"Nội soi" chi tiêu Quỹ Bảo trì đường bộ

Việc vận hành, chi tiêu Quỹ Bảo trì đường bộ ở cả trung ương và một số quỹ địa phương trị giá hơn 10.000 tỷ đồng vẫn còn khiếm khuyết cần phải sớm chỉnh sửa.

Ảnh minh hoạ. Nguồn: Internet

Gọt chân vừa giày

Kiểm toán Nhà nước vừa có Văn bản số 546/TB - KTNN thông báo kết quả kiểm toán công tác quản lý và sử dụng Quỹ Bảo trì đường bộ (Bảo trì đường bộ) giai đoạn 2015 - 2016. Đây là lần đầu tiên trong 5 năm vận hành (2013 - 2017), việc chi tiêu của Quỹ Bảo trì đường bộ bị “soi” khá kỹ bởi Kiểm toán Nhà nước với nhiều hạn chế được lộ diện.

Tại Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương - nơi giữ phần lớn nguồn thu từ xe ô tô và chịu trách nhiệm duy tu, bảo trì hệ thống đường quốc lộ trong cả nước, hạn chế bắt đầu ngay từ khâu lập kế hoạch chi mà nổi cộm là Tổng cục Đường bộ Việt Nam.

Cụ thể, tại thời điểm kiểm toán, Tổng cục Đường bộ Việt Nam chưa hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu hệ thống đường bộ đầy đủ, đồng bộ để theo dõi tình trạng hệ thống cầu đường làm căn cứ đưa ra thời gian, chu kỳ phải sửa chữa khi lập kế hoạch bảo trì. Đây là một trong những lý do dẫn đến việc giao kế hoạch vốn cho một số công trình chưa đúng mục đích sử dụng của Quỹ Bảo trì đường bộ (45,4 tỷ đồng); giao kế hoạch vốn cho một số dự án chưa phù hợp với thời gian được phê duyệt gây nợ đọng khối lượng hoàn thành.

Ghi nhận của Kiểm toán Nhà nước cho thấy, năm 2015, 6 dự án có tổng mức đầu tư 151 tỷ đồng được hoàn thành với giá trị đề nghị thanh toán 128 tỷ đồng, nhưng Tổng cục Đường bộ Việt Nam chỉ được giao vốn 90 tỷ đồng dẫn tới các đơn vị thi công bị nợ đọng hơn 38 tỷ đồng.

Liên quan đến việc chi Quỹ Bảo trì đường bộ, Kiểm toán Nhà nước cho rằng, giá gói thầu được Tổng cục Đường bộ Việt Nam phê duyệt chưa tính toán đầy đủ yếu tố trượt giá; các gói thầu đấu thầu năm 2015 còn tạm tính, nhưng Tổng cục vẫn phê duyệt hợp đồng là “Hợp đồng trọn gói” là không đúng với các quy định tại Nghị định số 207/2013/NĐ - CP về hợp đồng trong hoạt động xây dựng.

“Kết quả kiểm toán chọn mẫu giá trị phải thanh toán của một số gói thầu cho thấy việc áp dụng hợp đồng trọn gói đã làm Quỹ Bảo trì đường bộ phải chi thêm 7,6 tỷ đồng”, Văn bản do ông Nguyễn Quang Thành, Phó tổng Kiểm toán Nhà nước ký, nêu rõ.

Đặc biệt, theo Kiểm toán Nhà nước, Nghị quyết số 02/NQ - QBTTW ngày 15/4/2014 của Hội đồng quản lý Quỹ về việc tiết giảm 50% chi bảo dưỡng thường xuyên và chi phí có liên quan so với định mức năm 2013 đã khiến kinh phí bảo dưỡng thường xuyên được cấp cho năm 2015, 2016 chỉ còn 25 triệu đồng/km/năm.

Hậu quả của Nghị quyết “gọt chân” này là, các hư hỏng của mặt đường không được xử lý kịp thời, một mặt ảnh hưởng đến chất lượng khai thác của công trình, mặt khác sẽ phát sinh các hư hỏng lớn, nên khi sửa chữa đột xuất sẽ mất nhiều thời gian và kinh phí để bổ sung.

Theo đánh giá của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, do kinh phí bị cắt giảm nhiều, các cơ quan quản lý lúng túng dẫn đến vẫn quy định tất cả các nội dung của bộ tiêu chí nghiệm thu đánh giá theo Quyết định số 2196/QĐ - BGTVT ngày 29/7/2013 của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) trong các hồ sơ mời thầu, nên các nhà thầu bỏ giá cao hơn giá dự toán khoảng 2 lần, có gói thầu cao hơn 3 lần dẫn tới việc toàn bộ các gói thầu có định mức 25 triệu đồng/km/năm mời thầu năm 2014 đã diễn ra không thành công.

Cẩn phải nói thêm rằng, những bất cập này lặp lại khá nhiều tại các Quỹ Bảo trì đường bộ địa phương, với mức độ sai sót thậm chí còn lớn hơn. Tại Phú Thọ, Kiểm toán Nhà nước phát hiện Quỹ Bảo trì đường bộ tỉnh này đã cho Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) vay từ nguồn tạm ứng ngân sách tỉnh 50 tỷ đồng, nhưng hết thời hạn vay vẫn chưa thu hồi được.

Lỗi hệ thống

Ngoài Kiểm toán Nhà nước, Bộ Tài chính cũng vừa có những phản biện khá gay gắt liên quan đến mô hình hoạt động của Quỹ Bảo trì đường bộ sau 5 năm hoạt động.

Được biết, theo Quyết định số 1486/QĐ - TTg ngày 5/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành quy định cơ cấu tổ chức và quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương. Theo đó, Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương là tổ chức độc lập, không trực thuộc Bộ GTVT, cơ cấu tổ chức gồm Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương và Văn phòng Quỹ. Chủ tịch Hội đồng quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương là Bộ trưởng Bộ GTVT, có 8/13 thành viên Hội đồng Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương là đại diện các đơn vị trực thuộc Bộ GTVT. Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương (hiện được giao biên chế 9 người, cũng nằm trong tổng số biên chế của Bộ GTVT).

Trên thực tế, Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương chưa có đủ nhân sự và năng lực để độc lập quản lý toàn bộ kinh phí bảo trì đường bộ hàng năm (khoảng gần 10.000 tỷ đồng/năm; có mối quan hệ phân bổ, cấp phát, quản lý kinh phí với 63 tỉnh, thành phố và 59 đầu mối cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ GTVT và các Sở Giao thông - Vận tải được ủy quyền quản lý đường quốc lộ).

Theo Bộ Tài chính, hiện Chủ tịch Hội đồng Quản lý Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương vẫn đang sử dụng các tổ chức trực thuộc Bộ GTVT để làm thay các công việc của Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương như: xây dựng dự toán, kiểm tra, thanh quyết toán kinh phí bảo trì đường bộ.

Việc này dẫn tới thực tế là, phát sinh thêm một tổ chức trung gian về danh nghĩa là nằm ngoài Bộ GTVT - Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương, nhưng thực tế, tổ chức này vẫn đang sử dụng biên chế và bộ máy của Bộ GTVT để thực hiện công việc được giao; dẫn đến chồng chéo, không rõ ràng về chức năng, nhiệm vụ, trách nhiệm và thẩm quyền giữa Bộ GTVT, các đơn vị thuộc Bộ GTVT và Văn phòng Quỹ Bảo trì đường bộ trung ương trong việc phê duyệt kế hoạch, giao dự toán kinh phí ngân sách nhà nước, cấp phát và quyết toán kinh phí, gắn với trách nhiệm quản lý sử dụng kinh phí ngân sách nhà nước được giao.

“Mặt khác, hoạt động của thành viên Hội đồng quản lý Quỹ theo cơ chế kiêm nhiệm là không hiệu quả, không đảm bảo được vai trò kiểm tra, giám sát thực hiện, các ủy viên kiêm nhiệm không làm thay được chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cán bộ quản lý chuyên ngành của Bộ GTVT, Bộ Tài chính”, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà khẳng định.

Theo Báo Đầu tư

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Báo nói