Nhiều nông dân Ấn Độ không biết thông tin lệnh phong tỏa đã được nới lỏng

(Baohatinh.vn) - Nông nghiệp, một số ngành sản xuất và xây dựng đã được phép hoạt động trở lại tại Ấn Độ vào ngày 20/4 dù đến ngày 3/5 lệnh phong tỏa toàn quốc mới hết hiệu lực. Tuy vậy, nhiều lao động nông thôn ở Ấn Độ không biết rằng họ đã được quay trở lại đồng ruộng làm việc.

Nhiều nông dân Ấn Độ không biết thông tin lệnh phong tỏa đã được nới lỏng

Hoạt động sản xuất được phép khôi phục tại các vùng nông thôn, ngoại thành ở Ấn Độ từ ngày 20/4. (Ảnh: Reuters)

Theo hãng tin Reuters, 1,3 tỷ người dân Ấn Độ sẽ tiếp tục sống dưới lệnh phong tỏa nghiêm ngặt tới 3/5, nhưng chính phủ tuyên bố các trang trại và nhà máy ở vùng sâu vùng xa, những nơi chịu ít ảnh hưởng của dịch Covid-19, được phép khôi phục lại sản xuất từ hôm 20/4.

Trước đó, việc kéo dài lệnh phong tỏa toàn quốc thêm 21 ngày, trong đó đóng cửa các các ngành công nghiệp và nông nghiệp, đã khiến hàng triệu người nghèo Ấn Độ lâm vào cảnh khó khăn.

“Chúng tôi không biết về lệnh phong tỏa đã được dỡ bỏ một phần”, anh Mukesh Sahani – một công nhân làm thuê trong nông trường ở bang miền bắc Uttar Pradesh, nói. Sahani cho hay nhiều tuần qua gia đình anh không có thu nhập nên bây giờ “chỉ đủ ăn và sống qua ngày”.

“Năm nay, chúng tôi chịu tổn thất nhiều nhất. Bố mẹ tôi và tôi chỉ làm thuê 2 ngày trong tháng này, kiếm được 400 rupee (5 USD). Trong khi những năm khác chúng tôi làm thuê từ 15 - 20 ngày một tháng ở các nông trại khác nhau”, Sahani cho biết.

Tháng 4 thường là tháng có nhu cầu nhân công làm thuê trong nông trường nhiều nhất ở Ấn Độ do bước vào vụ thu hoạch, tuy nhiên kể từ khi lệnh phong tỏa chính thức có hiệu lực từ nửa đêm ngày 24/3 và đến nay đã bước sang tuần thứ 4, nhiều vùng nông thôn ở quốc gia Nam Á này bị đẩy vào tình trạng bế tắc, vụ thu hoạch cũng bị ảnh hưởng.

Hiện chưa rõ chính xác có bao nhiêu trong số hàng triệu lao động trong ngành nông nghiệp ở Ấn Độ không biết về chính sách nới phong tỏa. Trong lúc này, các công đoàn nông nghiệp đang tìm cách truyền bá thông tin về vùng nông thôn.

Seema Kulkarni, chuyên gia của Mahila Kisan Adhikar Manch – một mạng lưới nhóm hoạt động xã hội và lao động nữ vùng nông thôn, đã gửi tin nhắn đến các thành viên trong tuần này. Kulkarni cho hay họ đều “háo hức” khi biết tin có thể quay lại nông trường làm việc.

Theo số liệu thống kê chính thức, gần 70% dân số Ấn Độ sống ở khu vực nông thôn, nơi có hơn một nửa nam giới và gần 70% phụ nữ làm nghề nông.

Các video do nông dân chia sẻ trên mạng xã hội gần đây cho thấy những cánh đồng bắp cải, ớt, cà chua, nho tươi tốt đang chờ thu hoạch hoặc bị bỏ đi vì nông dân không thể bán đi.

“Những người buôn nông sản không thể đến vườn nhà tôi năm nay để thu mua rồi đem bán ở chợ được nữa”, Kannaiyam Subramanium, nông dân chia sẻ video vườn bắp cải bội thu trên mạng xã hội Twitter, nói. “Có rất nhiều nông dân không thể thuê nhân công thu hoạch. Rau củ không thể chờ dỡ bỏ phong tỏa mới chín được”, ông bày tỏ.

Với một số lao động làm thuê, nới lỏng phong tỏa khiến cuộc sống của họ dễ chịu hơn. Pawan Laluram (20 tuổi), đến nhà chủ lao động để nhận tiền lương là hai bao lúa mỳ.

“Tháng trước tôi đến mà không mang lúa mỳ về được vì chính quyền tuyên bố lệnh phong tỏa, tôi buộc phải đi bộ gần 65km về nhà”, Laluram nói và cho biết thêm: “Trong làng không có việc, trong nhà không có lương thực. Chỗ lúa mỳ này có thể giúp chúng tôi sống qua vài tháng”.

(Theo Reuters)

Chủ đề Phòng chống dịch Covid-19

Đọc thêm

Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Hiểm họa từ việc AI rơi vào tay khủng bố

Suốt nhiều năm qua, các cơ quan chống khủng bố ví việc theo sát các tổ chức khủng bố trên không gian số và mạng xã hội như một trò “đuổi bắt bất tận” – xử lý xong chỗ này thì chỗ khác lại nổi lên. Vấn đề này ngày càng rối rắm do sự xuất hiện của trí tuệ nhân tạo (AI).
Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Thuế quan của Mỹ: Lợi ích ngắn hạn, thiệt hại lâu dài

Trước thời điểm ngày 1/8 - mốc áp thuế mới mà Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra - nhiều quốc gia châu Á và Liên minh châu Âu (EU) đang gấp rút đàm phán với Mỹ nhằm tránh các mức thuế quan cao kỷ lục có thể “giáng đòn” mạnh vào xuất khẩu và chuỗi cung ứng toàn cầu.
Hezbollah tuyên bố không giải giáp

Hezbollah tuyên bố không giải giáp

Theo phóng viên TTXVN tại Trung Đông, ngày 5/7, Tổng thư ký nhóm vũ trang Hezbollah Sheikh Naim Qassem đã bác bỏ lời kêu gọi của Chính phủ Liban về việc giải trừ vũ khí, đồng thời ông cũng kêu gọi Israel rút khỏi lãnh thổ nước này.