Nhiều rủi ro khi tự ý mua thuốc trị COVID-19 trôi nổi trên mạng

Lợi dụng tâm lý lo lắng của người dân về tình hình dịch bệnh, rất nhiều cá nhân trong các hội nhóm về thuốc trên mạng đã công khai chào mời việc mua bán thuốc trị COVID-19 không rõ ràng về nguồn gốc xuất xứ, với giá cả liên tục “nhảy múa”...

Mua bán nhộn nhịp

Khi tình hình dịch bệnh ngày càng diễn biến phức tạp như hiện nay, với tâm lý lo lắng, rất nhiều người dân đã lên mạng “săn lùng” mua thuốc trị COVID-19 để phòng sẵn khi cần.

Trong vai một người dân có nhu cầu tìm mua thuốc trị COVID-19, PV đã thâm nhập vào các hội, nhóm kín về thuốc, với hàng chục nghìn thành viên để thăm dò, khảo sát thị trường. Không mất quá nhiều thời gian, chúng tôi đã tìm thấy những thứ mình cần.

Từ một bài viết đăng tải trên nhóm “Chợ thuốc Hapulico online”, chúng tôi liên hệ với một người đàn ông có tên Facebook N.H.N. Người này tự giới thiệu đang có thuốc phòng, trị COVID-19 xuất xứ từ Nga. Thuốc có tên Arbidol màu đỏ 200mg, dạng hộp 10 viên, một thùng lên tới 120 hộp. Giá sỉ 320 ngàn đồng, còn bán lẻ là 400 ngàn đồng/hộp.

Khi được hỏi về mức độ hiệu quả của loại thuốc kể trên, người đàn ông này khẳng định là hàng tốt. Nếu không đặt hàng sớm, rất có thể sẽ “cháy hàng”. Ngoài ra người này còn cho biết, muốn hiểu sâu hơn về công dụng của thuốc Arbidol, người mua có thể lên kênh Youtobe để xem review (giới thiệu sản phẩm). Việc mua bán cũng rất thuận tiện nhanh chóng, khi người có nhu cầu chỉ cần cung cấp tên tuổi, địa chỉ và số điện thoại, bên cung ứng sẽ cho người ship hàng tới tận nhà. Khi người mua nhận hàng mới cần phải thanh toán tiền. Bên cạnh đó, chủ nhân Facebook trên tiết lộ, thuốc này là hàng xách tay chứ không thể nhập chính ngạch.

Nhiều rủi ro khi tự ý mua thuốc trị COVID-19 trôi nổi trên mạng

PV được người bán hàng trên mạng hướng dẫn cách sử dụng thuốc trị COVID-19 mang tên Molcovir cho trường hợp F0 tại nhà.

Trong khi đó, một cô gái trẻ tự giới thiệu tới từ kho 512 chợ thuốc Hapulico Thanh Xuân (Hà Nội) cho biết, họ đang có thuốc trị COVID-19 mang tên Molcovir với giá lên tới 4,8 triệu đồng cho 1 hộp 100 viên nang.

Người này còn hướng dẫn PV cách sử dụng loại thuốc trên cho F0 đang điều trị tại nhà: 2 ngày đầu uống 8 viên/lần, 2 lần/1 ngày sau ăn. Các ngày tiếp theo uống 3 viên/lần, 2 lần/ngày sau ăn. Đợt điều trị kéo dài từ 7- 14 ngày. Thuốc có xuất xứ từ Ấn Độ và được nhập khẩu 100%. Để lấy thêm niềm tin từ người mua, tài khoản Facebook trên còn dẫn ra câu chuyện, cô có người bạn cùng phòng đang là F0, dùng thuốc trên sau 3 ngày, triệu chứng đã dần thuyên giảm.

Đừng để tiền mất, tật mang

Liên quan tới vấn đề trên, trao đổi với PV, BSCKII Nguyễn Thành Huy, Trưởng khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn, Bệnh viện Trung ương Huế cho rằng, người dân không nên tự ý mua thuốc trị COVID-19 trôi nổi trên mạng. Trên thực tế, việc điều trị F0 tại nhà đã được Bộ Y tế ban hành những hướng dẫn hết sức cụ thể, chi tiết. Các phác đồ điều trị này cũng đã được chuyển xuống hệ thống cơ sở y tế địa phương để tuyên truyền kiến thức tới người dân.

Việc người dân tự ý mua thuốc trị COVID-19 trên mạng vừa sai về mặt pháp lý (khi thuốc không được cơ quan có thẩm quyền cấp phép lưu hành ), quan trọng hơn là rủi ro rất lớn về mặt sức khỏe, thậm chí là nguy hại tới tính mạng.

