Nhớ mãi một buổi chiều tháng bảy…

(Baohatinh.vn) - Tháng 7 hằng năm đã trở thành những ngày hẹn trở về của hàng ngàn người tại Ngã ba Đồng Lộc (Can Lộc, Hà Tĩnh), nơi 10 cô gái TNXP và hàng trăm người con thân yêu đã ngã xuống, nơi tinh thần yêu nước của những người con trai, con gái lứa tuổi 20 đã làm nên khúc tráng ca bất tử.

e5.jpg
Người dân về dâng hương tại khu mộ 10 nữ liệt sỹ TNXP Ngã ba Đồng Lộc trong chiều 24/7/2024.

Hôm nay ở Đồng Lộc có rất nhiều màu áo của các đoàn khách từ mọi miền đất nước và Hà Tĩnh: màu xanh non của các chiến sĩ công an, màu xanh dương tình nguyện của ĐVTN, rồi màu đỏ, màu trắng, màu vàng đồng phục của rất nhiều đoàn…

Nhưng với tôi, thân thương nhất vẫn là màu xanh thẫm của các cựu thanh niên xung phong (TNXP) - những người từng đối mặt với cái chết để bảo vệ các cung đường trọng điểm. Mái tóc bạc phơ, gương mặt hằn nếp nhăn thời gian, bước chân đã có phần khó nhọc, các đoàn cựu TNXP từ Nghệ An và các miền quê Hà Tĩnh hẹn nhau về đây khiến tôi rưng rưng xúc động.

Như thường lệ hằng năm, từ sáng sớm 24/7, ông Thanh Bính (nhà thơ Yến Thanh) từ Vinh vào Đồng Lộc. Vừa điều trị ở bệnh viện về, bước chân ông đã chậm hơn, giọng nói yếu hơn nhưng ngày giỗ 10 cô gái TNXP Tiểu đội 4 C552, ông không thể vắng mặt.

Hôm nay, ông Yến Thanh được gặp ông Nguyễn Xuân Đường (SN 1949), hiện sống tại xóm 4, xã Phú Phong (Hương Khê), là cựu TNXP Tiểu đội 8, C552.

h3.jpg
Ông Nguyễn Xuân Đường (người ngồi giữa) tâm sự cùng các đồng đội trong ngày gặp mặt ở Ngã ba Đồng Lộc.

Ông Đường gia nhập lực lượng TNXP vào năm 1969, lúc 10 cô đã hy sinh gần 1 năm nhưng những bài thơ của Yến Thanh về 10 cô, về những chàng trai cô gái lứa tuổi 20 chiến đấu trên cung đường trọng điểm được đồng đội truyền lại giúp ông thuộc lòng. Hôm nay, sau 55 năm, ông mới được biết tác giả là người ngồi cạnh ông ngay giữa lòng ngã ba trọng điểm năm nào. Cả hai người say sưa đọc và điều bất ngờ là có lúc chính tác giả cũng quên mất một vài câu mà mình sáng tác, được chính độc giả yêu thơ nhắc lại. Có lúc ông Đường còn “cãi” tác giả và sau một hồi nhớ ra, Yến Thanh cùng đồng đội phải gật gù cảm phục trí nhớ của ông:

Một tuyến đường gần nối những chiến trường xa

Một ngã ba đường ấm giữa lòng ta

Bom đạn Mỹ xăm dày như nức mẹt (*)

Vẫn ấm những bàn chân đạp lên cái chết

Xây hòa bình trên những hố bom sâu

h1.jpg
Nhà thơ Yến Thanh (thứ 2 từ phải sang) và ông Nguyễn Xuân Đường chụp ảnh lưu niệm cùng các đồng đội (24/7/2024).

Cách khu khu mộ 10 cô chỉ vài chục bước chân, những cựu TNXP cũng đang cất giọng đọc những dòng thơ viết về sự ra đi của đồng đội mình, với tất cả nhớ thương, đau xót, cảm phục, tự hào:

Ôi con mương xanh, ơi dãy núi cao

Hãy nhớ mãi một buổi chiều tháng bảy

Bom đạn Mỹ giết chết 10 cô gái

Trên ngã ba lịch sử đỏ màu son

Tưởng được sống bên em những ngày sôi nổi

Xe đá Cào Cào, lát ngầm Cầu Tối

Xe em đi trăng đứng đợi chân đèo

Xe em về, trăng lại lẻn về theo

Đây cũng là những câu thơ mà tôi đã được bà Lê Thị Nhị, “cô gái Thạch Kim, Thạch Nhọn” trong bài thơ “Gửi em cô thanh niên xung phong” của nhà thơ Phạm Tiến Duật đọc cho nghe cách đây mấy năm. Và không chỉ bà Nhị, rất nhiều người đã nhớ, đã thuộc, như họ chưa bao giờ từng quên sự hy sinh oanh liệt của đồng đội trong một ngày tháng bảy: ngày 24/7/1968 cũng như những tháng ngày sôi nổi của họ ở Ngã ba Đồng Lộc.

h4.jpg
Các cựu TNXP ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An) chụp ảnh lưu niệm tại Ngã ba Đồng Lộc (24/7/2024).

Gặp lại các đồng đội cũ, các cựu TNXP Đại đội 552, tay bắt mặt mừng. Họ cùng nhau đọc những vần thơ một thời đã trở thành sức mạnh nơi ngã ba trọng điểm. Màu áo xanh của họ hòa vào nhau, tô thắm thêm màu xanh của đất đai Đồng Lộc, trở thành niềm tự hào thiêng liêng, niềm tin mãnh liệt.

Ngày hẹn năm nay của các cựu TNXP Đại đội 552, Tổng đội TNXP 55 chiến đấu ở Ngã ba Đồng Lộc đã thưa vắng nhiều gương mặt. Anh Nguyễn Thế Linh, C trưởng đã mất mấy năm trước, các anh chị còn lại, người thì tuổi cao sức yếu, bệnh tật, người thì ở với cháu con nơi xa, có những người hoàn toàn mất liên lạc. Hôm nay về giỗ đồng đội, ngoài ông Yến Thanh và ông Đường, có bà Diệu Lan, bà Lê Thị Hồng, bà Nguyễn Thị Bé (TP Vinh, Nghệ An); Nguyễn Thị Xuân, Nguyễn Thị Hường, Nguyễn Thị Hợi (Hà Tĩnh); một số cựu TNXP Tổng đội 53 (Hà Tĩnh) cựu TNXP Thạch Kim (Lộc Hà) cựu TNXP ở huyện Nghĩa Đàn (Nghệ An)... Dù chiến đấu nơi đâu, thời điểm nào, họ đều tìm về Đồng Lộc để tưởng nhớ các đồng đội đã ngã xuống và cũng là để ôn lại những năm tháng tuổi trẻ chiến đấu hy sinh quên mình, vì Tổ quốc thân yêu.

Bà Lê Thị Hồng, một trong 2 người của Tiểu đội 4 - C552, còn sống sót (do bà được phân công đi lấy gỗ ở Quảng Bình và một người còn lại bị ốm ở nhà) bùi ngùi: “Mỗi lần về Đồng Lộc là lại thương nhớ các bạn không sao cầm được nước mắt. Sau khi các bạn mất, tôi được giao gói ghém tư trang của các bạn gửi về cho gia đình, vừa làm vừa khóc, đến giờ vẫn không quên được. Mong sao còn khỏe mạnh để mỗi năm đến ngày này lại về đây, thắp hương cho các bạn và các liệt sỹ đã hy sinh tại đây.”

h6.jpg
Trung tá Trần Đình Trọng chụp ảnh lưu niệm với người hàng xóm cũ - nhà thơ Yến Thanh, bên khu mộ 10 nữ liệt sỹ TNXP Ngã ba Đồng Lộc.

Hôm nay ở Đồng Lộc, rất nhiều đoàn xe nối đuôi nhau về, mang theo những tấm lòng tri ân của những người con đất Việt, đặc biệt là lớp trẻ. Trung tá Trần Đình Trọng - Đội trưởng Đội cảnh sát hình sự (Công an huyện Can Lộc) rất vui mừng vì gặp lại người hàng xóm cũ của mình, cựu TNXP, nhà thơ Yến Thanh. Bên khu mộ 10 cô, anh cùng đồng đội mình chụp chung bức ảnh kỷ niệm với nhà thơ.

Trung tá Trần Đình Trọng bày tỏ: “Hằng năm, tôi cùng các đồng đội lại về đây để tưởng nhớ và tri ân các anh hùng liệt sỹ đã ngã xuống cho đất nước được hòa bình, tự do. Tôi rất xúc động trước sự hy sinh của 10 liệt nữ TNXP. Các chị luôn sống mãi trong lòng Nhân dân Việt Nam”.

h2.jpg
Tác giả (áo đỏ) chụp ảnh lưu niệm của các cựu TNXP Hà Tĩnh tại Ngã ba Đồng Lộc.

Thời gian đã xóa nhòa dấu tích khốc liệt của cuộc chiến. Bên miệng hố bom xưa giờ cây cối đã phủ xanh, nhưng những hàng thông trên đồi Trọ Voi, Mũi Mác vẫn rì rào trong gió kể những câu chuyện bi hùng nơi ngã ba lịch sử. Và hàng vạn bước chân sẽ còn tiếp tục tìm về, tưởng nhớ và tri ân, không chỉ ngày mai, ngày kia mà còn nhiều năm tháng nữa…

Ngày 24/7/2024

Chủ đề NGÀY THƯƠNG BINH - LIỆT SỸ

Đọc thêm

Podcast truyện ngắn: Chuột Bún bán bánh

Podcast truyện ngắn: Chuột Bún bán bánh

Những mùa Trung thu, tôi luôn nhận được quà của bà Chuột Bún là những chiếc bánh Trung thu thơm phức. Cũng từ đó, cái tên Chuột Bánh luôn đi liền với tình bạn thời tiểu học của tôi.
Xúc động những vần thơ viết về cơn bão số 3

Xúc động những vần thơ viết về cơn bão số 3

Trong đau thương, mất mát của người dân nhiều tỉnh thành phía Bắc sau bão số 3, nhiều tứ thơ đã được gieo vần. Báo Hà Tĩnh trân trọng giới thiệu một số bài thơ đầy cảm xúc trong cơn hoạn nạn.
Chuyện cây Hà Nội sau bão

Chuyện cây Hà Nội sau bão

Ngay sau cái đêm kinh hoàng bão YAGI đổ bộ vào Hà Nội, tôi lái xe ra đường. Khắp cả thành phố, cây nằm la liệt, nhiều cây bật gốc, gãy đổ tan hoang.
Đền Phúc Hải - chốn tâm linh yên bình

Đền Phúc Hải - chốn tâm linh yên bình

Đền Phúc Hải, xã Thuận Lộc (TX Hồng Lĩnh – Hà Tĩnh) là một trong những di tích đặc trưng cho sinh hoạt tín ngưỡng, chốn trao gửi tâm linh của người dân và du khách thập phương.
Bộ tranh Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi

Bộ tranh Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi

Hình ảnh cảm động các chiến sĩ đưa dân ra ngoài, các xe đi chậm lại để dìu mọi người trên cầu trong lúc gió to… được cô gái TP. Hồ Chí Minh khắc họa lại trong bộ tranh nói về Việt Nam tử tế trong cơn bão Yagi.
Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Vinh danh 'Sứ giả tiếng Việt' năm 2024

Tối 8/9, tại Nhà hát Lớn Hà Nội, Lễ tổng kết Ngày Tôn vinh tiếng Việt năm 2024 và Chương trình Gala tiếng Việt thân thương đã diễn ra với sự tham dự của hơn 600 đại biểu. Những “Sứ giả tiếng Việt” năm 2024 đã được vinh danh và trao tặng bằng khen.
Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Podcast truyện ngắn: Cây nhãn kỷ niệm

Cây nhãn già thách thức mưa nắng, bão bùng, nhìn vào đó, bà luôn tưởng tượng bóng hình Hiếu, vẫn hiển hiện đâu đây trong khu vườn, căn nhà thân thuộc, như chưa từng có cuộc chia ly...
Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Podcast tản văn: Ơi mùa thu, mùa thu

Có vẻ như mọi hân hoan, quyến luyến, mọi mỹ cảm, nồng say đều dồn tụ hết vào một chữ thu. Thu xao xuyến, thu bồi hồi, thu bâng khuâng, thu đa cảm...
Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Khám phá Công viên địa chất toàn cầu Non Nước Cao Bằng

Non nước Cao Bằng chính thức được UNESCO công nhận là Công viên Địa chất Toàn cầu vào ngày 12/4/2018, trở thành công viên địa chất toàn cầu thứ hai tại Việt Nam sau Công viên Địa chất Cao nguyên đá Đồng Văn tại Hà Giang.