Những ngày này, anh Võ Quốc Hải (thôn Trung Thiên, xã Thiên Lộc) ra đồng từ sáng sớm để thu hoạch hành bán cho thương lái.
Mới 6h sáng, vợ chồng anh Võ Quốc Hải ở thôn Trung Thiên (Thiên Lộc) đã có mặt trên chân ruộng trồng hành tăm của gia đình. Anh Hải cho biết: “Ở đây, tiểu thương thường gọi đến từng nhà đặt hàng từ buổi tối. 7 đến 8h sáng hôm sau là họ đã đến lấy rồi. Vì vậy, vợ chồng tôi phải ra đồng sớm để làm cho kịp”.
Có mặt trên cánh đồng cùng với vợ chồng anh Hải là chị Võ Thị Tâm - em gái anh cũng đang thoăn thoắt nhổ hành để kịp bán cho đầu mối.
7- 8h sáng, người dân đã tập kết hành về một địa điểm, làm sạch trước khi nhập cho thương lái.
Dù đang còn rất sớm, sương mù dày đặc nhưng trên các cánh đồng ở thôn Trung Thiên, Quyết Thắng (Thiên Lộc), thôn Cứu Quốc, Lồng Lộng (Thuần Thiện), thôn Hồng Lĩnh (Vượng Lộc)…, bà con nông dân đang khẩn trương thu hoạch hành để kịp giao cho tiểu thương như đã hẹn trước.
Bà Võ Thị Thân, 60 tuổi, ở thôn Quyết Thắng (Thiên Lộc) cho biết: “Năm ngoái, gia đình bà trồng 4 sào nhưng năm nay mở rộng diện tích lên 7 sào. Từ đầu vụ (tháng 9) đến nay, bà đã nhập được gần 1 tấn hành tươi, thu được khoảng 12 triệu đồng”.
Bên cạnh hành tăm, hành ống, kiệu... cũng được thương lái thu mua hàng ngày với số lượng khá lớn. Trong ảnh: Người dân thôn Lồng Lộng (Thuần Thiện, Can Lộc) thu hoạch hành ống.
Được biết, so với năm trước, năm nay, người trồng hành ở Can Lộc có đầu ra thuận lợi hơn. Hiện ở các xã Thiên Lộc, Vượng Lộc và Thuần Thiện có khoảng 7 - 8 tiểu thương thu mua.
Theo chị Nguyễn Thị Lý - một thương lái thu mua hành ở thôn Cứu Quốc (Thuần Thiện): “Tùy nhu cầu tiêu thụ từ đối tác, có ngày chúng tôi mua ít, có ngày mua nhiều. Tính trung bình mỗi ngày, tôi thu mua từ 4-5 tạ hành, ngày cao điểm khoảng 7 tạ. Từ đầu vụ đến nay, tôi đã thu mua được khoảng 30 tấn. Số hành này tôi chuyển đến chợ đầu mối ở Huế và Đà Nẵng tiêu thụ”.
Số hành này được thương lái nhập cho các chợ đầu mối ở Huế, Đà Nẵng.
Ngoài hành tăm, người dân còn trồng hành ống, kiệu… đem lại thu nhập khá. Từ đầu vụ tới nay, nhiều hộ đã có thu nhập từ 20-30 triệu đồng. Tiêu biểu như bà Lê Thị Bính (thôn Cứu Quốc), bà Nguyễn Thị Khương (thôn Lồng Lộng, xã Thuần Thiện) có ngày thu hoạch được 1 tạ hành với số tiền 1,2 triệu đồng…
Hiện nay, thương lái thu mua hành tăm, kiệu (cả cây lẫn củ) với giá 10 - 11 ngàn đồng/kg; hành ống 8 ngàn đồng/kg, còn hành củ 50 ngàn đồng/kg.
Được biết, năm 2019 diện tích trồng hành tăm, hành ống, kiệu của 3 xã Thiên Lộc, Thuần Thiện, Vượng Lộc khoảng trên 200 ha. Trong đó Thiên Lộc là xã có diện tích trồng lớn nhất: 127 ha, Thuần Thiện khoảng 50 ha, còn lại là ở Vượng Lộc.
So với làm lúa hoặc các loại rau màu khác, trồng hành tăm, hành ống, kiệu... mang lại hiệu quả kinh tế hơn. Dẫu vậy, người trồng hành ở Can Lộc vẫn lo ế vì sản lượng lớn, thị trường nhỏ lẻ... nên có lúc không ổn định.
Mặc dù xã đã có đề xuất với Trung tâm Khuyến nông tỉnh tiến hành xây dựng thương hiệu cho sản phẩm hành tăm, tuy nhiên, đến nay vẫn chưa thực hiện được vì vướng mắc về những yêu cầu đối với cơ sở vật chất và các thủ tục... trong xây dựng thương hiệu".
Ông Trần Đình Bình - Phó chủ tịch UBND xã Thiên Lộc