Nông dân Cẩm Xuyên "đắng lòng" nhìn lúa nảy mầm, vườn mẫu tan hoang

(Baohatinh.vn) - Sau trận lũ vừa qua, huyện Cẩm Xuyên còn trên 1.000 ha lúa bị ngập, chưa thu hoạch dẫn đến nhiều diện tích đã bị nảy mầm. Cùng đó, hàng nghìn tấn lúa chưa kịp phơi của nông dân cũng bị mốc meo, nảy mầm; nhiều vườn mẫu bị hư hại.

Video: Mưa lớn khiến nhiều diện tích lúa của nông dân Cẩm Xuyên bị hư hỏng nặng

Nhìn ruộng lúa sau bao nhiêu công chăm sóc nay nảy mầm trắng đồng khiến bà Phan Thị Nguyệt (thôn Nam Yên, xã Cẩm Nam) không khỏi chua xót.

Nông dân Cẩm Xuyên “đắng lòng” nhìn lúa nảy mầm, vườn mẫu tan hoang

Hàng loạt bông lúa mốc meo, nảy mầm trắng như cước khiến nhiều nông dân rơi vào cảnh khốn khó

Bà Nguyệt chia sẻ: "Vụ này, gia đình làm 1,6ha lúa. Thấy lúa vụ này phát triển tốt, ít sâu bệnh, bông đều và chắc nên hai vợ chồng đang mừng. Ai ngờ đợt mưa lớn làm cho lúa hư hỏng nặng. Giờ chỉ biết đứng nhìn từng thửa ruộng bị lấp trong nước chứ không biết làm gì hơn".

Nông dân Cẩm Xuyên “đắng lòng” nhìn lúa nảy mầm, vườn mẫu tan hoang

Thóc nảy mầm không sử dụng được khiến nhiều nông dân phải mang sấy làm thức ăn cho lợn, gà...

Kế bà Nguyệt, anh Nguyễn Văn Cu (thôn Nam Yên, xã Cẩm Nam) với khuôn mặt khắc khổ cho biết, vụ hè thu này gia đình ông làm được 1,9 ha lúa các loại, dự tính sẽ thu trên 5 tấn lúa. Tuy nhiên, mưa lớn kéo dài khiến toàn bộ lúa của gia đình ông bị mọc mầm, bốc mùi chua, hư hại hoàn toàn, phần thu hoạch về không phơi được, phần bị ngập úng ở ngoài đồng.

"Nảy mầm rồi thì đắng lắm, đành bỏ, người không ăn được, gà lợn cũng không nuốt nổi. May ra nghiền nát rồi ủ men nấu rượu thôi" - anh Cu xót xa chia sẻ.

Nông dân Cẩm Xuyên “đắng lòng” nhìn lúa nảy mầm, vườn mẫu tan hoang

Tranh thủ trời hửng nắng, anh Nguyễn Văn Cu mang số lúa còn lại ra sân phơi khô, tránh hư hỏng nặng

Để nỗ lực cứu những "hạt vàng" còn sót lại, chị Nguyễn Thị Nhung (thôn Tiến Hưng, xã Cẩm Nam) phải đôn đáo thúc giục mọi người trong gia đình đưa hết lúa trong nhà ra phơi khô ngay khi trời vừa hửng nắng.

Từ nhà chị đến điểm sấy lúa khá xa lại tốn kém chi phí nên chị cố gắng đổ lúa ra sàn nhà để phơi, tránh gây ẩm mốc. Những chiếc quạt máy cũng được sử dụng hết công suất để nỗ lực cứu những "hạt vàng" của cả gia đình.

Chị Nhung cho biết: "Cứ nghĩ xanh nhà hơn già đồng nhưng lúa gặt về cũng không phơi được, gia đình tôi phải liền tay thay nhau cào xới để lúa không bị ẩm mốc, mọc mầm".

Nông dân Cẩm Xuyên “đắng lòng” nhìn lúa nảy mầm, vườn mẫu tan hoang

Người nông dân phải tận dụng hết không gian, phương tiện trong gia đình để nỗ lực cứu "hạt vàng"

Ông Nguyễn Văn Dương - Chủ tịch UBND xã Cẩm Nam cho biết: "Toàn xã hiện có 480 ha lúa, hiện đã thu hoạch được 341 ha, còn lại 139 ha chưa thu hoạch được. Do mưa lớn kéo dài nhiều ngày đã khiến số lúa chưa thu hoạch được hư hỏng hoàn toàn.

