Nhớ về thế hệ nhà báo đầu tiên của Báo Hà Tĩnh

(Baohatinh.vn) - Kỷ niệm 90 năm ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925 - 21/6/2015), Báo Hà Tĩnh bước vào tuổi 53 kể từ số báo đầu tiên ra đúng ngày Quốc khánh 2/9/1962. Những ngày này, chúng tôi lại bồi hồi nhớ đến thế hệ đi trước, những người đã đặt nền móng cho tờ báo của Đảng bộ tỉnh.

Đó là các nhà báo: Võ Trọng Cúc, Nguyễn Đăng Đơ, Phạm Hồ, Trần Văn Trạc, Đinh Nho Liêm, Bùi Trí Đạt và sau đó có các anh, chị: Đoàn Thị Chính, Duy Thảo, Nguyễn Quốc Khanh, Nguyễn Khắc Hiển, Trần Quang Trung, Trần Nhuệ, Văn Tân, Trần Văn Nhuyến, Lê Hữu Quý… Thế hệ đó nay có người còn sống, người đã mất, nhưng mãi in đậm trong lòng chúng tôi, đó là lớp nhà báo có “cái tâm rất sáng, một lòng một dạ vì tờ báo” (từ của cố Tổng Biên tập Đinh Nho Liêm).

Ông Nguyễn Thanh Bình lúc còn là Bí thư Tỉnh ủy, nay là Phó Ban Tổ chức trung ương, nói chuyện với CBPV Báo Hà Tĩnh

Những năm đầu khi Báo Hà Tĩnh mới thành lập, mặc dù phần lớn cán bộ, phóng viên không được đào tạo từ các trường báo chí, nhưng anh em rất nhiệt tình, đoàn kết, thương yêu nhau, làm việc không biết mệt vì một mục đích làm cho tờ báo ngày càng tốt hơn, hay hơn. Hồi đó, ngoài lương, phóng viên không có đồng nhuận bút nào, phương tiện làm việc thiếu thốn, đi cơ sở bằng xe đạp nhưng luồn lách khắp chốn để “săn” tin, chụp hình.

Thời kỳ máy bay Mỹ ném bom đánh phá miền Bắc (1964-1968, 1972), các nhà báo chạy dưới làn đạn pháo hay ra trận địa đánh máy bay cùng bộ đội, dân quân. Trận chiến đấu ở núi Nài ngày 26/3/1965, nhiều phóng viên đã có mặt tại trận địa viết tường thuật. Xúc động biết bao khi phóng viên Trần Nhuệ và nhiều anh em khác ra trận địa pháo ở Ngã ba Đồng Lộc, Kỳ Anh để chụp ảnh, dù bị sức ép của bom Mỹ vùi lấp vẫn không quên bảo vệ chiếc máy ảnh, phương tiện làm việc được cơ quan trang bị và những tấm hình đã chụp để đăng báo!

Thông qua sự phản ánh của Báo, nhiều người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu được Bác Hồ tặng huy hiệu. Cán bộ, phóng viên đi thực tế, “ba cùng” (cùng ăn, cùng ở, cùng làm) với công - nông - binh, viết bài, rồi đọc cho nhau nghe, sửa câu chữ… Mỗi người ai cũng là thầy giáo, ai cũng là học trò. Ngoài viết bài, anh chị em còn thay nhau làm ma-két, chấm bài ở xưởng in… Việc biên tập, làm ma-két, chấm mo-rát rất gian khổ. Bài vở luôn thiếu, ma-két phải làm dưới hầm bên ánh sáng ngọn đèn phòng không nhỏ như hạt đỗ.

Ban Biên tập Báo Hà Tĩnh trao đổi nghiệp vụ với các đồng chí nguyên lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo Báo các thời kỳ cùng các CTV

Có thời gian, tòa soạn cách nhà in 30 km, qua nhiều trọng điểm địch đánh phá, thế nhưng, các đồng chí Lê Xuân Thụ, Đinh Văn Tuệ vẫn thay nhau vừa làm ma-két, vừa đi chấm mo-rát, hàng chục năm không kêu ca, phàn nàn. Thời kỳ chống chiến tranh phá hoại của Mỹ, nhà in chưa làm được ảnh kẽm in báo, anh em phóng viên thay nhau đi xe đạp ra Hà Nội nhờ Thông tấn xã Việt Nam. Tuy làm báo gian nan, vất vả nhưng tất cả mọi người đều vui vẻ, cùng giúp nhau hoàn thành nhiệm vụ. Trong những năm tháng ấy, tờ báo của Đảng bộ đã trở thành vũ khí sắc bén trong xây dựng Đảng, chính quyền, động viên nhân dân sản xuất, xây dựng cuộc sống mới, góp phần cùng cả nước đánh thắng giặc Mỹ.

Nguyên Bí thư Tỉnh ủy Hà Tĩnh Nguyễn Tiến Chương, thời kỳ còn làm Trưởng ban Công tác nông thôn vẫn nhớ như in Báo Hà Tĩnh đã phục vụ đắc lực cho việc phổ biến, hướng dẫn việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật sản xuất nông nghiệp, cách tiến hành cuộc vận động cải tiến quản lý, cải tiến kỹ thuật trong HTX sản xuất nông nghiệp.

Lãnh đạo tỉnh chụp ảnh lưu niệm với các thế hệ cán bộ, phóng viên nhân kỷ niệm 35 năm Báo Hà Tĩnh ra số đầu (9/1997). Ảnh tư liệu

Chẳng những hết lòng vì tờ báo quê hương mà khi Tổ quốc kêu gọi, cán bộ, phóng viên Báo Hà Tĩnh đều xung phong lên đường làm nhiệm vụ chi viện cho tiền tuyến lớn miền Nam. Trong đợt I tuyển chọn, Ủy viên Ban Biên tập Phạm Hồ đã được chấp nhận và sau đó trở thành phóng viên Báo Cờ Giải Phóng. Trên cương vị mới, phóng viên Phạm Hồ luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao và đã anh dũng hy sinh trên chiến trường Quảng Nam, được công nhận liệt sỹ.

Báo Hà Tĩnh thời kỳ đầu thành lập đã có những cán bộ, phóng viên như thế, những người không quản gian khổ, hy sinh để làm nên thương hiệu tờ báo của Đảng bộ tỉnh, được cán bộ, đảng viên và nhân dân tin tưởng. Những việc làm của thế hệ đầu tiên đã được ghi nhận, được Chủ tịch nước tặng bằng khen. Lớp nhà báo đầu tiên của Báo Hà Tĩnh thật sự là tấm gương cho các thế hệ cán bộ, phóng viên Báo Hà Tĩnh noi theo.

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói