Tham dự buổi lễ có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình, Phó Thủ tướng Chính phủ Phạm Bình Minh, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Trần Thanh Mẫn cùng lãnh đạo, nguyên lãnh đạo các ban, bộ, ngành trung ương.
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình phát biểu tại buổi lễ
Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước phát biểu tại buổi lễ, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình khẳng định: Trong lịch sử phát triển 93 năm qua, báo chí đã trở thành vũ khí sắc bén của Đảng và Nhà nước trên mặt trận tư tưởng văn hóa; là diễn đàn tin cậy của nhân dân; luôn đi đầu trong việc tuyên truyền, tổ chức và vận động nhân dân thực hiện đường lối đổi mới của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước; nâng cao niềm tin của nhân dân vào sự lãnh đạo của Đảng, sự quản lý điều hành của Nhà nước; củng cố khối đại đoàn kết toàn dân tộc...
Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị, trong thời gian tới, các cơ quan báo chí, nhà báo tiếp tục tuyên truyền sâu rộng, kịp thời, hiệu quả các nghị quyết, đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; coi trọng việc phát hiện, biểu dương các nhân tố điển hình, cổ vũ, nhân rộng các phong trào thi đua yêu nước; phát huy vai trò và chức năng giám sát, phản biện xã hội; kịp thời đấu tranh chống lại các luận điệu sai trái của các thế lực thù địch; tiếp tục đi đầu trong đấu tranh chống tiêu cực, tham nhũng, lãng phí, ngăn nhặn suy thoái tư tưởng chính trị trong một bộ phận cán bộ, đảng viên...
Đây là lần đầu tiên tất cả 63 hội nhà báo tỉnh, thành phố tham dự và là năm có số lượng tác phẩm dự giải cao nhất từ trước đến nay. Ban Tổ chức đã nhận được 1.846 tác phẩm, lựa chọn 145 tác phẩm vào vòng chung khảo và quyết định trao giải cho 105 tác phẩm xuất sắc, trong số đó các tác phẩm từ các cơ quan báo chí địa phương chiếm 50%.
Nhà báo Thuận Hữu - Chủ tịch Hội Nhà báo Việt Nam đánh giá về Giải Báo chí Quốc gia lần thứ XII năm 2017
Đánh giá về Giải Báo chí Quốc gia năm 2017, Chủ tịch Hội đồng Giải Báo chí quốc gia lần thứ XII năm 2017 Thuận Hữu cho rằng: Nhiều tác phẩm có tính phát hiện vấn đề, có tính phản biện, nhân văn. Qua đó, thấy được sự dấn thân của nhà báo và các phương thức làm báo hiện đại được sử dụng có hiệu quả, vì thế thương hiệu giải báo chí quốc gia được nâng cao.
Đề tài các tác phẩm dự thi năm nay khá phong phú, đa dạng, phản ánh trung thực, kịp thời, toàn diện các vấn đề thời sự của đất nước cũng như các địa phương. Trong đó, những vấn đề thời sự nóng bỏng đã được đề cập đậm nét.
Nhiều tác phẩm đã đấu tranh với các thế lực thù địch, các hoạt động sai trái chống phá Nhà nước và chế độ; giới thiệu những nhân tố mới, gương người tốt, việc tốt, điển hình tiên tiến trên nhiều lĩnh vực hoạt động; quan tâm đến việc phát triển kinh tế bền vững gắn với bảo vệ môi trường..
Trong số 105 tác phẩm đoạt Giải Báo chí Quốc gia năm 2017, Hội đồng đã chọn được 8 giải A, 25 giải B, 43 giải C, 29 giải Khuyến khích.
Chủ tịch nước nước Trần Đại Quang và Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng trao giải A giải Báo chí Quốc gia năm 2017
Các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước trao giải B cho các tác giả
Nhà báo Thủy Lê đại diện nhóm tác giả loạt phóng sự ""Phát triển chi bộ vùng giáo tại Hà Tĩnh" của Báo Hà Tĩnh nhận giải C.
Nhóm tác giả Thủy Lê - Mai Thủy - Dương Hương (Báo Hà Tĩnh) tại lễ trao giải
Tham gia Giải Báo chí Quốc gia năm 2017, Hội Nhà báo Hà Tĩnh có 25 tác phẩm, trong đó có 2 tác phẩm cùng đoạt giải C, gồm: Loạt phóng sự "Phát triển chi bộ vùng giáo ở Hà Tĩnh" của nhóm tác giả Thủy Lê - Mai Thủy - Dương Hương (Báo Hà Tĩnh) và loạt phóng sự điều tra "Chuyện từ xã điểm" của nhóm tác giả: Thuận Huế - Đào Hoa - Vương Quý - Tuấn Anh - Kim Anh - Công Hoan (Đài PT&TH Hà Tĩnh). Phóng sự "Phát triển chi bộ vùng giáo ở Hà Tĩnh" (gồm 3 bài: Chuyện những người “nhóm lửa; Vượt qua “sóng cả” và Bình yên xứ đạo Châu Long), viết về vai trò của các tổ chức cơ sở Đảng tại những vùng có đồng bào công giáo ở Hà Tĩnh sau sự cố môi trường biển. Bằng sự đầu tư nghiêm túc trong quá trình thu thập thông tin, lựa chọn hình thức thể hiện, nhóm tác giả đã mang đến cho độc giả những câu chuyện giản dị nhưng mang nhiều hàm ý sâu sắc về công tác xây dựng đảng ở những vùng đặc thù. |