Vụ này, nhiều người trồng chè ở huyện miền núi Hà Tĩnh "cháy túi"

(Baohatinh.vn) - Sau đợt nắng nóng kéo dài kỷ lục vừa qua, hơn 170 ha chè công nghiệp thuộc quyền quản lý của Xí nghiệp chè 20/4 (Công ty CP Chè Hà Tĩnh) tập trung tại các xã Hương Trà, Hương Xuân...(huyện Hương Khê) đã bị ảnh hưởng nặng nề. Người trồng chè nơi đây đang lâm vào cảnh trắng tay trong vụ chè năm nay.

Sản lượng chè tụt dốc không phanh

Vụ này, nhiều người trồng chè ở huyện miền núi Hà Tĩnh “cháy túi”

Vườn chè của bà Trần Thị Châu chết trắng vì đợt nắng nóng kỷ lục trong hơn 2 tháng qua.

Nhìn vườn chè chết trắng gốc, bà Trần Thị Châu (thôn Tân Hương, xã Hương Trà) buồn bã cho biết: Khoảng 80% diện tích không thể cho thu hoạch trong vụ năm nay. Thậm chí nhiều gốc trên 5 năm đã bị chết cháy, phải chuẩn bị chặt bỏ đi để trồng cây mới vào tháng 11 tới.

"Gia đình tôi mất trắng hơn 40 triệu đồng, biết bao công chăm sóc, tiền phân bón, tưới tiêu năm nay coi như đổ xuống sông xuống biển. Chưa năm nào gia đình lâm vào cảnh khó khăn như năm nay" - bà Châu ngậm ngùi.

Vụ này, nhiều người trồng chè ở huyện miền núi Hà Tĩnh “cháy túi”

Lá chè bị cháy, khô quắt đi vì nắng nóng kéo dài.

Nắng nóng đỉnh điểm, kéo dài hàng tháng trời cũng đã khiến 0,5 ha chè trồng mới, chưa kịp cho thu hoạch của gia đình anh Nguyễn Văn Quyết (thôn Tân Phú, xã Hương Xuân) héo rũ rồi chết dần. Anh Quyết nhẩm tính: "Công chăm sóc, mua giống, phân bón… gia đình cũng mất gần 45 triệu đồng. Và quan trọng hơn, chúng tôi phải trồng lại lứa mới và chờ tiếp 2 năm nữa mới có thể thu hoạch".

Vụ này, nhiều người trồng chè ở huyện miền núi Hà Tĩnh “cháy túi”

Gần 10% diện tích chè kinh doanh của người dân trong vùng quản lý của Xí nghiệp Chè 20/4 phải chặt bỏ do không có khả năng hồi phục.

Ông Phạm Văn Vinh – Giám đốc Xí nghiệp Chè 20/4 (Công ty CP Chè Hà Tĩnh) cho biết: Chưa bao giờ xí nghiệp khốn đốn như năm nay. Gần 10% diện tích chè của nông trường bị cháy sém, chết, khó lòng khôi phục được, chủ yếu tập trung ở các thôn như Tiền Phong, Bắc Trà, Đông Trà (xã Hương Trà); thôn Tân Phú (xã Hương Xuân)... Hơn 2 tháng nay, với trên 170 ha chè kinh doanh, công ty chỉ thu được chưa đến 170 tấn từ các hộ dân, trong khi sản lượng trung bình khi bước vào chính vụ phải đạt gần 200 tấn/tháng, mọi hoạt động của xí nghiệp gần như đình trệ.

Vụ này, nhiều người trồng chè ở huyện miền núi Hà Tĩnh “cháy túi”

Nắng nóng kỷ lục đã khiến cho sản lượng chè sụt giảm

"Tính chung 7 tháng đầu năm nay, chúng tôi chỉ thu về gần 850 tấn chè từ người dân, thấp hơn gần 230 tấn so với cùng kì năm trước, đồng nghĩa với việc đơn vị thất thu gần 1,8 tỷ đồng. Hơn nữa, nắng nóng khắc nghiệt cũng khiến chất lượng chè bị giảm sút, tỉ lệ thu hồi sản phẩm đạt thấp” - ông Vinh nói thêm.

"Cõng nước" cứu chè

Vụ này, nhiều người trồng chè ở huyện miền núi Hà Tĩnh “cháy túi”

Người dân phải tiến hành đầu tư hệ thống nước tưới, bơm nước từ các hồ dự trữ để chống hạn cho diện tích trên đồi cao.

Bà Phạm Thị Thanh (thôn Tiền Phong, xã Hương Trà) là một trong những hộ may mắn cứu được vườn chè của gia đình nhờ “dốc vốn” 30 triệu đồng làm hệ thống tưới. Bà Thanh chia sẻ: “Chưa năm nào người dân phải vật vã chống hạn như năm nay, tiền bán chè thậm chí còn không đủ trả tiền điện đã tiêu thụ trong gần 3 tháng qua. Nhưng "còn nước còn tát", chúng tôi tập trung phun nước cả ngày lẫn đêm để vườn có độ ẩm, cứu được từng nào hay chừng ấy”.

May mắn là vào đầu tháng 8, trên địa bàn huyện Hương Khê đã xuất hiện các đợt mưa giông, gia đình bà Thanh và các hộ trồng chè khác đang tiến hành cắt tỉa những cành cây bị cháy và ủ gốc để giữ độ ẩm cho cây.

Vụ này, nhiều người trồng chè ở huyện miền núi Hà Tĩnh “cháy túi”

Những cơn mưa giông từ đầu tháng 8 đã "cứu sống" nhiều diện tích chè

Cách vườn bà Thanh không xa, gia đình anh Nguyễn Văn Lộc cũng đã bỏ gần 20 triệu để "kéo nước lên non", cứu vườn chè đang trong tình trạng “hấp hối”. Theo anh Lộc, vì vườn chè của gia đình xa nguồn nước nên phải đầu tư kéo đường ống. Và, dù đã dốc sức tưới nước nhưng 2 tháng qua, chất lượng chè đạt thấp, lá non chưa kịp nhú lên thì đã bị cháy sém. Vụ này thất thu.

Vụ này, nhiều người trồng chè ở huyện miền núi Hà Tĩnh “cháy túi”

Người dân và xí nghiệp chè đang ươm trồng trên 18 vạn bầu chè, chuẩn bị trồng mới và thay thế các cây đã bị chết, không có khả năng khôi phục vào tháng 11 năm nay.

Được biết, trong đợt nắng nóng kỷ lục vừa qua, gần 360 hộ dân sản xuất trên diện tích 170 ha chè của xí nghiệp đã phải đầu tư hơn 300 triệu để nâng cấp đường ống, nối máy... bơm nước cứu các diện tích chè đang chết rũ vì nắng.

Ông Phạm Văn Vinh – Giám đốc Xí nghiệp chè 20/4 cho biết: "Hiện thời tiết đang có những chuyển biến tốt hơn, những trận mưa giông vừa qua đã giúp những đồi chè tạm qua cơn nguy kịch. Chúng tôi đang hướng dẫn người dân cắt tỉa cây, giữ độ ẩm, chặt bỏ các cây chết cháy… để khôi phục diện tích và sản xuất. Đồng thời, tiến hành ươm bầu 18 vạn cây để chờ trồng mới trong tháng 11 sắp tới, thay thế các cây đã bị chết cháy hoặc chất lượng không đảm bảo”

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast