Trong một bài phỏng vấn đầu tháng 10 trên trang tin thể thao soccer-king của Nhật Bản, ông Kei Koyama - Quan chức phòng Quan hệ quốc tế J.League, nhìn nhận: "Quang Hải chưa thể sang Nhật Bản cho dù nhiều đội bóng ở đây sẵn sàng chiêu mộ cậu ấy".
“Nhiều đội bóng ở Đông Nam Á vận hành dựa vào tài chính của các ông chủ. Họ đứng trước câu hỏi là”Vì sao chúng tôi phải để cầu thủ thương hiệu của mình ra đi?“. Thái Lan đã thay đổi tư duy này và gửi những ngôi sao của họ sang Nhật để phát triển bóng đá của họ”, ông Kei nhấn mạnh.
|
Ông Kei Koyama đón Công Phượng ở sân bay Nhật Bản khi anh sang thi đấu cho Mito Hollyhock. Ảnh: J.League. |
Tác giả đã so sánh Chanathip Songkrasin và Quang Hải khi đưa ra vấn đề giữa Thái Lan và Việt Nam. Theo ông Kei, Thai League là thị trường loại 1, V.League là thị trường loại 2 vì có tiềm năng phát triển. Năm 2019, ông đã dẫn một đoàn lãnh đạo đội bóng J.League đến Hà Nội theo dõi trận đấu vòng loại World Cup thứ hai 2020 giữa Việt Nam với Malaysia.
“Chúng tôi rất muốn đưa các cầu thủ Việt Nam qua Nhật Bản thi đấu. Trình độ các cầu thủ Việt Nam gần bằng Thái Lan. Chúng tôi đã đưa 15 đại diện các đội J.League sang Việt Nam vào tháng 10/2019 để họ cảm nhận niềm đam mê bóng đá của người dân Việt Nam như thế nào và hướng họ đến thị trường Đông Nam Á”, đại diện J.League tiếp tục.
Ông Kei từng đến Pleiku 2016 khi CLB J.League 2 Yokohama FC đến HAGL tập huấn. Khi đó, tiền vệ Nguyễn Tuấn Anh được chuyển nhượng cho CLB này với bản hợp đồng cho mượn. Tiền đạo Nguyễn Công Phượng thì chơi cho Mito Hollyhock cùng thời điểm đó. Tuy nhiên, chuyến hành trình của hai cầu thủ HAGL ở giải hạng Nhì Nhật Bản được đánh giá là không thành công.
Thái Lan đang có 4 cầu thủ chơi bóng ở J.League 1 là Chanathip Songkrasin và thủ môn Kawin Thamsatchanan (Consadole Sapporo), Theerathon Bunmathan (Yokohama F. Marinos), Teerasil Dangda (Shimizu S-Pulse). Ba trong số này đều thường xuyên ra sân thi đấu, thậm chí đóng vai trò chủ chốt trong chiến thuật đội bóng mà họ đầu quân.
Quang Hải không thể sang Nhật Bản thi đấu dù nhiều CLB J.League quan tâm đến cầu thủ này. Ảnh: Quang Thịnh. |
"Tôi nghĩ điều quan trọng là các cầu thủ cần có tư duy "phải thành công ở Nhật Bản" như Chanatip suy nghĩ. Sự thành công của các cầu thủ Thái Lan cho thấy chúng tôi đã đúng và thực hiện chiến dịch này không một chút lỗi lầm. Tuy nhiên, thành công ở Thái Lan không phải là mục tiêu duy nhất. Không dễ để chuyển nhượng một cầu thủ, tuy nhiên nếu họ có vai trò quan trọng ở trong đội bóng thì sự quan tâm của CĐV đến J.League sẽ tăng lên", vị này trả lời soccer-king.
Một thống kê cho thấy mức độ quan tâm của người dân Thái Lan lên J League đã tăng từ 19% năm 2013 lên đến 49% trong năm 2019. Con số này được dự đoán tăng lên khi ngày càng nhiều cầu thủ Thái Lan sang Nhật Bản, trong đó có nhiều cầu thủ trẻ chơi ở các đội U23 của các CLB. Ngược lại, sau khi Công Phượng và Tuấn Anh hết hợp đồng năm 2017, không một cầu thủ Việt Nam nào đến Nhật thi đấu nữa.
Theo tìm hiểu của Zing, Huỳnh Công Đến và Martin Lo là hai cầu thủ mới nhất sang Nhật Bản thử việc vào tháng 12/2019. Tuy nhiên, vì nhiều lý do mà cả hai chuyến đi chưa đạt được kết quả như mong muốn.