Vốn chăm chỉ học hành, từ lúc còn học THCS, Nguyễn Bình Phương đã luôn là một học sinh giỏi, nhất là môn Lịch sử. Lúc bấy giờ, cô học trò trường huyện rất yêu thích môn Lịch sử bởi những bài học về lịch sử Việt Nam và nhất là lịch sử thế giới luôn cuốn hút cô bé. Phương cho biết: “Em rất kính yêu Bác Hồ và em luôn nhớ lời dạy của Người “Dân ta phải biết sử ta, cho tường gốc tích nước nhà tổ tiên”. Em nghĩ, học sử, tìm hiểu sâu về lịch sử đất nước cũng là cách để thể hiện lòng yêu nước của mình. Nếu hiểu đúng, hiểu sâu về tiến trình lịch sử dân tộc thì lòng tự hào dân tộc càng được nuôi dưỡng”.
Năm lớp 9, Bình Phương đã từng đoạt giải kỳ thi học sinh giỏi huyện môn Lịch sử và từng được gọi vào học đội dự tuyển thi học sinh giỏi tỉnh ở huyện. Tuy nhiên, hồi ấy, do hoàn cảnh gia đình khó khăn, em chỉ có thể di chuyển bằng xe đạp, trong khi các bạn cùng đội tuyển đi xe đạp điện. Đi được mấy buổi, sức khỏe không đáp ứng được nên Phương đành tạm gác giấc mơ chinh phục kỳ thi học sinh giỏi tỉnh của mình. Phương nhớ lại: “Hồi đó em buồn lắm, bố đi làm ăn xa, mẹ bận buôn bán và chăm em nhỏ, nhà em lại không dư giả về kinh tế nên đành từ bỏ. Tuy nhiên, em cũng nghĩ rằng, giải thưởng không phải là đích đến cuối cùng của mình. Thu nhận kiến thức để làm đầy mình mới là điều quan trọng nhất”.
Năm lên lớp 10, giấc mơ chinh phục kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lại một lần nữa bị bỏ lỡ khi em bị loại khỏi đội tuyển học sinh giỏi môn Lịch sử của Trường THPT Nguyễn Đình Liễn. Với tố chất thông minh, học đều các môn, cô giáo phụ trách đội tuyển Địa lý của trường đã bổ sung em vào đội tuyển Địa lý thi vượt cấp. Cô nữ sinh trường huyện không hề biết rằng, đó là bước ngoặt quan trọng làm thay đổi nhận thức, tư duy của mình về sau. Đó mới thực sự là cơ hội để em biết rằng, mình còn có một giấc mơ khác với hoài bão lớn lao hơn.
Trở thành thành viên đội tuyển Địa lý khi tất cả các bạn đều đã học ôn cách đó mấy tháng, Nguyễn Bình Phương học và thi với tâm lý hết sức bình thản. Em nói: “Lúc ấy em chỉ nghĩ, mình phải cố gắng để đáp lại sự tin tưởng của cô giáo. Cũng may là chương trình Địa lý lớp 11 rất lý thú. Các bài học đã đưa em đến với những đất nước xa. Và cũng từ đó, em bắt đầu phát hiện ra giấc mơ đích thực của mình. Giấc mơ được đến, khám phá các miền đất trên thế giới”.
Năm ấy, Bình Phương đã đoạt giải ba toàn tỉnh. Sau cuộc thi đó, Phương nhận ra, Địa lý rất hấp dẫn. Thay vì phải cố gắng nhớ nhiều như môn Lịch sử, môn Địa lý, nhất là Địa lý lớp 11 lại dùng phương pháp trực quan để giải thích các vấn đề kinh tế - xã hội. Cứ thế, Phương bắt đầu niềm đam mê của mình với môn học này. Tất cả những gì liên quan đến các bài học đều được em chú ý tìm hiểu. Phương không chỉ quan tâm tới sự hình thành và đặc điểm địa lý, kinh tế - xã hội của các nước lớn như Nhật Bản, Trung Quốc, Mỹ… mà Phương còn tìm hiểu về văn hóa, con người ở những đất nước ấy. Các chương trình dư địa chí, thời sự trên ti vi, những bài viết trên mạng, những cuốn sách về các vùng văn hóa thế giới được Phương tìm kiếm và thu nạp kiến thức.