Không có chỗ để phơi phóng trong nhiều ngày qua khiến tình trạng lúa lên men, ẩm mốc, mọc mầm diễn ra hầu hết ở các hộ nông dân trong toàn xã. Vì vậy, chính quyền xã đã tiến hành làm thuỷ lợi, khơi thông dòng chảy dọc sông Sóc và các tuyến mương tiêu nước của các thôn đồng thời vận động bà con chủ động sấy lúa tại nhà để giảm phần lúa bị hư hỏng nặng".

Mưa lớn kéo dài trong nhiều ngày qua còn gây ngập úng, hư hại hơn 380 vườn hộ có giá trị kinh tế cao tại xã Cẩm Bình.

Nông dân Cẩm Xuyên “đắng lòng” nhìn lúa nảy mầm, vườn mẫu tan hoang

Nhiều loại rau quả trong vườn hộ ở Cẩm Bình bị dập nát, ngập úng

Theo khảo sát của chính quyền địa phương, trong đợt mưa kéo dài này ở Cẩm Bình đã có 382 vườn hộ trồng rau màu, cây ăn quả bị ngập úng và hư hại nghiêm trọng.

Nông dân Cẩm Xuyên “đắng lòng” nhìn lúa nảy mầm, vườn mẫu tan hoang

Theo thống kê, toàn xã Cẩm Bình có 382 vườn hộ bị ngập úng, hư hại

Có mặt tại vườn hộ ông Nguyễn Kỳ Toàn (thôn Tân An) là khung cảnh tan hoang khi hơn 4.200m2 đất vườn trồng mướp ngọt, mướp đắng, rau, cây ăn quả bị ngập úng, hư hại. Các giàn mướp bị gãy, sập, vùi dập bởi đất và nước.

Nông dân Cẩm Xuyên “đắng lòng” nhìn lúa nảy mầm, vườn mẫu tan hoang

Khu vườn 4.200 m2 của ông Nguyễn Kỳ Toàn bị mưa lũ vùi dập tan hoang

“Diện tích vườn rộng nên thu nhập từ vườn mang lại rất lớn, chỉ tính riêng tiền từ bán mướp đắng và mướp ngọt, mỗi ngày đã mang lại khoảng 300 ngàn đồng. Giờ bị ngập và vùi dập như thế này rồi thì khi nắng lên chắc chắn cây sẽ bị héo và chết” – ông Toàn chia sẻ.

Nông dân Cẩm Xuyên “đắng lòng” nhìn lúa nảy mầm, vườn mẫu tan hoang

Giàn mướp của gia đình ông Toàn bị gãy đổ hoàn toàn

Còn ông Nguyễn Trần Hồng (thôn Tân An) nhìn cảnh hơn 2.700m2 đất vườn trồng rau cải, ràu mồng tơi và mướp bị ngập nước, vùi dập không khỏi xót xa.

“Rau vừa trồng chưa kịp thu hoạch được bao nhiêu thì giờ đã bị ngập trong nước hết rồi, tiếc cái công bỏ ra chú ạ. Chắc chờ nắng lên sẽ cải tạo làm lại” – ông Hồng cho biết.

Nông dân Cẩm Xuyên “đắng lòng” nhìn lúa nảy mầm, vườn mẫu tan hoang

Người của gia đình ông Nguyễn Trần Hồng đang dựng lại các cây gãy, đổ trong vườn

Theo Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình Nguyễn Thiên Toàn, hiện xã đang tập trung cao cho việc hoàn thiện các tiêu chí để phấn đấu đạt xã NTM kiểu mẫu đầu tiên của huyện Cẩm Xuyên, tuy nhiên, các vườn hộ nhất là các vườn mẫu bị hư hại nghiêm trọng ảnh hưởng lớn đến tiến độ nhiệm vụ này.

Nông dân Cẩm Xuyên “đắng lòng” nhìn lúa nảy mầm, vườn mẫu tan hoang

Vườn hộ bị hư hại ảnh hướng rất lớn đến thu nhập hàng ngày của bà con

“Trước mắt, sau khi ngớt mưa xã chỉ đạo bà con và các lực lượng tiến hành vệ sinh môi trường, cải tạo, dọn dẹp lại các vườn bị thiết hại, sau đó sẽ vận động, hỗ trợ các hộ khắc phục, chỉnh trang lại các vườn để đảm bảo thu nhập cũng như hoàn thành các tiêu chí trong xây dựng NTM kiểu mẫu” – Phó Chủ tịch UBND xã Cẩm Bình cho biết thêm.

Ngoài hơn 1.000 ha lúa bị ngập trong nước, chưa được thu hoạch với nhiều diện tích bị nảy mầm, Cẩm Xuyên còn hơn 22 ha tôm nuôi tại xã Cẩm Phúc bị mất trắng, gây thiệt hại không nhỏ với các hộ nuôi.

Chủ đề Mưa lũ ở Hà Tĩnh

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast