Nhiều chiêu thức lừa đảo qua mạng nhắm đến chủ doanh nghiệp

(Baohatinh.vn) - Không chỉ nhắm vào người dân hạn chế về công nghệ thông tin, người trung niên ở khu vực nông thôn, các đối tượng còn lừa đảo nhiều chủ doanh nghiệp trên địa bàn Hà Tĩnh.

Giữa tháng 9/2023, anh P. - chủ doanh nghiệp kinh doanh điện máy tại thị trấn Hương Khê (huyện Hương Khê) nhận được cuộc gọi đặt mua bếp từ của một vị khách được giới thiệu là đang công tác trong lực lượng quân đội. Sau khi trò chuyện, vị khách kết bạn zalo và thông tin cần mua ngay chiếc bếp từ có giá 170 triệu đồng biếu sếp.

Nhiều chiêu thức lừa đảo qua mạng nhắm đến chủ doanh nghiệp

Tin nhắn của đối tượng lừa đảo nhắn tin đến anh P.

Khi biết anh P. không có mẫu hàng như mình cần, vị khách giới thiệu cho anh P. một nhà phân phối lớn đang có sẵn hàng và gợi ý chia đôi lợi nhuận nếu chốt đơn thành công. Vị khách đặc biệt liên tục gọi điện, nhắn tin anh P. đặt bếp từ cho mình và để tạo niềm tin, khách còn chụp lại màn hình đã chuyển 170 triệu đồng cho anh P. Tuy nhiên, nhận thấy những bất thường, anh P. đã ngừng liên lạc và không chuyển tiền cọc.

Anh P. chia sẻ: “Nếu tôi không tỉnh táo mà chuyển tiền cọc hàng cho đơn vị phân phối dù ít hay nhiều thì chắc chắn tôi sẽ bị mất tiền. Tôi đã liên hệ với đơn vị mà khách giới thiệu là nơi đang công tác thì không hề có ai tên như người đặt hàng của tôi”.

Mới đây, anh S. - chủ cửa hàng kinh doanh cây cảnh tại phường Thạch Quý (TP Hà Tĩnh) cũng bắt gặp một khách hàng đặt mua số lượng lớn cây cảnh. Sau khi chốt số lượng cây của cửa hàng, vị khách muốn mua thêm giường tầng với lý do tiện chuyến xe chở hàng và cung cấp liên hệ nhà phân phối giường tầng nhờ anh S. mua giúp. Để làm tin, người khách này chuyển phiếu thanh toán nhờ anh S. chuyển tiền cọc cho người bán giường tầng. Tuy nhiên, khi không nhận được tiền vào tài khoản, anh S. đã cảnh giác và không tiếp tục thực hiện giao dịch này.

Nhiều chiêu thức lừa đảo qua mạng nhắm đến chủ doanh nghiệp

Đối tượng lừa đảo nhắn tin liên lạc với anh S.

Anh S. cho biết: “Cách nói chuyện của đối tượng ra vẻ rất thật thà, kết nối zalo có ảnh đại diện rõ ràng; đối tượng cũng gửi bill thanh toán tiền rất chuyên nghiệp, vì vậy, nếu lơ là không để ý kỹ sẽ rất dễ bị lừa. May mắn tôi sớm nhận ra chiêu trò này và không bị sập bẫy. Sau khi tôi chia sẻ thông tin về việc mình bị lừa đảo bởi số điện thoại 0203710797, một người bạn cũng cho biết bị số điện thoại này gọi đến với chiêu thức tương tự để lừa mua cáp điện".

Trước đó, một số doanh nghiệp, hộ kinh doanh mới thành lập trên địa bàn Hà Tĩnh sau khi công khai thông tin trên cổng thông tin quốc gia cũng bị các đối tượng lừa đảo giả danh cán bộ Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh để chiếm đoạt tài sản. Với số điện thoại và các thông tin có sẵn của doanh nghiệp trên mạng, đối tượng lừa đảo gọi điện thoại đến doanh nghiệp và tự xưng là cán bộ Cục Thuế tỉnh Hà Tĩnh, yêu cầu doanh nghiệp lên trình diện kê khai thuế hoặc yêu cầu doanh nghiệp tham dự lớp tập huấn, mua tài liệu liên quan, nếu không cơ sở sẽ bị thu hồi giấy phép kinh doanh...

