Minh họa: Nguyễn Ngọc Thuần |
Thật ra chuyến này mẹ vào để chăm cháu cho con trai và con dâu đi làm việc. Mẹ xem đây cũng là một thứ trách nhiệm, một thứ tình thương.
Phòng trọ nhỏ nằm trong con hẻm loằng ngoằng. Mẹ bảo kiểu này chắc mẹ chẳng dám đi ra tận ngoài đường lớn kia đâu, sợ không tìm ra lối để về. Con trai dặn thêm, ở đây không phải như ngoài quê thích đi đâu là đi được.
Mẹ chỉ cần ở nhà, giữ cháu giúp chúng con, đến bữa lo chuyện cơm canh. Thức ăn con dâu mua để sẵn trong tủ lạnh. Mẹ khỏi phải đi chợ. Và nếu có mấy người đi bán dạo ngoài đường hẻm thì mẹ cũng không được mua đâu đấy. Thực phẩm chỗ tứ xứ này không tin được đâu.
Có bà vào chăm cháu, hai vợ chồng đi làm tiện hơn. Buổi sáng, hai vợ chồng thức dậy đi miết đến trưa về đã có cơm canh mẹ nấu. Buổi chiều cũng thế. Buổi tối hơi khó bố trí một chút, vì chỗ trọ chỉ có một phòng nhỏ, phía trên có gác lửng bằng ván gỗ leo lên cũng bằng cây thang gỗ.
Mẹ bảo cứ để mẹ leo lên nằm trên gác, hai vợ chồng với đứa con nằm ở dưới. Trẻ nít quấy quá suốt đêm, làm vệ sinh cho nó, rồi pha sữa uống giặm... nằm dưới là tiện nhất.
Con trai không chịu. Mẹ phải nằm dưới này, chứ leo lên leo xuống cây thang gỗ đó bất tiện lắm. Mẹ bị bệnh khớp chân, bước lên mấy bậc nhà đã khó, huống chi là cầu thang. Thêm chuyện đêm hôm muốn đi vệ sinh chẳng hạn... Tốt nhất là mẹ ở dưới này với vợ con và cháu. Để con lên ngủ trên gác một mình. Quyết định như vậy.
Tối đầu tiên lạ chỗ, mẹ khó ngủ. Thường ở quê khi khó ngủ mẹ hay trằn trọc, nhưng vào đây chật chội, một chút uốn éo vươn vai thở hắt ra cũng có thể khiến con cháu mất giấc. Mẹ cố gắng nằm yên, thở thật nhẹ, và nghe rõ mọi thứ trong đêm thanh vắng. Nghe tiếng cựa mình trở giấc của con trai từ trên gác lửng. Chắc anh cũng khó ngủ vì lạ chỗ. Và vì thiếu một thứ gì đấy khó nói.
Mẹ không hình dung được khi vào đây chuyện ngủ ngáy lại rắc rối đến thế. Mẹ bảo hay con tìm chỗ trọ khác đi, ít nhất là có được hai phòng ngủ riêng biệt ở tầng trệt, dễ sinh hoạt hơn. Như mẹ nói thì đấy là cái nhà rồi chứ đâu phải phòng trọ. Ở đất này, thuê cái nhà như thế tốn nhiều tiền, mà lương còm cõi của hai vợ chồng trẻ đâu có nhiều nhặn gì. Ngay cả chuyển phòng trọ thôi đã khó, đến xóm nào người ta cũng kêu trời vì có con nhỏ quấy rối. Chỗ này người ta thương lắm mới cho ở.
Cuối tuần, cả hai vợ chồng đều được nghỉ. Bữa cơm ngày cuối tuần có vẻ thiếu vui. Suốt bữa thấy con dâu chả nói gì, con trai cũng lặng lẽ ăn. Thôi thì vợ chồng giận nhau là chuyện bình thường, nhất là ở cái nơi eo hẹp chỗ sống, eo hẹp cả thời gian dành cho nhau. Ông bà ta hay nói “bí hạ phá thượng”, có khi đúng trong trường hợp này.
Mẹ muốn bồng cháu đi quanh chơi một lát, cứ khư khư giữ nó ở trong phòng ngột ngạt lắm. Mẹ cũng chỉ sang hàng xóm chơi, nói chuyện cho vui, không đi đâu xa mà lo.
Ra khỏi phòng, mẹ tinh ý khép chặt cánh cửa. Con trai dặn mẹ đi nhanh rồi về nhé. Mẹ cười bảo cứ yên tâm, mẹ mới quen bà hàng xóm, nhiều chuyện nói hợp ý lắm, hôm nay bà ấy hẹn sang ăn bánh uống nước chè đấy. Mẹ uy tín, hẹn thì phải giữ lời.
Vợ nhìn chồng âu yếm, mặt hơi ửng hồng. Chồng lần khần chốt khóa trong cửa. Vợ lại đưa tay tháo chốt. Làm thế khó coi lắm anh, nhỡ mẹ về bây giờ. Chồng bảo nhưng không khóa thì mất tự nhiên, mà mẹ chưa về ngay đâu, mẹ uy tín mà.
Ba mươi phút sau con trai mở cửa đi tìm mẹ. Mẹ bồng cháu ngồi ở quán nước đầu hẻm chứ chẳng phải bà hàng xóm nào mời ăn bánh uống nước gì cả.
Tám giờ tối, cơm nước xong mẹ bảo muốn đi bộ một chút, uốn éo tay chân cho giãn gân cốt, suốt ngày ngồi bó buộc trông cháu rồi. Con trai ái ngại, thành phố này cướp giật ghê lắm, đi đêm hôm không an toàn. Mẹ cười, có của nả gì đâu mà sợ cướp, cứ để mẹ đi một lát. Rồi chợt nhớ ra cái chữ một lát nghe nó nhanh vội quá, mẹ quay lại dặn đóng cửa cẩn thận đi, chắc phải nửa tiếng sau mẹ mới về.
Mẹ rải bộ thật chậm, nhưng chỉ một lát đã tới đầu đường. Mẹ lại vòng ngược trở về. Thấy phòng trọ chỉ khép hờ cửa, đèn bên trong vẫn sáng. Suýt nữa thì mẹ xô cửa bước vào lấy miếng cau nhai cho đỡ buồn mồm. Chợt nhớ ra từ nãy đến giờ vẫn chưa được nửa tiếng. Mẹ uy tín mà.
Một tuần sau, mẹ đỡ buồn hơn khi đi thể dục buổi tối. Một bà năm chục tuổi ở cuối hẻm cũng từ quê miền Trung vào đây chăm cháu. Hoàn cảnh giống nhau, điều kiện sống giống nhau, chỉ đôi ba câu chuyện tình cờ mà quen biết. Bây giờ thành bạn đi thể dục buổi tối.
Cái chỗ quán nước chỉ bán ban ngày, buổi tối người ta dẹp đi còn một bậc thềm bêtông. Bạn mẹ xách theo ấm nước chè, mẹ mang cái quạt mo ra đặt trước. Hai bà đi dạo một vòng thì ghé tới đây ngồi trò chuyện. Ấm nước chè và cái quạt mo người ta không ăn cắp làm gì.
Những câu chuyện lúa má nhà nông, chuyện đàn gà bầy heo, cả chuyện tiếu lâm dân dã đều được kể. Thỉnh thoảng, hỏi nhau nãy giờ đã được ba chục phút chưa nhỉ. Chưa, tivi vẫn đang chiếu phim ngắn sau thời sự. Lại đập vai nhau cười xòa.
Trong con hẻm nhỏ giữa thành phố đông đúc, ấm nước chè và chiếc quạt mo không bị mất cắp, lại là niềm vui cho nhiều người.
Truyện 1.157 chữ của HOÀNG CÔNG DANH