Vựa rau lớn nhất TP Hà Tĩnh tất bật “đón” thị trường Tết

(Baohatinh.vn) - Với 15ha diện tích trồng rau các loại, hiện nay, xã Thạch Môn là địa phương có vùng sản xuất rau hàng hóa lớn nhất của TP Hà Tĩnh. Thời điểm này, bà con địa phương đang tập trung sản xuất để chuẩn bị hàng hóa phục vụ thị trường trong dịp Tết sắp tới.

Vựa rau lớn nhất TP Hà Tĩnh tất bật “đón” thị trường Tết

Trên những cánh đồng rau của xã Thạch Môn không khí sản xuất đang diễn ra sôi nổi.

Những ngày này, bà con đang tập trung chăm bón, làm mái che vòm thấp để đảm bảo cho các diện tích gieo trồng rau ngắn ngày, cà rốt, súp lơ, bắp cải sinh trưởng, phát triển kịp phục vụ tết nguyên đán.

Vựa rau lớn nhất TP Hà Tĩnh tất bật “đón” thị trường Tết

Hiện nay, toàn xã có 15 ha diện tích rau màu các loại được trồng và chăm sóc quanh năm.

Thôn Quyết Tiến được biết đến là vùng chuyên sản xuất các loại rau cao cấp như su hào, cà rốt, súp lơ, bắp cải với diện tích 5ha được phân bố tập trung. Được biết, đây là thôn có diện tích trồng rau nhiều nhất xã với 42 hộ gia đình có thu nhập chính từ trồng rau.

Vợ chồng chị Đặng Thị Ngại (thôn Quyết Tiến) sau nhiều năm bôn ba đã quyết định về quê lập nghiệp. Nhận thấy việc trồng rau sạch có khả năng mang lại lợi nhuận cao, vụ Đông năm nay vợ chồng chị mạnh dạn đầu tư 150 triệu đồng làm nhà lưới trồng rau trên diện tích 280m2 đất vườn.

Vựa rau lớn nhất TP Hà Tĩnh tất bật “đón” thị trường Tết

Nhiều hộ đã đầu tư làm nhà lưới kiên cố, vững chắc để vừa trồng rau, vừa trồng lạc, xen canh, gối vụ quanh năm. Trong ảnh: Chị Đặng Thị Ngại (thôn Quyết Tiến) đầu tư trồng dưa chuột Nhật Bản trong nhà lưới.

Toàn bộ mô hình được xây dựng theo hướng sản xuất công nghệ cao với hệ thống nhà lưới kiên cố, công nghệ tưới nước nhỏ giọt điều khiển tự động, đất, phân bón được xử lý kỹ thuật theo đúng quy trình trồng rau sạch.

“Sẵn có kinh nghiệm, kỹ thuật trong thời gian làm việc ở các trang trại miền Nam, vụ này, tôi đầu tư gieo trồng gần 900 gốc dưa chuột Nhật Bản, đồng thời áp dụng quy trình chăm sóc theo tiêu chuẩn VietGAP. Với điều kiện thời tiết thuận lợi như hiện nay, sau khoảng 45 ngày sẽ cho thu hoạch. Theo dự kiến, mỗi gốc dưa sẽ cho 2kg quả với giá thị trường từ 45 - 50 nghìn đồng/kg. Điều mừng là hiện nay tôi đã nhận được khá nhiều đơn hàng…” – chị Đặng Thị Ngại (thôn Quyết Tiến) cho biết.

Ông Trần Đình Đàn là một trong những hộ gia đình trồng rau lâu năm tại thôn Trung Tiến. Trước đây, gia đình ông chủ yếu trồng rau sạch để tự cung cấp phục vụ bữa ăn của gia đình. Tuy nhiên, nhận thấy rau phát triển tốt lại cho nguồn thu nhập khá nên ông quyết định mở rộng diện tích đất vườn lên gần 1000m2 để trồng các loại rau ngắn ngày theo phương thức thâm canh, gối vụ và 500m2 đất ruộng trồng các loại rau cao cấp.

Vựa rau lớn nhất TP Hà Tĩnh tất bật “đón” thị trường Tết

Vườn rau của ông Trần Đình Đàn (thôn Trung Tiến) cho thu nhập bình quân 300 nghìn/ngày.

“Với cách chăm sóc cẩn thận, tỉ mỉ theo phương thức truyền thống như làm đất, bón phân đúng chu trình sinh trưởng, không sử dụng thuốc kích thích và chất hóa học, các sản phẩm rau của gia đình được bà con trong xã ưa chuộng. Trung bình mỗi ngày, vườn rau của tôi cho thu nhập 300 nghìn đồng, dịp Tết thì khoảng 500/nghìn đồng/ngày” – ông Trần Đình Đàn chia sẻ.

Chủ tịch Hội nông dân xã Thạch Môn Trần Văn Đảm cho biết: “Ngoài cơ chế hỗ trợ của TP Hà Tĩnh, chính quyền xã đã có các chính sách khuyến khích phát triển. Theo đó, xã hỗ trợ 10 triệu đồng/1 nhà lưới; hỗ trợ 100% tiền giống, 50% tiền đầu tư cọc bê tông, kinh phí làm hàng rào đối với các vùng chuyên canh khi mở rộng diện tích; hỗ trợ 10 triệu đồng/ha tích tụ ruộng đất".

Nhiều năm nay, tận dụng lợi thế đất cát, đất cát pha thịt phù hợp với sinh trưởng của các loại rau màu, nhiều hộ dân đã mạnh dạn mở rộng diện tích trồng rau chuyên canh đem lại thu nhập khá. Đặc biệt, thực hiện chương trình dồn điền đổi thửa, UBND xã đã vận động người dân chuyển đổi diện tích đất xấu, đất trồng lúa kém hiệu quả sang trồng rau.

Để từng bước tạo dựng thương hiệu rau sạch của địa phương và bảo đảm đầu ra cho sản phẩm, xã Thạch Môn tiếp tục tăng cường tập huấn nâng cao kỹ thuật, nhận thức của người dân sản xuất sản phẩm theo hướng an toàn; khuyến khích đầu tư trồng rau theo mô hình nhà lưới bảo đảm an toàn vệ sinh; nghiên cứu hình thành các tổ hợp tác trồng rau sạch nhằm giúp bà con liên kết với các hợp tác xã, doanh nghiệp mở rộng sản xuất, nâng cao thu nhập.

Chủ đề Nông nghiệp, nông thôn và nông dân

Đọc thêm

Tin mới Emagazine Truyền hình Podcast