Hộ chiếu ngoại giao
Một số hộ chiếu đi kèm với công việc hoặc chức danh. Trên thực tế, cuốn hộ chiếu này là một loại giấy tờ thông hành được cấp cho nhân viên chính phủ như đại sứ, chính khách, nhà ngoại giao khi đi nước ngoài. Bất cứ ai sở hữu loại hộ chiếu này sẽ được hưởng quyền miễn trừ hoặc ưu đãi ngoại giao.
Ví dụ, người mang hộ chiếu ngoại giao của Vương quốc Anh sẽ được miễn thị thực và có thể ở lại lâu hơn thời gian miễn thị thực quá cảnh 72 tiếng.
Một cuốn hộ chiếu ngoại giao (Ảnh: News).
Một số quốc gia sẽ có thỏa thuận song phương cho phép người sở hữu cuốn hộ chiếu ngoại giao và gia đình đi cùng được miễn một số quy định so với người mang hộ chiếu phổ thông.
Ngoài ra, người sở hữu loại hộ chiếu đặc biệt này sẽ được phép nhập cảnh hầu hết các quốc gia trên thế giới mà không phải đối mặt với các hạn chế đi lại trong tình hình đại dịch Covid-19 đang diễn ra.
Tuy nhiên, hộ chiếu ngoại giao chỉ được sử dụng trong các trường hợp công tác, làm nhiệm vụ. Người sở hữu nó phải dùng hộ chiếu cá nhân (hộ chiếu thông thường) nếu đi du lịch, nghỉ dưỡng.
Năm 2017, dư luận từng xuất hiện thông tin gây tranh luận khi cho rằng Canada đã cấp quá nhiều hộ chiếu ngoại giao dẫn tới tình trạng nhiều nhà ngoại giao dù đã nghỉ hưu nhưng vẫn giữ cuốn hộ chiếu cũ nhằm hưởng các đặc quyền khi đi lại, du lịch...
Hộ chiếu ưu tiên
New Zealand cung cấp hộ chiếu chính thức bên cạnh hộ chiếu ngoại giao, dù bề ngoài những loại này trông khá giống nhau.
Tại Anh có một loại hộ chiếu ngoại giao đặc biệt QMS (Queen"s Messenger Service). Hộ chiếu do bộ phận phụ trách thông tin của Nữ hoàng đóng dấu. Đối tượng được cấp là những người chuyển phát nhanh tài liệu ngoại giao.
Hộ chiếu của Giáo Hoàng Francis (Ảnh: News).
Khoảng một nửa dân số của thành phố Vatican ở Rome có hộ chiếu Vatican để đi lại. Trong khi đó, Giáo Hoàng Francis không dùng loại hộ chiếu ưu tiên này dù có quyền miễn trừ ngoại giao và nhận nhiều ưu đãi, được bảo vệ ở bất cứ quốc gia nào Ngài tới thăm như các nguyên thủ quốc gia. Tuy nhiên, năm 2014, Giáo Hoàng Francis đã gia hạn hộ chiếu Argentina của mình và muốn đi khắp thế giới như một công dân bình thường mà không nhận bất cứ đặc quyền nào.
Hộ chiếu Liên hợp quốc
Kể từ năm 1946, Liên hợp Quốc bắt đầu cấp giấy thông hành của riêng mình - cuốn hộ chiếu màu xanh và hộ chiếu màu đỏ chỉ cấp cho những thành viên thuộc các tổ chức khác nhau của Liên hợp Quốc, Tổ chức Lao động Quốc tế và Tổ chức Y tế Thế giới.
Hộ chiếu Liên hợp quốc (Ảnh: News).
Tất nhiên “giấy thông hành” giống như bằng chứng nhận dạng bổ sung và không thể sử dụng cho việc đi lại mà phải dùng kèm theo hộ chiếu quốc gia gốc của chủ sở hữu.
Những người sở hữu cuốn hộ chiếu đỏ có thể được hưởng một số đặc quyền như miễn trừ ngoại giao khi thực hiện công vụ. Tại một số nước, chủ hộ chiếu này không cần xin visa.
Hộ chiếu Interpol - Tổ chức Cảnh sát Hình sự Thế giới
Kể từ năm 2010, Interpol đã cấp cho các thành viên của mình cuốn hộ chiếu sinh trắc học không ghi quốc tịch. Đó là những tấm hộ chiếu màu đen có vi mạch tích hợp công nghệ cao chứa ảnh nhận dạng, dấu vân tay.
Hộ chiếu của Tổ chức Cảnh sát Hình sự Thế giới (Ảnh: News).
Do làm nhiệm vụ truy bắt tội phạm trên toàn thế giới nên người sở hữu cuốn hộ chiếu này không cần xin visa để đẩy nhanh quá trình nhập cảnh. Hộ chiếu được sử dụng ở hầu hết các quốc gia nơi Interpol hoạt động.
Người phụ nữ duy nhất thế giới đi nước ngoài không cần hộ chiếu
Đó là Nữ hoàng Anh Elizabeth II. Bà là người duy nhất trên thế giới được hưởng đặc quyền đi khắp nơi mà không cần giấy tờ tùy thân. Câu trả lời cho đặc quyền này chính bởi tất cả hộ chiếu của người Anh đều được cấp dưới tên của Nữ hoàng.
Nữ hoàng Anh là người phụ nữ duy nhất thế giới ra nước ngoài không cần hộ chiếu (Ảnh: Express).
Trên trang đầu của cuốn hộ chiếu Anh ghi rõ: “Nhân danh Nữ hoàng Anh, Bộ trưởng Ngoại giao Anh cho phép người giữ hộ chiếu được qua lại tự do mà không bị cản trở và nhận đầy đủ sự hỗ trợ, bảo hộ khi cần thiết”. Bởi vậy, việc bà phải sở hữu một cuốn hộ chiếu là không cần thiết.