Nhiều chiêu thức lừa đảo qua mạng nhắm đến chủ doanh nghiệp

Một công ty phân phối hàng tiêu dùng bia Heineken trên địa bàn Hà Tĩnh từng bị đối tượng giả danh cán bộ Cục Thuế tỉnh lừa đảo.

Những chiêu thức của các đối tượng đều bị lật tẩy, tuy nhiên, theo lực lượng chức năng, việc đấu tranh với tội phạm này gặp rất nhiều khó khăn do tính ẩn danh và phương thức hoạt động phi truyền thống.

Thiếu tá Trần Anh Đức - Phó trưởng Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Công an tỉnh Hà Tĩnh) cho biết: “Tội phạm lừa đảo trên không gian mạng đã gia tăng cả về số vụ, quy mô, đa dạng phương thức, thủ đoạn. Vì vậy, mỗi người dân nói chung, chủ doanh nghiệp nói riêng cần chủ động nâng cao cảnh giác, tự trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về loại tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng xã hội bằng cách thường xuyên theo dõi, cập nhật các thủ đoạn phạm tội, các vụ việc đã điều tra làm rõ mà cơ quan chức năng phổ biến, tuyên truyền để tránh “sập bẫy” đối tượng lừa đảo.

Bên cạnh đó, để phòng tránh bị lừa bởi các hóa đơn chuyển tiền giả, chủ doanh nghiệp cần chú ý kỹ biên lai chuyển khoản, chỉ khi tiền đã vào tài khoản của mình mới tiếp tục các giao dịch khác. Nếu không may đã bị lừa đảo, người bị hại cần sớm trình báo cơ quan công an để có biện pháp xử lý”.

Ông Phạm Văn Báu - Chánh Thanh tra Sở TT&TT cho biết: “Với vai trò, chức năng của mình, hiện nay, Sở TT&TT đang tích cực đẩy mạnh tuyên truyền và phối hợp với các cơ quan truyền thông tăng cường đăng tải thông tin cảnh báo các thủ đoạn lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên mạng Internet trên các phương tiện thông tin đại chúng để người dân, doanh nghiệp dễ nhận diện và tránh bị lừa đảo. Người dân, doanh nghiệp khi không may gặp phải các chiêu trò lừa đảo cần chia sẻ thông tin rộng rãi hoặc thông tin đến cơ quan chức năng để kịp thời nhận diện các chiêu trò mới, từ đó tiếp tục tuyên truyền phòng tránh”.

Chủ đề Phòng chống tội phạm

Đọc thêm

Những đồng tiền tội lỗi

Những đồng tiền tội lỗi

Mờ mắt trước khoản tiền công lớn từ vận chuyển thuê ma túy, bị cáo Xeng và Sisavanh Yongyaerlor (Lào) đã tự khép lại cuộc đời bằng bản án tử hình do TAND tỉnh Hà Tĩnh tuyên phạt.
Giá đắt của sự hơn thua với vợ

Giá đắt của sự hơn thua với vợ

Cho rằng chuyện vợ bán nghé không thông báo là thiếu tôn trọng chồng con, bị cáo Mai Văn Hà (Hương Khê, Hà Tĩnh) đã nhẫn tâm xuống tay, tước đoạt mạng sống của người từng “đầu ấp tay gối”.
Cảnh giác với "bà hỏa" trong mùa hanh khô

Cảnh giác với "bà hỏa" trong mùa hanh khô

Để phòng ngừa tình trạng cháy nổ vào mùa hanh khô, Công an Hà Tĩnh đã tiếp tục đưa ra khuyến cáo để các tổ chức, doanh nghiệp và người dân nâng cao ý thức cảnh giác với "bà hoả".
Công an Hà Tĩnh cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Công an Hà Tĩnh cảnh báo thủ đoạn lừa đảo mới

Công an Hà Tĩnh cho hay, thời gian qua, một số người dân, doanh nghiệp trên địa bàn sau khi thực hiện đăng ký kinh doanh trên nền tảng dịch vụ công trực tuyến đã nhận được cuộc gọi lừa đảo của các đối tượng.