Để ngăn chặn thực trạng trên, thiết nghĩ các cơ quan truyền thông cần làm tốt hơn nữa việc tuyên truyền kiến thức tới người dân. Ngoài ra, hệ thống cơ sở y tế địa phương phải tự nâng cao chất lượng, nhằm đảm bảo việc theo dõi, điều trị F0 tại nhà một cách an toàn, hiệu quả. Quan trọng hơn, cần sự vào cuộc quyết liệt của nhiều cơ quan, ban ngành trong việc kiểm soát, điều tra, xác minh những đầu mối buôn bán thuốc trị COVID-19 trên mạng để có những hình thức xử lý cứng rắn, theo đúng quy định pháp luật.

Mới đây, Theo Quyết định 5666/QĐ-BYT của Bộ Y tế về việc sửa đổi, bổ sung một số điểm của hướng dẫn chẩn đoán và điều trị COVID-19 , trong nước hiện có 3 thuốc kháng virus dùng điều trị người bệnh COVID-19 là Remdesivir, Favipiravir và Molnupiravir.

Bộ Y tế nêu rõ, nguyên tắc điều trị đối với thuốc kháng virus là: Đối với thuốc chưa được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo sử dụng, chưa được cấp phép lưu hành, chưa được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại bất kỳ nước nào trên thế giới: việc sử dụng phải tuân thủ các quy định về thử nghiệm lâm sàng của Bộ Y tế.

Đối với thuốc đã được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo sử dụng hoặc được cấp phép lưu hành, hoặc được cấp phép sử dụng khẩn cấp tại ít nhất 1 nước trên thế giới thì có thể được chỉ định điều trị theo diễn biến bệnh lý của người bệnh (ví dụ: thuốc Remdesivir, Favipiravir,...).

Tại quyết định này, Bộ Y tế sửa đổi, bổ sung một số nội dung về chỉ định, chống chỉ định, liều dùng, trong đó lưu ý đối với 3 loại thuốc kháng virus trong điều trị COVID-19.

Đối với thuốc kháng virus Favipiravir 200 mg được dùng cho bệnh nhân COVID-19 mức độ nhẹ và trung bình (trước đó theo quy định ban hành ngày 6-10, thuốc này chỉ dùng cho bệnh nhân mức độ nhẹ). Thời gian điều trị thuốc Favipiravir 200 mg giảm xuống còn 5-7 ngày (thay vì 7-14 ngày như quy định trước đó).

Đối với thuốc Remdesivir, thời gian điều trị cho người bệnh COVID-19 là từ 5-7 ngày (trước đây thời gian điều trị đối với thuốc này là 5 ngày).

Đối với thuốc kháng virus Molnupiravir, chỉ định, chống chỉ định và liều dùng áp dụng theo thuyết minh đề cương thử nghiệm lâm sàng đã được phê duyệt.

Theo Bộ Y tế, trong thời gian qua thuốc kháng virus Molnupiravir đã được Bộ phân bổ đến các địa phương thực hiện thí điểm có kiểm soát chương trình thí điểm quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng với gần 250.000 liều được sử dụng. Hiện đã có 42 tỉnh, thành phố đưa thuốc kháng virus Molnupiravir vào điều trị thí điểm có kiểm soát chương trình quản lý, chăm sóc F0 không triệu chứng tại nhà và cộng đồng.

Ngoài ra, Bộ Y tế đã phân bổ cho một số tỉnh, thành phố 2.000 liều thuốc kháng thể kép vào điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng. Các cơ sở y tế sẽ đưa vào sử dụng sớm nhất cho người bệnh nhằm nâng cao chất lượng điều trị, giảm tỷ lệ tử vong.

Như vậy, có thể thấy, 2 loại thuốc trị COVID-19 được PV khảo sát, trên thực tế chưa được Bộ Y tế cấp phép sử dụng, nhưng vẫn mua bán không kiểm soát, dẫn đến tình trạng loạn giá và gây hoang mang cho người dân.

Trước tình trạng mua bán thuốc điều trị COVID-19 đang thử nghiệm lâm sàng, thuốc chưa được cấp phép lưu hành tại Việt Nam, Cục Quản lý Dược (Bộ Y tế) khẳng định, việc mua, bán, sử dụng các thuốc không được phép lưu hành trên thị trường là vi phạm nghiêm trọng quy định của Luật dược và tiềm ẩn nguy cơ ảnh hưởng xấu đến sức khỏe người dân, giảm hiệu quả phòng chống dịch, nguy cơ thuốc giả, thuốc nhập lậu.

