Nhảm nhí bói toán, cúng giải hạn…

Hiện tượng lừa đảo dưới danh nghĩa bói toán, cúng giải hạn chưa bao giờ bớt “nóng”. Những kẻ lừa đảo tự xưng là “thầy”, là “cô” có khả năng đặc biệt, am hiểu về tâm linh, bói toán và cúng bái, hứa hẹn có thể hóa giải mọi xui rủi và mang lại bình an, tài lộc cho người đến xem.

Trên thực tế, nhiều người vì u mê đã trở thành nạn nhân của các chiêu trò nhảm nhí này, bỏ ra hàng trăm triệu đồng mà không nhận được bất kỳ kết quả nào như hứa hẹn.

Tiền mất nhưng tâm bệnh vẫn mang

Chị Nguyễn Thanh Lan, 52 tuổi (trú tại Cao Thành, Ứng Hòa, Hà Nội) là tín đồ của những trò bói toán mê tín dị đoan. Hễ ở đâu người ta mách có thầy giỏi là chị Lan lại rủ anh em, bạn bè đi xem cùng. Sau khi xem nhiều thầy, chị Lan quyết định theo một thầy ở cùng huyện. Gia đình có việc gì bất hòa, con cái ốm đau hay cần xem ngày xem giờ, chị Lan đều đến tận nơi thỉnh ý kiến của thầy. Thầy phán chị số sướng, có hậu về sau nên cứ an tâm mà hưởng phúc.

Lên mạng mua quẻ “bùa nghe lời”, bà Minh bị lừa mất hơn 10 triệu đồng.
Lên mạng mua quẻ “bùa nghe lời”, bà Minh bị lừa mất hơn 10 triệu đồng.

Thế nhưng, phúc đâu chưa thấy, 2 năm trước chồng chị Lan có người đàn bà khác bên ngoài rồi nhất mực về nhà đòi chia tay vợ. Không biết cách nào níu kéo chồng, chị Lan lại tìm đến thầy để “giải hạn”. Để làm cái lễ “giải hạn” ấy, chị phải bỏ ra 28 triệu đồng để thầy mua lễ. Nhưng, “giải hạn” đã được mấy tháng mà chồng chị Lan vẫn nhất quyết đòi ly hôn. Khi chị không đồng ý thì anh này đơn phương nộp đơn ra tòa.

Suy sụp trước sự đổ vỡ hôn nhân, chị Lan đã bị đột quỵ và hiện đang phải chữa trị tại Bệnh viện Quân y 103 (Hà Đông). Dù đang nằm viện nhưng chị Lan vẫn cố nhờ người đi sắm lễ để thỉnh thầy xem bao giờ mình “tai qua nạn khỏi”(!?). Người thân khuyên thế nào chị Lan cũng không nghe. Chị bảo, “còn nước thì còn tát”, người trần không giúp được thì sẽ có người âm che chở.

Tương tự, bà Trần Thị Minh, 60 tuổi (trú tại Phường Phú La, Hà Đông, Hà Nội) cũng là “fan cuồng” của mấy trò bói toán. Trước khi cậu con trai lớn cưới vợ, bà Minh cẩn thận đi xem bói, lễ lạt ông thầy ngay gần nhà. Ông thầy này bà Minh tin và theo lễ từ lâu, hễ có việc gì là lại đến xin ý kiến thầy, từ việc mua đất, chọn giờ, chọn ngày xây nhà, sang cát cho bố mẹ...

Một lần khi đến nhà thầy xem bói về tình duyên của cậu con trai và cô con dâu tương lai đều đang lao động ở Hàn Quốc, thấy ông thầy bảo, tuổi cô con dâu tương lai với con trai bà rất hợp nhau, lấy về hai vợ chồng làm ăn sẽ lên như “diều gặp gió” nên cần phải cưới ngay. Nghe vậy, bà Minh bắt hai con về bằng được để tổ chức hôn lễ.

Đối tượng Phan Thị Thu Trang đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền 28 tỉ đồng.
Đối tượng Phan Thị Thu Trang đã lừa đảo chiếm đoạt số tiền 28 tỉ đồng.

Nhưng, cưới về rồi sinh con được vài tháng, cô con dâu của bà phát hiện bị ung thư. Hai vợ chồng sau khi cưới vì không tìm được việc làm ổn định bên Hàn lại dắt díu nhau về ở với vợ chồng bà. Hằng ngày vợ bán đồ ăn vặt ở cổng trường, còn chồng đi làm thợ sơn theo ngày.

Không chỉ con dâu bị bệnh hiểm nghèo và mà đứa con trai đầu lòng của họ cũng mắc bệnh hở van tim nên thường xuyên phải ra vào bệnh viện. Cuộc sống khó khăn và lâm vào bế tắc nên con trai bà Minh hễ có cơ hội lại chì chiết bà vì đã giục cưới ngay và luôn người mà anh mới chỉ quen chưa đầy một tháng. Thấy các con khổ sở vậy, bà Minh cũng thấy mình có lỗi phần nào.

Về phần bà Đặng Thị Thái (trú tại Thạch Hòa, Thạch Thất, Hà Nội) thì hoàn toàn không phải là người mê tín dị đoan. Tuy nhiên, vì có con trai đã 35 tuổi nhưng không chịu lấy vợ, ngày nào bà Thái cũng hối thúc con tìm bạn gái để yên bề gia thất, nhưng con trai lại rất thờ ơ, vì vậy bà càng sốt ruột.

Một ngày, bà được người hàng xóm mách về việc ở miền núi, vùng dân tộc thiểu số có bán các loại bùa ngải như: Bùa nghe lời, bùa giữ vợ, giữ chồng, bùa làm ăn... Nếu mua bùa này, làm theo hướng dẫn của thầy thì con trai bà Thái sẽ nghe lời, sớm lấy được vợ. Lên mạng tìm hiểu, bà Thái thấy một fanpage trên ứng dụng Facebook có rao bán các loại bùa ngải.

Ngay lập tức, bà liên hệ với admin và đặt mua “bùa nghe lời”. Bùa là tờ giấy trắng gấp nhỏ, một ít muối... được đựng trong túi nhựa, giá 10,9 triệu đồng. Theo lời của chủ fanpage, bà Thái làm theo đúng chỉ dẫn, nhưng thời gian dài sau vẫn không thấy con trai đưa bạn gái về ra mắt. Bà tìm cách liên lạc với chủ fanpage thì bị chặn mọi liên lạc. Lúc này bà Thái mới biết mình đã bị lừa mà không làm gì được.

Không chỉ mất tiền xem bói, Lê Thành Tâm (Thạch Thành, Thanh Hóa) còn ngừng trệ việc mua xe và tan vỡ mối tình đẹp với người bạn gái hiền lành, xinh xắn. Tâm kể: “Năm nay thầy phán em gặp “hạn” nên cần làm lễ giải hạn lớn, còn không được mua xe máy vì bị tai nạn nghiêm trọng hoặc sẽ mất để “của đi thay người”. Thậm chí, thầy bảo: Hai đứa không hợp tuổi, người yêu nó khắc mệnh con. Nếu không chia tay thì sớm muộn con cũng bị nó hại sinh bệnh, ốm đau”.

Tin và nghe theo lời thầy phán, Tâm tốn hơn 8 triệu làm “lễ giải hạn”, nán lại thời gian mua xe mặc dù thời gian đi làm đã gần kề và chia tay người yêu, mặc dù đôi bạn đang yêu nhau thắm thiết. “Trước đây thầy phán mình bị tai nạn với mẹ thì đúng vào tháng ấy xảy ra y hệt thế nên sau đợt ấy mình tin lắm, suốt một năm qua mình toàn đi xe bus đi làm. Còn chuyện tình yêu, mình nghĩ đã không hợp tuổi, hợp mệnh thì có ở bên nhau cũng khó hạnh phúc, huống gì là ảnh hưởng cả đến sức khỏe”, Tâm chia sẻ.

