Cuộc thi vẽ tranh hoạt họa theo chủ đề có tên “Niels Bugge Cartoon Award” - một cuộc thi có quy mô quốc tế, được tổ chức bởi nước chủ nhà Đan Mạch - đã đưa ra đề tài dự thi dành cho các họa sĩ đến từ khắp nơi trên thế giới xoay quanh chủ đề về khí hậu: “Đại dương trong bàn tay của chúng ta”.
Dẫn dắt về đề tài cuộc thi, ban tổ chức giải thích: “Con người, cũng như tất cả sự sống trên Trái Đất, ban đầu đến từ các vì sao, rồi hòa vào lòng đại dương. Đại dương là người mẹ nuôi nấng đầu tiên của chúng ta, trước cả đất đai nơi cho chúng ta gieo cấy”.
“Nhưng chúng ta giờ đây đối xử với cả đất đai và đại dương đều tệ. Đại dương đã có những bất ổn bởi các hoạt động của con người: cá ít đi nhưng chai nhựa nhiều lên, nước bớt trong và còn thêm váng dầu, ít san hô nhưng lại thêm rác thải”.
“Đó là lý do tại sao ngay hôm nay, chứ không phải ngày mai, chúng ta cần phải làm hết sức mình để giải cứu đại dương, nếu chúng ta còn muốn có một tương lai cho hành tinh này”.
Sau khi đề tài này được đưa ra, các họa sĩ đến từ 75 quốc gia đã có những cách hiểu của mình trước vấn đề đang được cả thế giới quan tâm: sức khỏe môi trường biển.
Cuộc thi đã nhận được hơn 1.000 bức vẽ dự thi gửi về bởi họa sĩ đến từ nhiều quốc gia. Những bức vẽ khắc họa vấn đề biến đổi khí hậu, cùng những tác động của con người đến môi trường biển nói riêng và Trái Đất nói chung, theo những góc nhìn đa chiều, sâu sắc.
Dưới đây là những bức vẽ ấn tượng nhất của cuộc thi xoay quanh đề tài về biến đổi khí hậu. Những bức vẽ thực sự khiến người xem phải nhìn ngắm và suy ngẫm hồi lâu:
Bức vẽ của họa sĩ Andrei Popov (Nga) giành giải nhất. Hãy để những làn sóng biển xanh mát vẫn còn tiếp tục rì rào, êm ái cập bờ, như tự nhiên bao đời vẫn vậy. Nếu con người đi quá xa, đến một lúc nào đó bờ biển trong xanh sẽ chỉ còn là một trải nghiệm nhân tạo bởi biển xanh thực sự đã chẳng còn.
Bức vẽ của họa sĩ Bruce Mackinnon (Canada) đoạt giải nhì khắc họa một chú cá và hàng chục lưỡi câu. Một hình ảnh mang đầy tính ẩn dụ cho thấy con người ở nhiều nơi trên thế giới đang khai thác tới mức tận diệt môi trường biển.
Bức vẽ của họa sĩ Pawel Kuczynski (Ba Lan) đoạt giải ba. Hãy để nhiều thế hệ tương lai sẽ còn được thấy vẻ đẹp của biển cả, đừng để những kỳ quan biển cả chỉ còn được nhắc tới trong sách vở và muốn được chiêm ngưỡng, trẻ phải dùng trí tưởng tượng của mình.
Bức vẽ của họa sĩ Felipe Galindo (Mỹ) về sự tiến hóa của con người. Sự sống nhỏ bé xuất hiện đầu tiên trên Trái Đất bắt đầu từ đại dương. Và giờ đây, khi con người đang ở nền văn minh phát triển nhất, chúng ta trả lại gì cho mẹ biển cả?
Bức vẽ của họa sĩ Shahram Rezaei (Iran). Hãy để Trái Đất còn thực sự là mái nhà xanh của con người. Tấm áo phủ lên Trái Đất chính là đất đai và biển cả, tấm áo ấy đã phải chứng kiến sự nhem nhuốc vì ô nhiễm.
Bức vẽ của Markus Grolik (Đức). Những vụ tràn dầu, rác thải, chai lọ nhựa đang khiến các loài động vật biển phải đối diện với những nguy cơ của sự tồn vong.
Bức vẽ của Alexandru Bartfeld (Israel). Nếu có một lúc nào đó, người ta tìm thấy lá thư bỏ trong chai (vốn để thả xuống biển) trên sa mạc, đó là khi lòng biển đã cạn khô.
Bức vẽ của Jesper Sørensen (Đan Mạch). Biến đổi khí hậu, băng tan và ngập lụt xảy ra ở nhiều quốc gia. Đó là những điều đã được cảnh báo bấy lâu nay.
Bức vẽ của Bob Eckstein (Mỹ) về một người tuyết đi di cư trong cảnh… băng tan.