Mua lợn giống ngoại tỉnh, người dân “rước” dịch tả lợn châu Phi về Can Lộc

(Baohatinh.vn) - Sáng 10/7, các ngành chức năng huyện Can Lộc (Hà Tĩnh) đã tổ chức tiêu hủy 20 con lợn bị dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) của gia đình anh Hồ Phúc Tiến ở thôn Làng Khang, xã Thuần Thiện. Công tác khống chế dịch lây lan đồng thời được huyện Can Lộc gấp rút triển khai.

Hộ chăn nuôi chủ quan

Vào tháng 6/2019, anh Hồ Phúc Tiến đặt mua 65 con lợn giống từ Công ty TNHH Japfa Chi nhánh tại Hòa Bình. Theo anh Tiến, đây là lần đầu tiên gia đình đặt mua giống tại công ty này. Trước khi mua, anh cũng đã tìm hiểu kỹ mọi thông tin và tin tưởng vào thương hiệu của công ty qua sự giới thiệu của một số người quen biết. Sau khi chuyển tiền, đêm 22/6, 65 con lợn giống đã được nhập về trại nuôi của anh ở xứ đồng Cố Trâm thuộc thôn Làng Khang.

Mua lợn giống ngoại tỉnh, người dân “rước” dịch tả lợn châu Phi về Can Lộc

Lợn chết được ngành chức năng tiêu hủy, chôn lấp đúng quy trình

“Quá trình nhập con giống diễn ra vội vàng vào đêm tối và cũng bởi chủ quan nên tôi đã không kiểm tra kỹ giấy tờ. Mãi đến sáng hôm sau nhìn lại tôi mới phát hiện lợn giống do Công ty Japfa cung cấp không phải ở tỉnh Hòa Bình như hợp đồng miệng ban đầu tôi đã thỏa thuận, mà lại có địa chỉ ở Thái Thụy - Thái Bình (nơi tình hình DTLCP đang diễn biến phức tạp). Kiểm tra kỹ dấu kiểm dịch, tôi phát hiện chỉ có dấu của trạm kiểm dịch ở Thanh Hóa và Nghệ An” - anh Hồ Phúc Tiến cho biết.

Mua lợn giống ngoại tỉnh, người dân “rước” dịch tả lợn châu Phi về Can Lộc

Lấy mẫu bệnh phẩm để kiểm tra

Ngay sau khi thả vào chuồng, một số con đã có dấu hiệu bị ốm. Nhờ người tư vấn chăn nuôi chăm sóc, đàn lợn ốm có dấu hiệu phục hồi trở lại nhưng không được bao lâu.

Ngày 6/7, lợn bắt đầu chết 15 con và tiếp tục chết rải rác vào những ngày tiếp theo. Đến 9/7, tổng số lợn chết đã lên tới 50 con nhưng gia đình vẫn tự đào hố chôn lấp. Nghi ngờ lợn bị DTLCP qua các biểu hiện lâm sàng, người tư vấn chăn nuôi lẫy mẫu bệnh phẩm ở gia đình anh Hồ Phúc Tiến gửi ra Cục Thú y vùng 3 xét nghiệm.

Mua lợn giống ngoại tỉnh, người dân “rước” dịch tả lợn châu Phi về Can Lộc

Nỗi xót xa của người chăn nuôi trước "bão" dịch tả lợn châu Phi

Sáng 10/7, 15 con cuối cùng trong đàn lợn giống của anh Tiến mua từ tỉnh Thái Bình đã chết. Dịch bệnh cũng đã lây lan sang 5 con nái còn lại của gia đình, thiệt hại gần 80 triệu đồng (chưa kể kinh phí mua thức ăn chăn nuôi).

Đến lúc này, anh Tiến mới báo cáo với chính quyền địa phương. Ngay sau khi nhận được thông tin, xã Thuần Thiện đã kịp thời báo với lãnh đạo huyện và ngành chức năng để vào cuộc xử lý.

Cả hệ thống chính trị cấp bách chống dịch

Ngay trong sáng 10/7, khi nhận được tin báo, lãnh đạo huyện Can Lộc đã kịp thời chỉ đạo ngành chức năng trực tiếp về tại hộ nuôi nắm bắt tình hình và chủ động xử lý. Phó Chủ tịch UBND huyện Nguyễn Duy Cường cho biết: “Trước mắt, chúng tôi đã chỉ đạo tiêu hủy ngay số lợn đã chết và cả những con đã nhiễm bệnh, đồng thời chỉ đạo các ngành chức năng lập chốt kiểm dịch ngay tại cửa ngõ vào khu vực trại nuôi ở xứ đồng Cố Trâm; cung cấp vôi bột, hóa chất để rải và phun tiêu độc khử trùng”.

Mua lợn giống ngoại tỉnh, người dân “rước” dịch tả lợn châu Phi về Can Lộc

Chốt kiểm dịch được lập ở ngõ ra vào khu vực chăn nuôi xứ đồng Cố Trâm ở thôn Làng Khang

Chiều 10/7, Chi cục Thú y vùng 3 xác nhận kết quả xét nghiệm mẫu bệnh phẩm trên đàn lợn của gia đình anh Hồ Phúc Tiến gửi vào ngày 9/7 dương tính với vi-rút gây bệnh DTLCP. “Đây là ổ dịch đầu tiên trên địa bàn huyện Can Lộc”, ông Nguyễn Khắc Khánh - Phó chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh khẳng định.

Theo ông Đoàn Minh Lương - Phó giám đốc Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc, đối với 3 hộ nuôi ở khu vực lân cận hộ anh Hồ Phúc Tiến, ngành chức năng cũng sẽ tiến hành xét nghiệm, nếu kết quả dương tính thì sẽ tổ chức tiêu hủy ngay.

Bên cạnh đó, các cấp, ngành tiếp tục đẩy mạnh công tác tuyên truyền, khuyến cáo người dân không tái đàn trong dịp này, không mua bán, vận chuyển, không giết mổ lợn trong vùng dịch và khi có lợn ốm chết phải kịp thời báo cho chính quyền địa phương.

Mua lợn giống ngoại tỉnh, người dân “rước” dịch tả lợn châu Phi về Can Lộc

Vôi bột được rắc trên các lối đi

Chiều 10/7, có mặt tại vùng đồng Cố Trâm thuộc thôn Làng Khang - nơi gia đình anh Hồ Phúc Tiến xây dựng trại lợn, chúng tôi bắt gặp những ánh mắt lo âu của người chăn nuôi trên địa bàn dù công tác triển khai phòng chống dịch lây lan đã được ngành chức năng huyện Can Lộc kịp thời triển khai.

Mua lợn giống ngoại tỉnh, người dân “rước” dịch tả lợn châu Phi về Can Lộc

Lãnh đạo Chi cục Chăn nuôi và Thú y Hà Tĩnh, Trung tâm Ứng dụng KHKT và Bảo vệ cây trồng, vật nuôi huyện Can Lộc động viên hộ nuôi và tuyên truyền, nhắc nhở gia đình thực hiện tốt công tác tiêu độc khử trùng khu vực chuồng trại

Anh Hồ Chính Kiên - hộ chăn nuôi có quy mô gần 200 con lợn cho biết: “Đây là khối tài sản lớn nên chúng tôi rất hoang mang, lo lắng khi dịch bệnh bùng phát. Chỉ mong các cấp, ngành, chính quyền địa phương khống chế thành công, không để tình trạng dịch bệnh lây lan để người chăn nuôi đỡ mất mát, thiệt hại”.

DTLCP đã chính thức xuất hiện trên địa bàn huyện Can Lộc vì chính sự chủ quan, thiếu ý thức của người chăn nuôi. Thiệt hại đã thấy rõ và nguy cơ dịch bệnh trên đàn lợn cũng đang rình rập đối với những hộ nuôi lân cận.

Chủ đề Dịch bệnh cây trồng - vật nuôi

Chủ đề PHÒNG CHỐNG DỊCH TẢ LỢN CHÂU PHI

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast