Trong xây dựng nông thôn mới hiện nay, người nông dân đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Chưa bao giờ tôi thấy điều Bác Hồ dạy “Yêu Tổ quốc, yêu đồng bào” lại hiển hiện rõ nét như khi được gần gũi với những người nông dân. Khi Tổ quốc lâm nguy, ông tôi, cha tôi và những người làng tôi đã không ngần ngại lên đường cầm súng. Và ở đâu đó, trong những làng mạc trên khắp những miền quê Hà Tĩnh, người nông dân cũng sẵn sàng phá cả nhà, hiến tài sản để phục vụ cách mạng mà không cần cân nhắc, đắn đo.
Bởi thế mới có những anh hùng áo vải, mới có những ngôi làng huyền thoại, những cung đường huyền thoại mà bài học lịch sử còn lưu truyền đến ngày nay.
Ngày nay, ngoài sản xuất lúa, hoa màu, nhiều nông dân còn tự tìm tòi, học hỏi kiến thức qua nhiều kênh để phát triển kinh tế gia đình
Trong suốt những năm tháng đói mòn đói mỏi, người nông dân đã đùm bọc nhau trong nghĩa đồng bào. Đó là sự sẻ chia đấu gạo, củ khoai mùa giáp hạt. Là sự giúp đỡ nhau trong thu hoạch mùa màng. Đó là sự chở che, đùm bọc khi “tối lửa tắt đèn”.
Cũng có những trường hợp, họ còn nuôi con giúp nhau khi một gia đình ly quê tìm kế sinh nhai ở vùng đất mới mà không hề tính toán thiệt hơn. Nông dân Hà Tĩnh là thế, đã yêu thương là yêu thương đến tận cùng.
Tinh thần ấy, thuộc tính ấy của người nông dân vẫn được gìn giữ nguyên vẹn trong thời đại mới. Dưới những hình thức biểu đạt khác nhau, ngày nay, người nông dân Hà Tĩnh thể hiện tình yêu Tổ quốc một cách đa dạng hơn.
Nhiều nông dân đã mạnh dạn vay vốn đầu tư xây dựng mô hình phát triển kinh tế gia đình
Ấy là tình yêu quê hương, yêu ruộng đồng, cây cối bằng sự gắn bó và không ngừng sáng tạo. Ấy là tình yêu bền bỉ, đầy trách nhiệm với những di sản văn hóa của ông cha.
Nghề báo cho tôi được đi đến nhiều nơi, gặp gỡ với rất nhiều nông dân. Ở họ tôi luôn tìm thấy cái nồng hậu, chất phác, thật thà và sự kiên định. Dường như chính đặc điểm của thiên nhiên đã kết tinh nên tính cách kiên cường của người nông dân Hà Tĩnh. Làm một người nông dân ở nơi quanh năm phải đối mặt với thiên tai, bão lũ, nếu không có niềm tin và sự kiên định, kiên cường thì rất khó để gắn bó với ruộng đồng, cây cối.
Người Hà Tĩnh vốn ham học hỏi. Và người nông dân cũng không phải là ngoại lệ. Bằng những hình thức khác nhau, thời nào, người nông dân Hà Tĩnh cũng có cách để thu nạp kiến thức cho riêng mình.
Nông dân Hà Tĩnh từ bao đời luôn chịu thương, chịu khó
Tôi đã chứng kiến nhiều người nông dân tự mua sách báo về học. Tôi cũng đã thấy nhiều người chăm chỉ đến các lớp tập huấn để lắng nghe và tiếp nhận những cách làm hay. Họ thậm chí còn lặn lội đến các địa phương khác học tập kinh nghiệm. Nhờ đó, ngày càng xuất hiện nhiều mô hình do nông dân làm chủ trên nhiều lĩnh vực đạt hiệu quả kinh tế cao.
Trên những ruộng lúa manh mún, người ta đã mạnh dạn dồn điền đổi thửa, xây dựng cánh đồng mẫu, sắm sanh máy móc để ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, giảm sức lao động. Trên những vườn đồi, ngày càng xuất hiện nhiều tỉ phú chân đất với những mô hình kinh tế tận dụng tiềm năng, lợi thế của địa phương.
Với tinh thần ham học hỏi, nông dân Hà Tĩnh ngày nay không chỉ đơn thuần đầu tư vào sản xuất, họ còn tìm cách kết nối để xây dựng thương hiệu, chủ động tìm “đường” tiêu thụ sản phẩm…
Nông dân vùng trà sơn Can Lộc đa dạng hoá cây trồng trong cơ cấu ngành nông nghiệp. Ảnh Oanh Phương
Trong xây dựng nông thôn mới hiện nay, người nông dân đóng vai trò vô cùng quan trọng. Bằng phẩm chất vô tư, trong sáng, họ sẵn sàng hiến đất, hiến cây, hiến ngày công lao động để xây dựng nên những con đường, những công trình khang trang. Họ cũng chính là chủ thể gìn giữ những giá trị văn hóa độc đáo của cha ông.
Từ những công trình kiến trúc của gia đình đến thôn, xã. Từ những lề lối sinh hoạt trong gia đình đến những tập tục, lễ hội của địa phương. Từ những câu hát ru à ơi đến những làn điệu dân ca cổ truyền. Tất cả đều được người nông dân lưu giữ và phát huy giá trị trong đời sống văn hóa hiện đại.
Có rất nhiều người nông dân, ban ngày lấm lem bùn đất nhưng đêm về lại là những nghệ sỹ thực thụ trên sân khấu. Tình yêu quê hương, ruộng đồng bờ bãi, tình yêu thương giữa con người và con người, sự kiên cường trong ứng phó với thiên tai đã lắng đọng lại thành những ân tình mộc mạc, lắng sâu mà da diết len sâu vào từng câu hát.
Ngoài việc đóng vai trò chính trong sản xuất vật chất, nông dân Hà Tĩnh còn tích cực tham gia vào quá trình bảo tồn, phát huy giá trị các di sản văn hóa.
Họ không chỉ hát lại câu hát của người xưa mà còn cùng nhau sáng tác nên những lời ca mới, phù hợp với thời đại. Họ làm nên những thành tựu giúp ca trù, dân ca ví, giặm thoát khỏi ruộng đồng, sông nước đến với văn hóa của nhân loại…
Cũng có rất nhiều nông dân khác, khi trút bỏ cuốc cày, quang gánh lại tất bật lo việc đền, việc chùa. Họ cùng nhau nắm giữ, lưu truyền những tập tục thờ cúng tâm linh lành mạnh của làng, của xã.
Đặc biệt, họ còn là những thành viên tích cực chuẩn bị cho các lễ hội và trực tiếp tham gia vào các hoạt động lễ hội. Những phong tục truyền thống, những huyền tích cũng nhờ đó mà được lưu giữ bền bỉ từ đời này qua đời khác.
Nhà thơ Sỹ Đại từng viết: “Nông dân sống lặng thầm như đất”. Tuy nhiên, đó là chuyện của ngày xa xưa. Ngày nay, nông dân Hà Tĩnh không còn lặng thầm trong lũy tre xanh nữa mà đã biết vươn mình tìm kiếm những giá trị mới, cả trên phương diện kinh tế lẫn đời sống văn hóa, tinh thần.