Chưa muộn để bắt tay xử lý ô nhiễm môi trường từ nuôi tôm trên cát!

(Baohatinh.vn) - Ðể nuôi tôm trên cát ở Hà Tĩnh phát triển bền vững phải nhìn nhận một cách toàn diện, đồng thời cân đối, hài hòa giữa các mục tiêu KT-XH và công tác bảo vệ môi trường, môi sinh.

Chưa muộn để bắt tay xử lý ô nhiễm môi trường từ nuôi tôm trên cát!

Chỉ đoạn bờ biển dài 500m ở thôn Đại Tiến, xã Thạch Trị (Thạch Hà) có đến 5 cơ sở nuôi tôm với diện tích 200 ha. Trong khi đó, hệ thống kênh mương cấp, thoát nước ở đây chưa được quy hoạch chi tiết.

Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Nguyễn Công Hoàng cho biết: Hà Tĩnh là địa phương thực hiện việc quy hoạch phát triển nuôi tôm trên cát muộn hơn so với các địa phương khác nên đã tính toán khá kỹ đến những tác động môi trường có thể xảy ra. Theo đó, tất cả những cơ sở nuôi phải thực hiện thủ tục báo cáo đánh giá tác động môi trường hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường. Tuy nhiên, quá trình triển khai dự án, nhiều cơ sở nuôi tôm không tuân thủ nghiêm các biện pháp bảo vệ môi trường, dẫn đến những tác động tiêu cực đối với môi trường xung quanh và hiệu quả nuôi tôm trên cát.

Chưa muộn để bắt tay xử lý ô nhiễm môi trường từ nuôi tôm trên cát!

Người dân Thịch Lộc bức xúc tố cáo cơ sở nuôi tôm của Công ty CP xây dựng Tiến Đạt xả thải ra môi trường làm ô nhiễm nguồn nước ngầm và bốc mùi hôi thối, lây lan dịch bệnh.

Theo tính toán sơ bộ, cứ 1 ha nuôi tôm thải ra gần hàng tấn chất thải rắn và hàng chục nghìn khối nước thải. Lượng thức ăn thừa và chất bài tiết của tôm kết hợp với quá trình chuyển hóa dinh dưỡng là nguyên nhân chính tạo nên các chất gây ô nhiễm, mặn hóa nguồn nước ngầm khiến dịch bệnh lây lan. Bên cạnh đó, nguồn chất thải nguy hại tại các cơ sở nuôi tôm trên cát chủ yếu là chai lọ, vỏ thuốc thú y, giẻ lau dính dầu mỡ… Mặc dù khối lượng phát sinh không nhiều nhưng hầu hết các cơ sở nuôi tôm vẫn chưa bố trí khu vực lưu giữ chất thải nguy hại theo quy định, chưa hợp đồng với đơn vị có chức năng vận chuyển, xử lý. Thực tế vẫn còn tình trạng để lẫn chất thải nguy hại với chất thải thông thường. Đây là nguy cơ tiềm ẩn ô nhiễm môi trường.

Chưa muộn để bắt tay xử lý ô nhiễm môi trường từ nuôi tôm trên cát!

Theo tính toán sơ bộ, cứ 1 ha nuôi tôm thải ra hàng tấn chất thải rắn và hàng chục nghìn m3 nước thải.

Ông Mai Văn Hoàng – Giám đốc Công ty TNHH Growbest Hà Tĩnh cho rằng, những năm gần đây, nuôi tôm trên cát phát triển tốc độ nhanh, tuy nhiên, nếu không có sự dẫn dắt, định hướng của cơ quan chuyên môn sẽ dẫn đến phát triển “nóng”, đối mặt nguy cơ bùng phát dịch bệnh...

Theo ông Hoàng, muốn khắc phục bất cập, hệ lụy trong nuôi tôm trên cát buộc phải có vùng quy hoạch và tuân thủ quy hoạch. Nhà nước cần hỗ trợ, đầu tư hệ thống hạ tầng chung cho cả vùng, xây dựng khu xử lý nước thải tập trung, các hộ nuôi tôm trên cát sẽ đầu tư đường dẫn để gom chung các chất thải vào đó, xử lý triệt để trước khi đưa ra môi trường bên ngoài.

Cũng trên cơ sở Nhà nước đầu tư hạ tầng kiên cố, người nuôi tôm sẽ hoàn chỉnh các yếu tố hạ tầng khác như thủy lợi, công trình ao nuôi, qua đó, đầu tư bài bản, sử dụng tôm giống sạch, áp dụng quy trình nuôi tôm hiện đại, bài bản, chăm sóc tôm nuôi chu đáo, xử lý nhanh các phát sinh trong nuôi tôm.

Đồng quan điểm trên, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi - Thú y Đặng Thị Thu Hoàn đề nghị chính quyền địa phương và các cơ quan liên quan phải tổ chức quản lý, giám sát và thực hiện theo quy hoạch đã được phê duyệt (trong đó, chú trọng công khai quy hoạch để người dân biết thực hiện, vừa giám sát việc thực hiện ở cơ sở). Huy động, lồng ghép các nguồn lực đầu tư hạ tầng các vùng nuôi tập trung.

Chưa muộn để bắt tay xử lý ô nhiễm môi trường từ nuôi tôm trên cát!

Nhiều ao nuôi ở Cẩm Hòa, Cẩm Dương (Cẩm Xuyên) không còn hoạt động

Dưới góc nhìn chuyên môn, bà Hoàn khuyến cáo, các tổ chức, cá nhân nuôi tôm phải nêu cao ý thức cộng đồng trong nuôi tôm, tránh việc “mạnh ai nấy làm”; xây dựng hạ tầng đồng bộ, trong đó, chú trọng cấp thoát nước, tránh việc đặt ống cấp của khu, cơ sở nuôi này sát cạnh hoặc chồng lên hệ thống thoát thải của khu nuôi, cơ sở khác; không tháo xả nước và tôm nuôi bị dịch bệnh nguy hiểm ra môi trường chưa qua xử lý.

Để giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do hoạt động nuôi tôm trên cát, Phó Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường Đặng Hữu Bình cho rằng, các cấp, ngành, chính quyền cần tăng cường công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các cơ sở nuôi tôm trên cát; nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và xác nhận kế hoạch bảo vệ môi trường. Các cơ sở cần tăng cường quan trắc, cảnh báo môi trường ở các vùng nuôi tập trung, vùng cửa sông, ven biển để kịp thời phát hiện tình trạng ô nhiễm môi trường.

Chủ đề Ô nhiễm môi trường

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast