Nỗi niềm của Mẹ liệt sĩ sống trong túp lều tranh

Gần 90 tuổi, mắt mờ, tóc đã bạc trắng nhưng mẹ vẫn phải sống một mình trong túp lều tranh, vách đất xiêu vẹo. Ước nguyện có gian nhà tươm tất để thờ tự đứa con đã hi sinh xương máu cho Tổ quốc bấy lâu nay vẫn chưa thực hiện được khiến cụ trăn trở, đau đáu khi ngày "về đất" đang đến gần.

Nỗi niềm của mẹ

Cụ bà Phạm Thị Vượng (SN 1925, ở xóm Phái Nam, xã Thạch Lâm, huyện Thạch Hà) lấy chồng là ông Nguyễn Hữu Côn (SN 1915), có được 5 người con. Năm 1968 khi đứa con út mới được 2 tuổi thì chồng mất vì bạo bệnh. Một mình bà bươn trải nuôi 5 đứa con dại. Năm 1974, anh Nguyễn Xuân Hồng (SN 1956, là người con thứ 3 trong gia đình) nhập ngũ tham gia chiến đấu ở chiến trường miền Nam. Một năm sau, người mẹ như chết lặng khi nhận được giấy báo tử liệt sĩ Nguyễn Xuân Hồng. “Ngày nhập ngũ nó còn nói vào giải phóng miền Nam xong sẽ về cưới vợ để mẹ bồng cháu. Vậy mà, nó không bao giờ về được nữa.." Cụ Vượng rưng rưng nước mắt.

Bao năm nay, cụ Vượng vẫn phải sống trong túp lều tranh, vách đất này.
Bao năm nay, cụ Vượng vẫn phải sống trong túp lều tranh, vách đất này.

Xót xa khi mất đi người con trai yêu quý cống hiến xương máu cho Tổ quốc trong chiến tranh rồi lại đến lượt những đứa con thời bình, đau ốm, bệnh tật "ra đi" trước mẹ. Giờ đây, cụ Vượng chỉ còn 2 người con còn sống là anh Nguyễn Xuân Mạo (SN 1963), và chị Nguyễn Thị Dần (SN 1968) nhưng cả hai đều là nông dân, hoàn cảnh cũng rất nghèo khó. Do đó, từ nhiều năm nay, cụ vẫn sống một mình trong túp lều tranh rách nát. "Mẹ già yếu lắm rồi, ước nguyện có gian nhà ngói thờ đứa con liệt sĩ này từ lâu mà khó quá. Chỉ mong những ngày cuối đời này ước nguyện đó thực hiện được, để khi nhắm mắt mẹ cũng cảm thấy yên lòng." - Cụ Vượng khóc.

Vì đâu nên nỗi ?

Cụ Vượng ao ước có được một góc nhà sạch sẽ để đặt bàn thờ, lo hương khói cho con.

Cụ Vượng ao ước có được một góc nhà sạch sẽ để đặt bàn thờ, lo hương khói cho con.

Anh Nguyễn Xuân Mạo, con trai cụ Vượng tỏ ra buồn, thất vọng khi chính quyền địa phương thiếu quan tâm đến hoàn cảnh của mẹ mình. Anh cho biết: "Nhiều năm nay, trong các cuộc họp xóm, họp xã xét các trường hợp được xóa nhà tranh tre, tôi đã đề xuất chính quyền quan tâm đến mẹ mình. Họ cứ hứa nhưng rồi chẳng thấy làm, mẹ tôi vẫn phải sống trong túp lều tranh hết năm này đến năm khác." Theo anh Mạo, nguyên nhân chính quyền địa phương nhiều lần bỏ qua, “quên” không xem xét xóa nhà tranh tre cho mẹ mình là UBND xã cho rằng một phần mảnh đất nơi mẹ anh ở đang có tranh chấp. Tuy nhiên, phần diện tích đất này bà Vượng đã xin dựng nhà từ năm 1988 (do ông Đôi chuyển đi, không sử dụng) và đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất.

Trao đổi với chúng tôi, ông Bùi Đức Thịnh Chủ tịch UBND xã Thạch Lâm cho biết: Miếng đất nơi nhà bà Vượng làm nhà đang tranh chấp với ông Phạm Xuân Đôi. Vài năm nay, ông Đôi làm đơn lên xã đòi lại đất nên chưa xem xét, hỗ trợ xây nhà cho bà Vượng trên mảnh đất đó được. Hiện UBND xã đang chờ cho hai bên tự thỏa thuận, khi nào phần đất của bà Vượng không còn tranh chấp nữa thì UBND xã sẽ xem xét đưa vào chương trình xóa nhà tranh tre cho bà.

Cái kết có hậu

Trao đổi với chúng tôi chiều 17-9, ông Nguyễn Phi Quang - Chủ tịch UBND huyện Thạch Hà cho biết: Sau khi nhận được thông tin về cụ bà Phạm Thị Vượng - mẹ liệt sỹ đang phải sống trong căn nhà tranh tre dột nát, UBND huyện đã cử đoàn công tác về tại địa phương kiểm tra làm rõ. Qua kiểm tra hồ sơ đất đai qua các thời kỳ thì hiện mảnh đất bà Vượng đang ở hoàn toàn đúng pháp luật. Việc ông Phạm Xuân Đôi có đơn đòi lại đất là không có cơ sở vì đất bà Vượng ở ổn định trước thời điểm 1993, có tên trong các bản đồ đo đạc địa chính hiện hành. Ông Nguyễn Phi Quang thẳng thắn: Việc để một bà mẹ liệt sỹ ở trong căn nhà tranh như vậy là trái với các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, đây là lỗi của các cấp chính quyền chưa thực sự sâu sát cơ sở, chưa làm hết trách nhiệm của mình. UBND huyện đã chỉ đạo Phòng LĐTB&XH kiểm tra, tham mưu cho huyện để hỗ trợ làm nhà cho bà Vượng. Sẽ hỗ trợ ở mức tối đa, khoảng 40 triệu.

Ông Nguyễn Phi Quang cũng cho biết: Sau sự việc này, UBND huyện sẽ yêu cầu 31 xã, thị trấn trên địa bàn toàn huyện rà soát lại vấn đề nhà ở của các đối tượng chính sách để có phương án hỗ trợ. Địa phương nào tiếp tục để xảy ra những trường hợp tương tự thì chủ tịch UBND xã, thị trấn đó phải bị xử lý trách nhiệm.

Đọc thêm

Chăm lo chính sách, gieo dựng niềm tin

Chăm lo chính sách, gieo dựng niềm tin

Chính sách BHYT ngày càng khẳng định vai trò là trụ cột an sinh, giúp nhiều người bệnh ở Hà Tĩnh tiếp cận kỹ thuật hiện đại, giảm gánh nặng chi phí điều trị.
[Motion Graphics] 14 điểm mới của Luật BHXH 2024

[Motion Graphics] 14 điểm mới của Luật BHXH 2024

Luật Bảo hiểm xã hội năm 2024 có hiệu lực từ 1/7/2025 được kỳ vọng sẽ tạo ra những thay đổi tích cực trong hệ thống an sinh xã hội, bảo đảm quyền lợi cho người lao động, đồng thời thu hút thêm người tham gia BHXH.
Đức Thọ - hiệu quả từ những mô hình sinh kế

Đức Thọ - hiệu quả từ những mô hình sinh kế

Thực hiện chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, huyện Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã triển khai cùng lúc nhiều chương trình hỗ trợ thiết thực nhằm giúp các hộ nghèo vươn lên trong cuộc sống. Trong đó, việc hỗ trợ những mô hình sinh kế để giảm nghèo bền vững ngày càng phát huy hiệu quả.
Kết quả thực hiện 5 năm giảm nghèo ở Đức Thọ

Kết quả thực hiện 5 năm giảm nghèo ở Đức Thọ

Nhờ triển khai đồng bộ quyết liệt các giải pháp, 5 năm qua, Đức Thọ (Hà Tĩnh) đã huy động được sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và sự tham gia của toàn xã hội vào công tác giảm nghèo. Với nhiều cách làm sáng tạo, đến nay, tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn Đức Thọ giảm đáng kể.