Liên kết nông dân Hà Tĩnh qua tổ hội, chi hội nghề nghiệp

(Baohatinh.vn) - Sau gần 2 năm triển khai đề án “Xây dựng chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp” của Trung ương Hội Nôg dân Việt Nam, nhiều tổ hội, chi hội ở Hà Tĩnh đã dần đi vào sản xuất, kinh doanh ổn định, có những bước tiến khá vững chắc.

Mô hình chi hội nghề nghiệp, tổ hội nghề nghiệp được hội viên nông dân Hà Tĩnh thành lập trên cơ sở cùng lĩnh vực lao động, ngành nghề sản xuất, kinh doanh, dịch vụ; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng trách nhiệm và cùng hưởng lợi.

Liên kết nông dân Hà Tĩnh qua tổ hội, chi hội nghề nghiệp

Nhờ thành lập tổ hội nghề nghiệp, nghề mây tre đan thôn Quý “lên hương” trở lại.

Trong điều kiện khó khăn chung của các làng nghề truyền thống, những nông dân thôn Quý, xã Thạch Liên, Thạch Hà đã liên kết với nhau, thành lập tổ hội nghề nghiệp mây tre đan. Nhờ máy móc hiện đại, các công đoạn chuẩn bị vật liệu chiếm ít thời gian và công sức hơn, người dân chỉ tập trung vào việc đan lát nên năng suất sản xuất cao hơn trước nhiều lần. Nhờ đó, giảm chi phí sản xuất, giá cả cạnh tranh hơn, sản phẩm sản xuất ngày càng nhiều song vẫn không kịp cung ứng thị trường, nghề mây tre đan “lên hương” trở lại.

Tương tự, Chi hội nghề nghiệp mộc và đóng thuyền thôn Bến Đền (xã Trường Sơn, huyện Đức Thọ) được thành lập từ năm 2017 với 55 hội viên. Các sản phẩm được sản xuất như: Đóng thuyền, bàn thờ, giường, bàn ghế các loại... Sau khi ra mắt, chi hội đã ổn định tổ chức và phân chia thành 3 tổ hội: Tổ hội đóng thuyền, tổ hội làm mộc, tổ hội làm dịch vụ buôn bán.

Liên kết nông dân Hà Tĩnh qua tổ hội, chi hội nghề nghiệp

Chi hội nghề nghiệp mộc và đóng thuyền thôn Bến Đền được thành lập với 55 hội viên. Đến nay, chi hội đã nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển thương hiệu nghề truyền thống đóng thuyền của xã Trường Sơn

Từ 1 tỷ đồng cho vay theo chính sách hỗ trợ của Hội Nông dân tỉnh, chi hội đã hỗ trợ 10 hội viên đang gặp khó khăn vay vốn, tạo thêm động lực để yên tâm sản xuất, xây dựng niềm tin đối với phong trào. Đến nay, chi hội đã nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, phát triển thương hiệu nghề truyền thống đóng thuyền của xã Trường Sơn. Quy mô và chất lượng sản phẩm ngày càng được nâng cao, việc làm của hội viên ổn định và phát triển, thu nhập của hội viên ngày càng cao.

Ông Nguyễn Công Hoành, một hội viên chia sẻ: Năm 2017, gia đình được hỗ trợ vay vốn 100 triệu đồng để đầu tư thiết bị, máy móc. Nhờ đó, giảm được sức lao động, sản phẩm có tính đồng đều và sản xuất ổn định hơn. Từ đó đến nay, thu nhập của gia đình và người làm tăng đáng kể, trung bình đạt gần 10 triệu đồng/tháng."

Liên kết nông dân Hà Tĩnh qua tổ hội, chi hội nghề nghiệp

Nhiều hội viên chi hội nghề nghiệp Bến Đền đầu tư máy móc hiện đại để giải phóng sức lao động.

Bà Nguyễn Thị Nhuần - Phó Chủ tịch Hội Nông tỉnh cho biết, đến hiện tại, toàn tỉnh có 14 tổ hội, chi hội nghề nghiệp. Nhìn chung, các mô hình đều phát huy hiệu quả, đặc biệt trong mối liên kết giữa người nông dân với nhau. Đây cũng là tiền đề để thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã, góp phần thực hiện các chủ trương của Đảng, Nhà nước trong việc tiếp tục đổi mới, phát triển nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể.

Bên cạnh nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân, hội đang tiếp tục phối hợp với các ngân hàng giúp tổ hội nghề nghiệp tiếp cận các nguồn vốn để đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh. Mặt khác, đẩy mạnh kiểm tra, giám sát việc xây dựng mô hình, qua đó kịp thời phát hiện các khó khăn, vướng mắc và đề ra giải pháp, hỗ trợ kịp thời.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast