Khung cảnh thanh bình trên sông Ngàn Phố |
Hương Sơn có nghĩa là núi thơm – tên gọi ấy tưởng như cũng đã nói lên được sự ưu ái mà đất trời ban tặng cho vùng đất quê tôi. Thuở ấu thơ, tôi chỉ nghĩ đơn giản rằng núi thơm là bởi các loài hoa trên núi tỏa hương nhưng lớn lên tôi mới hiểu không chỉ các loài hoa mà chính con sông Ngàn Phố cùng đất đai, phong thổ và những người con kiệt xuất trong suốt chiều dài lịch sử quê tôi đã tạo nên tiếng thơm ấy. Hương Sơn từ xưa xa đã nổi tiếng là một vùng non nước hữu tình được kiến tạo bởi các dãy núi Giăng Màn, núi Mồng Gà, núi Thiên Nhẫn, núi Nầm, núi Hoa Bảy... và con sông Ngàn Phố hiền hòa thơ mộng. Chính cái hùng vĩ của Trường Sơn, cái mênh mông, trùng điệp của Giăng Màn, Thiên Nhẫn, cái xanh tươi của đồng ruộng, cái hiền hòa, dịu dàng, mát mẻ, phóng khoáng, màu mỡ của dòng Ngàn Phố đã tạo dáng hình và tính cách của con người Hương Sơn chân chất, cần cù, chịu thương chịu khó đặc biệt là hiếu học.
Chẳng thế mà từ hàng trăm năm nay Hương Sơn vẫn được xem là một trong những vùng đất học xứ Nghệ. Trong thời kỳ phong kiến, Hương Sơn có hơn 20 vị đỗ đại khoa với những dòng họ nổi tiếng khoa bảng như: Đinh Nho, Nguyễn Khắc, Tống Trần, Hà Huy, Lê Khánh, Đào Duy…và các làng giàu truyền thống văn hoá như: Xa Lang, Thịnh Xá, Hữu Bằng, Tuần Lễ, Gôi Vị … Những làng quê và dòng họ ấy đã dâng hiến cho đất nước những người con hiền tài, lỗi lạc như: Hiến sát sứ Nguyễn Kính Hài, Đô Ngự sử Nguyễn Tử Trọng, Hoàng giáp Nguyễn Văn Lễ, Tiến sĩ Đinh Nho Công, Hoàng giáp Đinh Nho Hoàn, Tổng binh đồng tri Đinh Nho Côn, Tiến sĩ Đinh Nho Điển, Hoàng giáp, Bố chánh Phạm Huy, đại danh y Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác,danh sĩ Lê Hữu Tạo, Thượng thư Đào Hữu Ích, Thượng thư Bộ Lễ triều Nguyễn, Hoàng giáp Nguyễn Khắc Niêm, nhà văn hóa Nguyễn Khắc Viện…cùng các danh tướng Nguyễn Tuấn Thiện, Văn Đình Dận, Cao Thắng...
Tiếp nối truyền thống vẻ vang ấy, ngày nay những người con Hương Sơn vẫn tiếp tục nối gót ông cha không ngừng học tập, phấn đấu để cống hiến cho Tổ quốc như: nhà cách mạng Hà Huy Giáp, Nguyên Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đinh Nho Liêm, Thượng tướng Lê Minh Hương – nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, Trung tướng, Giáo sư Lê Xuân Lựu, Giáo sư sử học Đinh Xuân Lâm, Giáo sư-nhà ngôn ngữ học Lê Khả Kế, Giáo sư văn học Phong Lê cùng rất nhiều giáo sư, tiến sỹ đầu ngành trong nước và nước ngoài.
Những trang trại cam bù như thế này đang mọc lên ngày càng nhiều ở Hương Sơn |
Trong chiều dài và chiều rộng ấy, mỗi dãy núi, mỗi khúc sông đều mang đậm dấu ấn lịch sử, văn hóa trong tiến trình lịch sử của quê hương. Ngày nay Hương Sơn đang sở hữu khá nhiều danh lam thắng cảnh rất đẹp mà con sông Ngàn Phố chính là một thắng cảnh tuyệt mỹ. Nếu ngược với Hương Sơn bằng đường thủy du khách có thể thưởng ngoạn một không gian thoáng đãng với đôi bờ trù phú, xanh mướt ngô khoai và lần lượt ngang qua những vùng văn hóa Xa Lang, Thịnh Xá, Gôi Vị, Hữu Bằng… với những cô gái da trắng, tóc xanh xõa trong gió chiều thơm ngát hương hóa đồng nội…
...Đẹp lắm em ơi con sông Ngàn Phố
Sáng cả đôi bờ hoa bưởi trắng phau...
Gắn với sông núi ấy là những khu du lịch nghĩ dưỡng yên bình như Khu nghỉ dưỡng Nước Sốt ở xã Sơn Kim, Khu du lịch thác Xai Phố với những quang cảnh tự nhiên và thơ mộng Sơn Hồng, Thác Huyền Vi cùng những huyền thoại kỳ bí ở Sơn Kim… Cùng cảnh sắc thiên nhiên, Hương Sơn còn có rất nhiều dích lịch sử nổi tiếng như: Khe nước đổ, Thành Lục Niên trên dãy núi Thiên Nhẫn - Nơi Lê Lợi làm căn cứ chống quân xâm lược nhà Minh, Chùa Tượng Sơn ở làng Yên Hạ, xã Sơn Giang do thân mẫu của đại danh y Hải Thượng Lãn Ông sáng lập và xây dựng từ thời Hậu Lê; Khu di tích Hải Thượng Lãn Ông bao gồm: Nhà thờ ở thôn Bầu Thượng, xã Sơn Quang, phần mộ Lê Hữu Trác ở núi Minh Từ xã Sơn Trung vừa được Bộ Y tế tôn tạo, xây mới với quy mô rất hoành tráng và đậm dấu ấn lịch sử; Nhà thờ danh tướng Cao Thắng ở xã Sơn Lễ; Di tích kiến trúc nghệ thuật đền Bạch Vân và chùa Thịnh Xá v.v... Ngoài ra Hương Sơn còn sở hữu những sản vật đặc trưng của núi rừng như mít, nhung hương, cam bù, bưởi đường và đặc biệt là chè xanh thì không nơi nào sánh bằng. Dường như chè xanh quê tôi đã thu trọn vào trong mùi, vị lẫn hương sắc của nó những đặc trưng riêng của vùng đất nó sống. Người ta có thể cảm nhận trong nó sự khắc nghiệt, hiểm trở của địa hình, cái thơ mộng, hiền hòa, ngọt ngào dòng sông Phố trong xanh và con người nơi đây…
Hiện nay, Hương Sơn với lợi thế có cửa khẩu Cầu Treo với vùng quy hoạch khu kinh tế Cửa khẩu đang chuyển mình phát triển mạnh mẽ với nhiều công trình, nhà máy được xây dựng. Hương Sơn cũng đang hình thành một lớp người mới hiện đại, năng động căng tràn hơi thở thời đại. Tuy nhiên trên mảnh đất pha trộn sự hùng vĩ, sần sùi có tính chất hoang sơ, cái "oai phong lẫm liệt" của một mảnh đất gân guốc với sự thơ mộng, hữu tình của ngàn đời sông núi ấy, vẫn có những người con Hương Sơn miệt mài bám đất, bám rừng, xây dựng cuộc sống mới trên chính đất đai lai thổ quê nhà. Những ngành nghề truyền thống đang dần được phục hồi và bắt nhịp với cuộc sống hiện đại. Trên những khoảng đồi trống đã xanh mướt cam, chanh và ngày càng có nhiều ông chủ trang trại trẻ tuổi say mê làm giàu từ những vùng núi đồi sỏi đá. Họ không chỉ có thu nhập mỗi năm hàng trăm triệu đồng mà bằng tinh thần hăng say lao động, sáng tạo đã quyết tâm phục hồi giống và bảo vệ thương hiệu cây cam bù ngọt mát Hương Sơn.
Với bề dày truyền thống văn hóa đặc sắc của mình, với những thế hệ con người kiệt xuất, có chí tiến thủ, với sự ưu ái của thiên nhiên và những chính sách, chủ trương ưu ái của Đảng, của Nhà nước, Hương Sơn đang mỗi ngày một chuyển mình đổi mới hình thành nên một vùng quê vừa đậm văn hóa dân tộc vừa đậm sức sống thời đại.