Trước đó, Cục Quản lý Dược đã đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh, thông tin, quảng cáo các thuốc dùng trong phòng, chống COVID-19.

Các trường hợp vi phạm cần được xử lý nghiêm. Khi phát hiện hành vi vi phạm có dấu hiệu hình sự, các đơn vị phải kịp thời lập hồ sơ chuyển cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.

TS. Luật sư Đặng Văn Cường - Trưởng văn phòng Luật sư Chính pháp (Đoàn Luật sư TP Hà Nội) cho rằng, đối với các trường hợp bán các loại thuốc chưa được phép lưu hành tại Việt Nam thì người vi phạm có thể bị xử lý về hành vi buôn bán hàng là giả, lừa dối người tiêu dùng hoặc hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Nếu chiếm đoạt số tiền từ 2.000.000 đồng trở lên thì có thể bị xử lý hình sự. Trường hợp những người có chức vụ quyền hạn đã lợi dụng chức vụ quyền hạn của mình để tuồn thuốc đang trong giai đoạn thử nghiệm hoặc những thuốc điều trị miễn phí ra bên ngoài để bán kiếm lời thì đây là hành vi tham ô tài sản, lợi dụng chức vụ quyền hạn chiếm đoạt tài sản đến mức có thể xử lý hình sự.

Đối với các hành vi nhập khẩu trái phép thuốc chữa bệnh, vận chuyển trái phép thuốc chữa bệnh qua biên giới thì đây là hành vi buôn lậu, buôn lậu thuốc chữa bệnh là hành vi rất nguy hiểm cho xã hội. Bởi vậy, trường hợp phát hiện ra hành vi này thì cơ quan chức năng sẽ làm rõ để xử lý về tội buôn lậu theo quy định tại Điều 188 Bộ Luật Hình sự.

Đối với thuốc chữa bệnh không được cấp phép, giả mạo nhãn mác của các loại thuốc khác thì có thể xử lý hình sự về tội sản xuất buôn bán hàng giả là thuốc chữa bệnh theo quy định tại Điều 194 Bộ luật Hình sự.

Trong khi đó, chuyên gia pháp lý Nguyễn Gia Hải cho rằng, trường hợp người mua thuốc điều trị COVID - 19 về sử dụng, dù là thuốc thật nhưng do người mua không đủ điều kiện sử dụng, không được người có chuyên môn hướng dẫn sử dụng, sử dụng không đúng liều lượng hay vì lý do nào khác mà xảy ra hậu quả chết người, tổn hại sức khỏe với tỷ lệ tổn thương từ 61% trở lên, gây thiệt hại về tài sản từ 100.000.000 đồng trở lên thì bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “Vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác” theo Điều 315 Bộ luật Hình sự, bị phạt tù từ 1 đến 15 năm.

Theo Chi Lê (SK&ĐS)

Đọc thêm

Hà Tĩnh đón gió mùa Đông Bắc

Hà Tĩnh đón gió mùa Đông Bắc

Do ảnh hưởng của bộ phận không khí lạnh, từ ngày mai (17/11), Hà Tĩnh khả năng có gió Đông Bắc mạnh cấp 3, cấp 4; nhiệt độ thấp nhất 20 độ C.
Áp thấp tan dần, bão USAGI có gió giật cấp 15

Áp thấp tan dần, bão USAGI có gió giật cấp 15

Theo Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh, hồi 7 giờ sáng nay, vị trí tâm bão USAGI ở trên vùng biển phía Bắc đảo Lu Dông (Philippin); sức gió mạnh nhất vùng gần tâm bão mạnh cấp 12 (117-133km/h), giật cấp 15
Bệnh tuyến giáp ở nam giới có nguy hiểm?

Bệnh tuyến giáp ở nam giới có nguy hiểm?

Thông thường các bệnh về tuyến giáp phổ biến hơn ở nữ giới. Nguyên nhân là do sự khác biệt về cấu tạo và chức năng sinh lý khiến tỷ lệ mắc bệnh tuyến giáp ở nữ cao hơn nam giới. Vậy, ở nam giới thường mắc các bệnh tuyến giáp như nào?
Tin nhanh diễn biến cơn bão số 8

Tin nhanh diễn biến cơn bão số 8

Đài Khí tượng thủy văn Hà Tĩnh cho biết, vùng biển phía Bắc khu vực Bắc Biển Đông gió mạnh cấp 6-7, vùng gần tâm bão đi qua cấp 8-9, giật cấp 11, sóng biển cao 2,0-4,0m.