Gần 10 năm gắn bó với nghề trồng mướp đắng, chị Lê Thị Châu (người bên phải) ở thôn 4 xã Cẩm Trung (Cẩm Xuyên) luôn cảm thấy hài lòng vì hầu như ngày nào chị cũng có sản phẩm cung cấp cho thị trường, lúc cao điểm thu hơn 1 triệu đồng/ngày, khi ít cũng có vài ba trăm ngàn.
Không chỉ chị Châu, ở xã Cẩm Trung có hàng trăm vườn mướp đắng do người phụ nữ làm chủ, mang lại thu nhập cao.
Bà Nguyễn Thị Hương ở thôn Phúc Lạc, xã Thạch Thanh (Thạch Hà) năm nay đã 74 tuổi nhưng vẫn rất say làm vườn. Cần mẫn trong khu vườn rộng hơn 1,2 ngàn m2, ngày nào bà cũng có hàng đi chợ, hoặc có người quen đến mua tận nhà nên ông bà túc tắc tự lo cuộc sống, không phải nhờ đến con cái.
Chị Dương Thị Thư - Chi hội trưởng Chi hội phụ nữ là người tiên phong xây dựng vườn mẫu ở thôn Hà Thanh - xã Tượng Sơn (Thạch Hà).
Với mô hình kinh tế 4 tầng (ao cá, gia cầm, giàn bầu bí và rau ngắn ngày), mỗi năm, khu vườn của chị Dương Thị Thư cho thu nhập trên 150 triệu đồng
Tại cuộc thi khu dân cư kiểu mẫu, vườn mẫu toàn tỉnh, vườn của chị Thư được xếp giải A.
Chuyển từ trồng lạc sang làm rau, thu nhập khá cao từ vườn của chị Nguyễn Thị Bình ở thôn Đoài Phú, Tượng Sơn (Thạch Hà) đã giúp chị chăm lo cho gia đình lớn có 3 thế hệ chung sống.
Chị Bình chia sẻ: "Người phụ nữ có việc làm, thu nhập trong khu vườn của mình sẽ đồng thời vừa làm được kinh tế, vừa chăm sóc được gia đình, làm tròn thiên chức của mình".
Vườn của chị Đặng Thị Mợi - Chi hội trưởng Phụ nữ thôn Đoài Phú (Tượng Sơn) rộng gần 1.000m2. Tranh thủ sự hỗ trợ của chồng, chị Mợi vừa làm giàu từ vườn, vừa hoàn thành tốt nhiệm vụ cán bộ chi hội.
Kinh tế vườn không chỉ chỉ làm giàu đẹp gia đình, thôn xóm mà còn giúp người phụ nữ có tâm thế thoải mái, tự tin và ngày càng tươi trẻ...