ Ngọc Tường trong nhóm bạn chơi thân nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Cuốn Trịnh Công Sơn và cây đàn lyre của hoàng tử bé , là cuốn sách nổi tiếng ông viết về con người, phong cách âm nhạc, tác phẩm của nhạc sĩ.

Hoàng Phủ Ngọc Tường tự nhận ông là “người ham chơi”. Theo lời nhà thơ Ngô Minh, ông lúc nào cũng có mặt bên bàn rượu với bản bè từ Bắc chí Nam, nói đủ chuyện Đông Tây kim cổ.

Nhà thơ Nguyễn Trọng Tạo, một người bạn của Hoàng Phủ Ngọc Tường, từng nói: “Anh là một nhà văn hóa hành văn vô cùng độc đáo, một cuốn từ điển sống về Huế, và đôi khi như một triết gia uyên thâm lãng tử. Đọc anh, người ta không chỉ thâu nhận đời sống, lịch sử, triết học, kinh tế, hay chính trị mà còn cảm nhận được cả một tình yêu lớn đối với con người, dân tộc và cách mạng”.

Theo VNE

Đọc thêm

Harry Potter mới lộ diện

Harry Potter mới lộ diện

HBO vừa công bố Hình ảnh đầu tiên về "cậu bé phù thủy" trong series phim truyền hình Harry Potter. Phim dự kiến ra mắt vào năm 2027.
Podcast: Truyện ngắn - Tiếng còi tàu đêm

Podcast: Truyện ngắn - Tiếng còi tàu đêm

Trong những năm tháng chiến tranh, với nhiều mất mát hi sinh những người vợ, người mẹ vẫn chịu đựng trong âm thầm lặng lẽ. Họ là nguồn động viên tinh thần to lớn cho những người lính nơi tiền tuyến.
Podcast tản văn: Nắng xiên khoai

Podcast tản văn: Nắng xiên khoai

Khoai lang không chỉ là món ăn mà là đặc trưng quê hương, gợi nhớ sự tảo tần của mẹ, tình cha, và tuổi thơ lấp lánh không thể quên.
Podcast truyện ngắn: Rừng và em

Podcast truyện ngắn: Rừng và em

Giữa núi rừng bạt ngàn, niềm tin và tình người ấm áp lấp lánh hơn nắng. Đây là câu chuyện thắp sáng ước mơ nơi bản làng, nơi khát vọng vươn lên luôn cháy bỏng.
Podcast truyện ngắn: Nhật ký của một hạt mưa

Podcast truyện ngắn: Nhật ký của một hạt mưa

“Nhật ký của một hạt mưa” của tác giả Anh Đức kể về một thế giới đầy màu sắc qua góc nhìn nhân hóa của hạt mưa với những thông điệp sâu sắc về cuộc sống, tình bạn và sự sẻ chia.
Nỗ lực trao truyền ví, giặm cho thế hệ trẻ

Nỗ lực trao truyền ví, giặm cho thế hệ trẻ

Giữa guồng quay của cuộc sống, có những lớp nghệ nhân ở Hà Tĩnh vẫn thầm lặng cống hiến, gìn giữ tinh hoa nghệ thuật truyền thống. Với họ, đó không chỉ là lòng nhiệt huyết, niềm đam mê mà còn là sứ mệnh giữ lửa, trao truyền các giá trị của di sản quê hương.
"Rệu rã" di tích gần 400 tuổi

"Rệu rã" di tích gần 400 tuổi

Chùa Tịnh Lâm (phường Hà Huy Tập, tỉnh Hà Tĩnh) được xây dựng từ thế kỷ thứ XVII, nay đã xuống cấp nghiêm trọng.
Ươm mầm dân ca ví, giặm

Ươm mầm dân ca ví, giặm

Phát huy vai trò là những hạt nhân trong bảo tồn, gìn giữ di sản, nhiều nghệ nhân trên địa bàn Hà Tĩnh đã tình nguyện tham gia, mở các lớp học miễn phí để truyền dạy dân ca cho các em học sinh.