Sản xuất hè thu 2018: “Căng” thời vụ, "nghèo" giống chủ lực

(Baohatinh.vn) - Bức bách về thời vụ, tình hình sâu bệnh phức tạp trên một số loại giống chủ lực khiến cho nhiều địa phương tại Hà Tĩnh lúng túng trong việc lựa chọn cho mình bộ giống thích hợp… là những vấn đề mà vụ hè thu 2018 đang phải đối mặt…

san xuat he thu 2018 cang thoi vu ngheo giong chu luc

Lúa xuân đã trổ bông đạt 90%, ít nhất 20 ngày nữa mới bắt đầu cho thu hoạch

Hiện nay, 90% diện tích lúa xuân đã trổ bông, có nghĩa là ít nhất 20 ngày nữa mới bắt đầu kỳ thu hoạch. Ông Nguyễn Trí Hà - Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt & BVTV tỉnh cho biết: “Với tiến độ này, thời vụ hè thu có thể chậm hơn so với năm 2017 từ 7-10 ngày do phản ứng liên hoàn từ vụ xuân. Trong điều kiện này, các địa phương phải sẵn sàng các phương án đốc thúc tiến độ thu hoạch lúa xuân, đồng thời “ép” thời vụ hè thu mới đảm bảo được kế hoạch”.

Các năm trước, Kỳ Anh luôn là địa phương khá “thảnh thơi” với thời vụ hè thu do kết thúc sớm thu hoạch lúa xuân. Thế nhưng, năm nay theo tính toán thì kỳ gieo cấy lúa hè thu khó có thể kết thúc trước 15/6. Ông Lê Văn Trọng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện cho biết: “Như năm ngoái, thời vụ gieo cấy kết thúc vào 10/6, thu hoạch xong 3 ngày thì bão số 10 đổ bộ. Hiện nay, các trà lúa xuân đang trổ rộ, muộn hơn các năm 10 ngày. Ép “căng” nhất thì cũng phải 15/6 mới hoàn thành gieo cấy vụ hè thu”.

Trong khi đó ở Can Lộc, một số vùng nằm ở cuối nguồn kênh tưới, vào cao điểm, nhu cầu cần nước của các địa phương cao, cộng với thời tiết khô hạn, nắng gắt thì việc hoàn thành kế hoạch trước 10/6 khó thành hiện thực. “Muốn thời vụ đáp ứng được chỉ có cách bắc mạ cấy. Tuy nhiên, ngoại trừ một số vùng có tập quán, còn lại rất khó để thực hiện vì lực lượng lao động thiếu, thời gian gấp rút nên bà con không thể xoay xở kịp”, bà Thái Thị Hương (xã Vượng Lộc, Can Lộc) cho hay.

san xuat he thu 2018 cang thoi vu ngheo giong chu luc

Không kịp thời vụ, nguy cơ bỏ hoang sẽ tiếp tục tiếp diễn trong vụ hè thu 2018. Ảnh tư liệu

Một trong những giải pháp an toàn mà các địa phương nghĩ đến, chính là cơ cấu giống lúa phù hợp (nằm trong khung 100 ngày). Điểm lại trong 10 giống chủ lực, số có thể đảm bảo được khung thời gian sinh trưởng này là: PC6, TH3-3, Xuân mai, VTNA2, TH3-5, KD ĐB. Điều đáng nói, việc sử dụng còn phải phụ thuộc vào vùng miền, hệ sinh thái, do đó, tạo ra áp lực cơ cấu giống rất lớn cho các địa phương.

Ông Nghiêm Sỹ Đông - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Đức Thọ cho hay: “Từ rất lâu người dân Đức Thọ đã không còn dùng XM 12, KD mà hướng vào dòng chất lượng”. Hoặc, ở một số địa phương miền xuôi, tập quán bà con nông dân là không sản xuất các loại lúa lai như TH3-3 hay TH3-5. Thế mới nói, các địa phương cũng không dễ dàng gì chọn cho mình bộ giống lúa “tinh” cho vụ hè thu 2018.

san xuat he thu 2018 cang thoi vu ngheo giong chu luc

Giữa lúc bộ giống chủ lực không lấy gì "dư giả" thì thực trạng sâu bệnh, gây lép lửng ở vụ xuân khiến các địa phương không khỏi băn khoăn khi chọn giống chủ lực cho vụ tiếp theo

Đó là chưa kể, giống lúa chiếm tỷ lệ lớn nhằm phục vụ nhu cầu thóc ăn là VTNA2 lại liên tiếp bị sâu bệnh ở vụ xuân này. Khả năng chống chịu của giống này không đảm bảo trong điều kiện canh tác khắc nghiệt như vụ hè thu. Trong khi đó, khuyến cáo của ngành chức năng là không bố trí giống VTNA2 ở vùng bị nhiễm đốm nâu, tiêm lửa trong vụ xuân, những vùng cát pha, đất nghèo dinh dưỡng, đất chua phèn và vùng không chủ động thủy lợi. E rằng, các địa phương khó mà “giải đố” trong bài toán lựa chọn này.

Theo dự báo của cớ quan khí tượng thủy văn, lượng mưa vụ hè thu 2018 tiếp tục tập trung vào cuối vụ (tháng 9- 10), và tổng lượng mưa có thể tăng lên 15- 30% so với trung bình nhiều năm. Đây là một nguy cơ đối vpis vụ sản xuất hè thu nhiều bất lợi.

Chủ đề Cây trồng - Mùa vụ

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast