Ở xã vùng bãi ngang Thạch Đỉnh, nhiều gia đình bố mẹ đi làm ăn xa phải gửi con ở cùng ông bà, họ hàng. Với nhiều em, bữa ăn, giấc ngủ đôi khi còn chưa đủ chứ chưa nói đến sự chăm sóc về mặt tinh thần. Nhiều em đến trường với đầu tóc, quần áo luộm thuộm, bẩn thỉu.
Cứ đều đặn chiều thứ 6 hàng tuần khi công việc của một ngày tất bật đã vơi, các cô giáo lại bắt tay vào những việc của một “người mẹ thứ hai”. Từng em nhỏ được các mẹ cắt tóc gọn gàng, tắm rửa sạch sẽ, thay những bộ quần áo mới đã được giặt giũ thơm tho.
CLB "Bàn tay mẹ" là nơi các em nhỏ cảm nhận tình cảm ấm áp yêu thương từ những "người mẹ thứ hai"
Cô Phan Thị Mai (giáo viên chủ nhiệm lớp 5A) chia sẻ. “Thiếu vắng bàn tay chăm sóc của bố mẹ, ông bà thì vì bận công việc đồng áng nên ít quan tâm, nhiều em đến lớp trông rất tội nghiệp. Với mô hình “Bàn tay mẹ”, hàng tuần, chúng tôi luân phiên nhau chăm sóc, trò chuyện để nghe các con chia sẻ những câu chuyện, ước mơ trẻ thơ ngộ nghĩnh. Có gần gũi các con mới hiểu chúng cần tình yêu, hơi ấm của mẹ như thế nào. Chúng tôi mong góp một phần nhỏ động viên các con trong cuộc sống” .
Không chỉ chăm sóc ân cần, chu đáo, nhiều em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn đã được các cô bỏ tiền túi giúp đỡ, hỗ trợ tiền ăn bán trú hàng tháng. Đầu năm học, cháu Nguyễn Thị Ánh Dương (lớp 3B) chỉ đi học được 2 tuần rồi nghỉ. Cô giáo chủ nhiệm đã đến tận nhà tìm hiểu và được biết do hoàn cảnh quá khó khăn, bố mẹ không thể cho em tiếp tục đi học và tham gia ăn bán trú tại trường.
Bữa ăn bán trú của nhiều em nhỏ hoàn cảnh khó khăn có sự chung tay góp sức của các cô giáo
Các cô giáo đã quyên góp hỗ trợ tiền ăn trưa, vận động gia đình tiếp tục cho con đến trường. Anh Nguyễn Tuấn Dũng (phụ huynh cháu Ánh Dương) cho biết: “Nhờ sự giúp đỡ, động viên của các cô, cháu đã được đi học như bao bạn bè khác. Gia đình tôi rất cảm động trước tấm lòng của các cô và sẽ cố gắng để con được tiếp tục việc học”.
Dù bận công việc chuyên môn, các cô vẫn chăm sóc vườn rau sạch phục vụ bữa ăn cho trẻ
Dù bận rộn công việc chuyên môn, tất bật với vai trò “người mẹ thứ hai” của những em nhỏ hoàn cảnh khó khăn, nhưng các cô giáo nơi đây vẫn dành thời gian trồng rau, củ sạch để phục vụ bữa ăn bán trú cho các con; tự tay chăm bón từng bồn hoa, cây cảnh và làm đồ dùng học tập.
Cô Hồ Thị Thinh - Hiệu trưởng Trường Mầm non Thạch Đỉnh cho biết: “Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng các cô giáo đã rất nỗ lực trong chăm sóc, nuôi dạy học sinh. Mô hình CLB “Bàn tay mẹ” hoạt động hiệu quả đã góp phần động viên, chia sẻ với nhiều em có hoàn cảnh khó khăn và được phụ huynh ghi nhận. Đó là niềm vui lớn mà chúng tôi nhận được để có thêm động lực cố gắng hơn nữa vì học sinh thân yêu”.