Chính cách thu nạp kiến thức phong phú ấy và phương pháp dạy học hết sức khoa học của cô giáo mới Nguyễn Thị Hồng Hải đã thêm một lần nữa giúp Phương khẳng định năng lực của mình. Ở kỳ thi học sinh giỏi tỉnh lớp 11 năm học 2018 – 2019, em đã xuất sắc đoạt danh hiệu thủ khoa với 15/20 điểm. Phương cho rằng: “Câu hỏi ở kỳ thi học sinh giỏi tỉnh năm nay không quá khó nhưng chính cái dễ mới là cách để ban giám khảo tìm kiếm được nhân tố xuất sắc. Một kiến thức rộng và phong phú sẽ giúp mình tạo nên được sự khác biệt giữa muôn vàn bài thi đáp ứng yêu cầu của đề. Hơn nữa, chính môn Lịch sử cũng hỗ trợ nhiều cho em trong cách tiếp cận các vấn đề của môn Địa lý”.
Trở về sau kỳ thi, giấc mơ được chu du khắp thế giới càng trở nên cháy bỏng hơn trong tâm hồn cô nữ sinh ven biển. “Nhưng em không vội. Em biết, đó mới chỉ là sự bắt đầu. Để hiện thực hóa giấc mơ ấy, em còn phải học nhiều và còn phải chinh phục nhiều đỉnh cao của kiến thức nữa. Em tin rằng, chậm rãi rồi bứt phá mới là cách người ta đến đích nhanh nhất” – Phương chia sẻ.
Trong suốt buổi gặp gỡ với chúng tôi, Nguyễn Bình Phương luôn nhắc đến cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hải của mình với niềm biết ơn sâu sắc. Với Phương, cô không phải là người mang em đến với môn Địa lý nhưng cô lại là người chắp cánh cho niềm đam mê mới trong em. Ngoài kiến thức, cô còn là người luôn gần gũi, chia sẻ tâm tình với em và các bạn nữa.
Có kinh nghiệm nhiều năm liền dạy đội tuyển học sinh giỏi của nhà trường, cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hải chia sẻ: “Bí quyết của tôi là không tạo áp lực cho học sinh của mình. Giáo viên địa lý nhất định phải là người biết cách thắp lên ngọn lửa đam mê cho học trò. Tôi chưa bao giờ xem học sinh nào là hạt nhân của đội tuyển cả bởi ở mỗi em tôi nhìn thấy một thế mạnh riêng. Điểm số dẫu có barem nhưng tôi nghĩ cũng còn có sự “gặp gỡ” giữa những sáng tạo của thí sinh với người chấm bài nữa”.
Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hải còn có sự đồng cảm với học trò của mình khi chính cô cũng không bắt đầu giấc mơ của mình với môn Địa lý. Môn học mà cô theo đuổi suốt cả thời trung học là Văn học. Địa lý chỉ là phương án phụ của cô khi thi đại học. Và rồi, cô cũng đã tìm được những niềm đam mê mới trong môn học mới. Niềm đam mê đó đã được cô truyền lửa và thắp sáng những giấc mơ cho học trò của mình.
Nói về Nguyễn Bình Phương, cô Hải luôn dành một tình cảm trìu mến. Với cô, Phương tuy có vẻ ngoài hơi nhút nhát nhưng lại có một tâm hồn rất phong phú và nghị lực mạnh mẽ. Cô tin rằng, Nguyễn Bình Phương sẽ chinh phục nhiều đỉnh cao kiến thức nữa trong tương lai và giấc mơ chu du khắp thế giới của em cũng sớm thành hiện thực.
Bằng những bước đi chậm rãi nhưng chắc chắn, cô nữ sinh vùng quê nghèo ven biển đã viết nên “kỳ tích” đầu tiên trong cuộc đời mình. Và quan trọng hơn là em đã chạm tay vào giấc mơ thật sự của mình và chậm rãi vẽ tiếp giấc mơ ấy bằng những nỗ lực không ngừng…
thiết kế: huy tùng