Lợi dụng tâm lý u mê để lừa đảo

Trên thực tế, các thầy bói thường sử dụng ngôn từ và các nghi lễ để tạo dựng lòng tin. Họ có thể khéo léo đề cập đến thông tin cá nhân hoặc sự kiện trong cuộc sống của người xem, khiến người ta cảm thấy “đúng” và tin rằng thầy có khả năng đặc biệt. Đa số các thầy bói thường nhắm đến những người đang gặp vấn đề hoặc cảm thấy bất an trong cuộc sống để “phán” rằng người xem bị “tai ách”, “âm khí” hoặc “vận hạn” và yêu cầu thực hiện các nghi lễ phức tạp, tốn kém để hóa giải. Nhiều người, vì lo sợ gặp điều không may, đã bỏ ra khoản tiền lớn để thuê thầy thực hiện các nghi lễ này.

Đây là chiêu trò phổ biến, khi các thầy yêu cầu khách hàng phải mua đồ lễ với số tiền lớn, từ vài triệu đến vài chục triệu đồng. Họ thậm chí bày ra các buổi lễ linh đình, hứa hẹn rằng nghi lễ sẽ giúp hóa giải vận hạn. Sau khi hoàn thành việc cúng bái, họ nhanh chóng biến mất hoặc tiếp tục “phán” thêm về các tai họa khác để kéo dài việc cúng bái.

Những nhóm bói toán như này thu hút hàng chục nghìn người tham gia.
Những nhóm bói toán như này thu hút hàng chục nghìn người tham gia.

Hiện tượng lừa đảo này không chỉ khiến nạn nhân mất tài sản mà còn gây ra những tổn thương tinh thần. Người bị lừa thường rơi vào tình trạng lo lắng, bất an, mất niềm tin vào các mối quan hệ và dễ dàng trở thành đối tượng bị lợi dụng nhiều lần. Về mặt xã hội, tình trạng này làm giảm niềm tin vào các giá trị truyền thống, văn hóa và khiến cho các hình thức tâm linh chân chính bị hiểu nhầm, ảnh hưởng xấu đến sự lành mạnh của môi trường tâm linh.

Ngày 25/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an quận 5, TP Hồ Chí Minh cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và lệnh bắt bị can để tạm giam đối với Phan Thị Thu Trang (sinh năm 1990, thường trú tại phường 1, quận 5) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.

Quá trình điều tra, Cơ quan công an xác định, từ tháng 10 đến tháng 12/2023, Trang sử dụng nhiều trang mạng xã hội Facebook như: Phan Thu Trang, Phong Thủy Tâm Linh - Phan Thu Trang... để tìm người có nhu cầu xem bói.

Khi có người liên hệ, Trang lợi dụng việc xem bói để bịa đặt các câu chuyện mang tính tâm linh, đưa ra những lời nói không có cơ sở khoa học nhằm mục đích khiến cho các bị hại lo sợ. Từ đó Trang yêu cầu nạn nhân chuyển tiền để cúng giải hạn, hóa giải bùa, vong...

Sau khi nhận được tiền của các bị hại, Trang không sử dụng vào việc cúng lễ mà dùng để trả nợ và tiêu xài cá nhân. Tính đến thời điểm hiện tại, tổng số tiền Trang chiếm đoạt của các bị hại lên đến hơn 28 tỷ đồng.

Trước đó, ngày 16/8/2024, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, lệnh tạm giam 2 tháng đối với Hồ Huy Quang (sinh năm 1975, Thôn Mai Lĩnh, xã Sơn Hàm, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” theo quy định tại khoản 1, Điều 174, Bộ luật Hình sự.

