Nhiếp ảnh gia Pháp và trăn trở về sự mai một nghề dệt trang phục truyền thống của người dân tộc thiểu số Việt Nam

(Baohatinh.vn) - Dành tình yêu cho những bộ trang phục truyền thống của người dân tộc thiểu số ở Việt Nam, càng đi nhiều, nhiếp ảnh gia người Pháp Réhahn Croquevielle càng lo lắng, trăn trở về sự mai một đáng báo động của nghề dệt loại trang phục này.

Em bé người dân tộc M’Nông trong bộ trang phục truyền thống bên cạnh chú voi ở Buôn Ma Thuột. (Ảnh: Réhahn)

Kể từ năm 2011 đến nay, Réhahn Croquevielle đã gặp gỡ, chụp hình 49 trên tổng số 54 dân tộc Việt Nam. “Tôi rất quan tâm đến văn hóa và truyền thống cổ xưa. Ở nhiều nơi, những giá trị văn hóa truyền thống đang dần mai một. Khoảng 10 trong số 49 dân tộc thiểu số Việt Nam mà tôi từng gặp gỡ nay không thể dệt trang phục truyền thống của chính họ, nhiều bản làng thậm chí không còn tìm đâu ra một bộ trang phục truyền thống”, Réhahn ngậm ngùi.

Nhiếp ảnh gia 39 tuổi kể, anh đã được lắng nghe tâm sự của những người lớn tuổi trong bản làng. Họ bày tỏ sự lo lắng khi những giá trị văn hóa truyền thống đang dần bị lãng quên. Réhahn cũng đã gặp những người trẻ không mấy quan tâm đến việc gìn giữ, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc mình. Họ biết sử dụng điện thoại, lướt Facebook từ rất sớm. “Cuộc sống tốt hơn đi kèm với sự đánh đổi, đó là xu thế toàn cầu hóa về văn hóa”, Réhahn nói.

Tay máy người Pháp cho biết anh hiện sinh sống tại Việt Nam và sẵn sàng đi khắp nơi để nghiên cứu về vấn đề này. Réhahn có thể ở lại các bản làng cả tuần, sinh sống cùng người dân bản địa và phỏng vấn trưởng làng.

Những dân tộc mà Réhahn đã có cơ hội gặp gỡ có những tín ngưỡng, phong tục, tập quán khác nhau. Anh lấy ví dụ như người M’Nông - một dân tộc thiểu số sống phân bố tại nhiều tỉnh ở vùng đất Tây Nguyên thuộc cao nguyên miền Trung Việt Nam. Người M’Nông sống gần gũi với thiên nhiên, từ xa xưa đã hình thành mối quan hệ tinh thần với rừng. Họ thuần dưỡng, huấn luyện voi rừng trở thành voi nhà để làm phương tiện vận chuyển, phục vụ sản xuất.

“Thật không may, những chú voi đang dần biến mất. Hiện, Việt Nam còn chưa đến 50 cá thể voi hoang dã, ít hơn nhiều so với con số 500 cá thể vào năm 1980”, Réhahn nói. “Chỉ những người sở hữu voi thì mới còn nhớ đến truyền thống này và giữ sự tương tác với những chú voi. Tôi đang cùng với một nhà dân tộc học Việt Nam viết một cuốn sách về chủ đề này”, anh nói thêm.

Nhiếp ảnh gia đang thực hiện dự án về các dân tộc ở Việt Nam cho hay: “Tôi đang chờ giấy phép để đi chụp ảnh những dân tộc còn lại bởi một số dân tộc sinh sống trong những vùng nhạy cảm, gần biên giới với Lào hoặc Trung Quốc. Có thể mất tối đa ba năm để được cấp phép”.

Réhahn bộc bạch cảm thấy may mắn khi tên tuổi của mình ở Việt Nam hiện đã được nhiều người biết đến hơn. Anh hy vọng điều này có thể giúp đỡ phần nào trong việc xin giấy phép. Nhiếp ảnh gia đặt mục tiêu chụp ít nhất 3 dân tộc thiểu số Việt Nam trong năm nay.

Chiêm ngưỡng những bức ảnh chụp người dân tộc thiểu số Việt Nam trong bộ trang phục truyền thống qua ống kính nhiếp ảnh gia Réhahn Croquevielle:

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

.

Ảnh: Réhahn

(Theo Daily Mail)

Chủ đề Ảnh đẹp

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói