Video: Chiến sỹ biên phòng Hà Tĩnh bám chốt ngăn chặn nguy cơ dịch xâm nhập.
Trung úy Từ Hậu Nhung (SN 1988) là nhân viên báo vụ của Đồn Biên phòng (ĐBP) Sơn Hồng (Hương Sơn). Từ ngày đồn lập chốt chống dịch ở Khe Sinh (tháng 3/2020), anh cùng đồng đội lên cắm chốt tại đây.
Nhận nhiệm vụ kiểm soát phòng chống dịch gắn với đấu tranh với các loại tội phạm trên chiều dài 9 km đường biên ở vị trí xung yếu, các cán bộ, chiến sỹ luôn duy trì tuần tra, trực gác liên tục 24/24h với quyết tâm rào kín kẽ hở, ngăn chặn tối đa các nguy cơ.
Trung úy Từ Hậu Nhung còn đảm nhận nhiệm vụ báo tin tình hình từ chốt về đồn: "Đá Gân - Khe Sanh, Đá Gân - Khe Sanh nghe rõ. Quá trình tuần tra, không phát hiện trường hợp nào, cán bộ, chiến sỹ đảm bảo an toàn!”
Ngoài nhiệm vụ tuần tra cùng đồng đội, Nhung còn đảm nhận nhiệm vụ báo tin tình hình từ chốt về đồn. “Đá Gân - Khe Sanh, Đá Gân - Khe Sanh nghe rõ. Quá trình tuần tra, không phát hiện trường hợp nào, cán bộ, chiến sỹ đảm bảo an toàn!”.
Sau những giờ băng rừng, vượt suối, những thông tin an toàn truyền qua chiếc máy vô tuyến điện về đồn, làm anh em chiến sỹ nhẹ lòng. Nơi chốn “thâm sơn cùng cốc”, người chiến sỹ luôn tập trung, cẩn trọng trong từng thao tác, không một phút lơ là.
“Đứa đầu 4 tuổi, từ nhỏ chỉ chịu cho bố cắt tóc. Lâu lắm bố chưa về, chắc tóc cậu đã dài như con gái”
Chỉ mất chưa đầy một buổi chạy xe máy là có thể về nhà, nhưng Nhung đành nén tình cảm riêng để ở lại cắm chốt cùng đồng đội.
“Em đã có 2 con trai. Đứa đầu 4 tuổi, từ nhỏ chỉ chịu cho bố cắt tóc. Lâu lắm bố chưa về, chắc tóc cậu đã dài như con gái. Còn bé mới sinh, qua lời bà nội và mẹ thì giống em như đúc. Chị xem ảnh cháu này, đúng như 2 giọt nước phải không?”.
Giọng nói của trung úy biên phòng bất chợt nghẹn lại. “Nhưng không riêng gì em, anh em ở đây mỗi người đều có hoàn cảnh riêng. Thời điểm giáp tết này, các chốt phòng dịch đều căng như dây đàn, chiến sỹ dù ở hoàn cảnh nào cũng quyết không cho phép mình phân tâm” - Nhung trải lòng.
Đại úy Lê Thanh Hóa chia sẻ: “Tôi vẫn thường nói với anh em rằng, hãy vững lòng để bám chốt, vì mình đã có hậu phương vững chắc nhất, đó là gia đình, là những người thân”.
Cùng chung nỗi niềm với Nhung là Đại úy Lê Thanh Hóa (SN 1971) quê ở Nghi Xuân. Mẹ anh bị tai biến mạch máu não, nằm liệt giường mấy tháng nay.
“Mẹ đã một đời tảo tần nuôi con, khi ngã bệnh, con trai ở xa lòng như lửa đốt. Nhưng tôi biết, mẹ thấu hiểu nhiệm vụ người lính kể từ lúc tôi khoác chiếc áo xanh biên cương. Vợ tôi ở nhà đang thay chồng chăm sóc mẹ từng bữa ăn, giấc ngủ. Tôi vẫn thường nói với anh em rằng, hãy vững lòng để bám chốt, vì mình đã có hậu phương vững chắc nhất, đó là gia đình, là những người thân”.
Vợ chồng Thiếu tá Ngọc Thế Hùng và Trung úy Lê Thị Thanh Hòa cùng con trai đầu trong những phút đoàn tụ hiếm hoi ở đơn vị công tác.
Hay như vợ chồng Thiếu tá Ngọc Thế Hùng ở chốt biên phòng H7 và Trung úy Lê Thị Thanh Hòa, nhân viên kiểm thể Trạm Biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Dẫu 2 đứa con nhỏ của anh chị (6 tuổi và 2 tuổi) đã quen với việc thiếu vắng sự chăm sóc thường xuyên của bố mẹ, thế nhưng để nói với con vui tết cùng ông bà, bố mẹ không về được, với anh chị cũng không dễ dàng.
Thượng úy Trần Văn Duy chuẩn bị vũ khí, quân bị cho chuyến tuần tra
Ở các chốt biên phòng trải dài trên những con đường rừng hun hút, chúng tôi ấn tượng với những chốt trưởng còn rất trẻ. Thượng úy Trần Văn Duy, quê ở xã Lưu Vĩnh Sơn (Thạch Hà) là Chốt trưởng chốt 511/1, Đồn Biên phòng Bản Giàng, xã Hương Vĩnh (Hương Khê) nằm chót vót trên độ cao hàng trăm mét.
31 tuổi đời, Thượng úy Trần Văn Duy là một trong những cán bộ trẻ nhất, nhưng với vai trò là chốt trưởng, anh luôn thể hiện sự gương mẫu trong thực hiện nhiệm vụ cũng như trong sinh hoạt. Duy cho biết, hoàn cảnh gia đình khá khó khăn. Mới cưới vợ, chưa có con; vợ chồng đang ở với bố mẹ già yếu. Nhà có 2 anh em trai và một chị gái nhưng em trai hiện đang đi xuất khẩu lao động… “Cả 2 anh em đều đi vắng, không lo được tết với gia đình. Thế nhưng, bố mẹ luôn động viên tôi yên tâm phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ và vui tết cùng đồng đội…”.
Thượng úy Trần Nhân Tài (người bên trái) cùng đồng đội trong chuyến tuần tra đêm.
Thượng úy Trần Nhân Tài (SN 1992) tốt nghiệp Học viện Biên phòng, sau 3 năm tăng cường ở miền Nam được phân công về ĐBP Sơn Hồng, ít tuổi nhất nhưng rất tròn vai Chốt trưởng Khe Sinh. Anh em trong chốt thường đùa: “Tết này định để “thủ trưởng” về tìm vợ, nhưng vì con vi-rút Covid-19 nên chẳng ai dám rời vị trí”.
Thượng úy Phạm Hữu Hoàng Anh bàn giao vũ khí, hạ đạt mệnh lệnh tuần tra
Thượng úy Phạm Hữu Hoàng Anh (SN 1993) được điều động từ ĐBP Cửa Sót tăng cường lên chốt Eo Cô gái ĐPB Cầu Treo để đáp ứng yêu cầu phòng chống dịch. Con gái đầu lòng của anh vừa được 6 tháng, từ khi bố nhận nhiệm vụ mới, mẹ con đã xác định tết này bố sẽ ăn tết biên cương.
Thượng úy Hoàng Anh chia sẻ: Vị trí chốt Eo Cô gái khá nhạy cảm vì đường rừng có những điểm khá sát với quốc lộ 8A nên nhiều người xuất nhập cảnh trái phép, tìm cách cắt rừng qua đây để bắt xe, thoát khỏi sự kiểm soát của lực lượng chức năng. Mới đây, chúng tôi vừa phát hiện 3 công dân có ý định cắt rừng sang Lào và kịp thời vận động, ngăn chặn. Nhiệm vụ đặt ra hết sức nặng nề, điều kiện thời tiết khắc nghiệt nên chúng tôi động viên nhau, toàn tâm toàn ý hoàn thành tốt nhiệm vụ”.
Tết năm nay, lực lượng biên phòng ở tuyến biên giới đất liền tập trung 100% quân số để làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh.
Khác với những năm trước, ngày tết cổ truyền, các đơn vị biên phòng sắp xếp cho khoảng 25% quân số về ăn tết với gia đình, trong đó, ưu tiên những người có hoàn cảnh đặc biệt, năm nay, lực lượng biên phòng ở tuyến biên giới đất liền tập trung 100% quân số để làm nhiệm vụ phòng chống dịch bệnh.
Trung tá Nguyễn Ngọc Cường - Đồn trưởng ĐBP Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo cho biết, ngoài tập trung toàn bộ lực lượng của đồn, Bộ Chỉ huy BĐBP tỉnh đã điều động thêm cán bộ, chiến sỹ từ các đơn vị khác để tăng cường cho 8 chốt phòng chống dịch và Trạm Kiểm soát biên phòng Cửa khẩu quốc tế Cầu Treo. Tất cả cùng chung một ý chí, dồn toàn sức giữ vững biên cương, ngăn chặn sự xâm nhập của dịch Covid-19.