Quen với cuộc sống có hàng xóm chuyện trò, tắt lửa tối đèn có nhau, phần lớn người già không muốn ra thành phố ở cùng con (Ảnh Internet)
Bà Hiền có một người con trai tên Phi và 3 người con gái. Năm vừa rồi anh Phi lấy vợ và “đóng đô” ở TX Hồng Lĩnh. Nghĩ nhà chỉ có mỗi mình là con trai, dẫu có các chị ở gần, nhưng để mẹ ở quê không đành, nên anh quyết định mời mẹ ra ở cùng để tiện bề chăm sóc. Thế nhưng, nhiều lần thuyết phục, bà Hiền vẫn lần lữa không muốn đi cùng con. Cực chẳng đã, anh Phi đành dùng “mẹo” ép mẹ. Mặc dù chịu đi theo con nhưng suốt 2 tuần ở nhà con trai, bà Hiền luôn tỏ ra ủ ê nên cuối cùng anh đành phải “trả” mẹ về quê.
Cũng giống như anh Phi, gia đình anh Biên lại muốn đón bố mẹ ra nước ngoài bởi vợ chồng đều đã nhập quốc tịch Nhật Bản. “Bố mẹ cả đời vất vả nuôi tôi khôn lớn, thành đạt, bây giờ, tôi muốn ông bà có những giây phút hưởng thụ cuộc sống hiện đại. Hơn nữa, tôi cũng muốn tuổi già ông bà vui vầy bên con cháu và để con cháu có cơ hội được chăm sóc, gần gũi ông bà nhiều hơn. Để về nước thì chúng tôi không thể, nên không có cách nào khác là đón ông bà sang” - anh Biên tâm sự.
Thế nhưng, đáp lại những mong muốn của con trai, bố mẹ anh Biên chỉ đồng ý qua chơi cùng vợ chồng anh một vài tháng chứ, không có ý định ở lâu dài, ngay cả khi thuận lợi về thủ tục. Cũng chỉ vì thế mà mỗi lần nhắc đến chuyện đó, cả nhà lại như có “chiến sự”, thậm chí mẹ anh Biên còn không muốn nói chuyện với con trai khi anh gọi điện về.
Thay vì nhất định ép cha mẹ lên phố ở cùng, con cháu nên thường xuyên dành thời gian liên lạc, về thăm quê (Ảnh Internet)
Bà Hiền, mẹ anh Phi chia sẻ: “Mái nhà này có cũ nát đến bao nhiêu cũng là nơi mà tôi, ông nhà cùng vun đắp để nuôi dạy con cái. Nay ông mất, bàn thờ ông, bàn thờ tổ tiên còn đây, nếu tôi cũng đi nữa lấy ai trông nom, hương khói. Chưa kể, tôi cũng đã quen với cuộc sống ở đây, hàng xóm láng giềng tối lửa tắt đèn có nhau. Tôi vẫn còn khỏe, sống riêng như thế này có khi lại tốt hơn bởi cuộc sống chung rất khó tránh những va chạm, tình cảm dễ sứt mẻ”.
Thiết nghĩ, trong những trường hợp không quá cấp thiết, con cái nên tìm hiểu nguyên nhân và tôn trọng quyết định của cha mẹ. Thay vì nhất định ép cha mẹ lên phố ở cùng, hãy thường xuyên dành thời gian liên lạc, về thăm quê.
Trong trường hợp sức khỏe cha mẹ không cho phép ở một mình thì cũng cần tế nhị, tìm giải pháp thỏa đáng trong việc chăm sóc bàn thờ, mồ mả ở quê chu đáo để các cụ yên tâm. Hơn nữa, cần lựa chọn thời điểm hợp lý để thuyết phục người lớn. Để khi cha mẹ đồng ý ra phố ở cùng thì đó phải là chuỗi ngày sum vầy, vui vẻ bên con cháu của các cụ.