Theo tài liệu điều tra xác định, từ đầu tháng 1/2024 đến nay, do thiếu tiền tiêu xài cá nhân, Hồ Huy Quang nảy sinh ý định lừa đảo chiếm đoạt tài sản của người khác bằng hình thức xem bói toán, giải hạn, cúng bái. Bằng thủ đoạn sử dụng mạng xã hội Facebook đăng tải các thông tin có thể bói toán, giải hạn... và gắn số điện thoại lên tường bài viết.

Khi có người gọi liên hệ hỏi về bói toán, giải hạn, cúng thì Quang ra sức “chém gió” về khả năng “thần bí” của mình. Sau khi có được niềm tin của bị hại, Quang sử dụng tài khoản Zalo tên “Quang Huy” đăng ký bằng số điện thoại của mình kết bạn với tài khoản Zalo của bị hại để trao đổi và yêu cầu chuyển tiền làm lễ đến số tài khoản Ngân hàng Techcombank mang tên “Ho Huy Quang”.

Đồng thời, Quang đưa ra thông tin gian dối sau khi làm lễ xong bề trên sẽ chuyển lại tiền. Sau khi nhận được tiền, Quang không làm lễ xem bói toán, giải hạn, cúng bái cho bị hại mà sử dụng tiêu xài cá nhân hết. Bằng thủ đoạn này, Quang đã thực hiện hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người.

Về xử lý hành chính, theo điểm a, khoản 2, Điều 15, Nghị định 158/2013 xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực văn hóa, thể thao, du lịch và quảng cáo, quy định phạt tiền từ 3-5 triệu đồng đối với người nào có hành vi lợi dụng hoạt động lên đồng, xem bói, gọi hồn, xin xăm, xóc thẻ, yểm bùa, phù chú, truyền bá sấm trạng và các hình thức tương tự khác để trục lợi.

Ngoài bị phạt tiền thì người vi phạm còn bị áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả là buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được.

Ở mức độ nghiêm trọng hơn, người vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội hành nghề mê tín, dị đoan theo quy định tại Điều 320, Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.

Theo đó, người nào dùng bói toán, đồng bóng hoặc các hình thức mê tín, dị đoan khác đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ 10-100 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm.

antg.cand.com.vn

Đọc thêm

Hứa… không giữ lời hứa!

Hứa… không giữ lời hứa!

Lừa góp vốn đầu tư làm ăn rồi chiếm đoạt của một bị hại ở huyện Kỳ Anh (Hà Tĩnh) số tiền 1,6 tỷ đồng, nhưng bị cáo Nguyễn Đức Hứa (trú tỉnh Bình Dương) vẫn quanh co chối tội.
Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Đội quân tiên phong trên mặt trận pháp lý

Nhiệm kỳ qua, Hội Luật gia Hà Tĩnh đã phát huy trí tuệ, trách nhiệm trong việc tích cực tham gia xây dựng chính sách pháp luật; góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT-XH, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội tại địa phương.
“Phông bạt” để lừa đảo

“Phông bạt” để lừa đảo

Không có chức quyền trong xã hội nhưng Tô Thị Vĩnh vẫn “phông bạt”, tự tạo cho mình một vỏ bọc hoàn hảo để lừa đảo, kết cục là bị Tòa án nhân dân tỉnh Hà Tĩnh tuyên 18 năm tù giam.
Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Công bố Bộ pháp điển Việt Nam

Chiều tối 5/11, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Thành Long dự Hội nghị tổng kết nhiệm vụ hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật trong cả nước kỳ 2019 - 2023 và công bố Bộ pháp điển Việt Nam.
Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Thăm hỏi các gia đình nạn nhân tai nạn giao thông

Lãnh đạo Ban ATGT tỉnh và các địa phương chia sẻ với những mất mát của các gia đình nạn nhân TNGT ở Can Lộc, Đức Thọ, Vũ Quang, Hương Khê (Hà Tĩnh) và động viên họ sớm vượt qua nỗi đau.